Thị trường bất động sản (BÐS) những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó có các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động môi giới BÐS cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực cho thị trường và người dân.
- Thị trường bất động sản “sáng” theo dự án
- Thị trường bất động sản “sáng” theo dự án - Bài cuối: Nguồn cơn "sốt" đất
- Giá bất động sản từng bước “quay đầu”
Theo Hội Môi giới BÐS Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300 ngàn người hành nghề môi giới BÐS, nhưng chỉ có khoảng 30-40 ngàn người có chứng chỉ hành nghề. Ðây là con số đáng báo động, bởi chứng chỉ hành nghề là điều kiện bắt buộc để được phép hành nghề môi giới BÐS.
Hệ luỵ cho thị trường
Giấc mộng đổi đời khiến nhiều người bất chấp quy định, ngang nhiên tham gia thị trường BÐS mà không cần chứng chỉ, chuyên môn. Ðiều này không chỉ gây mất trật tự thị trường mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của những môi giới viên chân chính.
Những người hành nghề môi giới BÐS không có chứng chỉ hành nghề đa phần là những người làm việc tự do, không có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Họ thường chỉ tiếp nhận thông tin từ nguồn phát và truyền tải một cách thụ động đến khách hàng. Ðiều này có thể dẫn đến những sai lầm, thiếu sót trong việc cung cấp thông tin, thậm chí là lừa đảo khách hàng như: găm đất, đầu cơ, thổi giá...
Môi giới BÐS cần nắm vững kiến thức thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng chu đáo. (Ảnh chụp tại Khu đô thị Happy Home, TP Cà Mau).
Anh Bùi Tấn Mười Một, Giám đốc Công ty TNHH BÐS Cà Mau Land, cho biết: “Môi giới BÐS là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, nhưng nhiều người vẫn coi đây chỉ là công việc tạm thời để kiếm tiền. Bên cạnh đó, sự thờ ơ của nhiều sàn môi giới, cùng với việc tuyển dụng dễ dàng, không yêu cầu chứng chỉ hành nghề, đã khiến cho nghề môi giới BÐS ngày càng mất đi tính chuyên nghiệp”.
“Thị trường BÐS có thể biến động theo nhiều chiều hướng khác nhau, nhưng những nguyên tắc cơ bản của nghề môi giới vẫn luôn đúng. Ðó là nắm vững kiến thức thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng chu đáo. Bên cạnh đó, môi giới viên cần chuẩn bị sẵn sàng cho những chu kỳ tiếp theo của thị trường. Ðiều này có thể được thực hiện bằng cách chăm sóc, hỗ trợ khách hàng cũ và phát triển tệp khách hàng mới”, anh Ð.P, Phó giám đốc một công ty BÐS tại Cà Mau, nhấn mạnh.
Tăng cường quản lý
Việc siết chặt điều kiện làm môi giới BÐS là cần thiết và hợp lý, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ môi giới BÐS, góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường BÐS.
Theo Luật Kinh doanh BÐS 2022, để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BÐS, người dự thi phải đáp ứng các điều kiện sau: có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên về chuyên ngành kinh tế, quản lý, luật... hoặc có trình độ tương đương; có thời gian thực tế làm công việc liên quan đến kinh doanh BÐS từ đủ 2 năm trở lên; đạt yêu cầu về sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BÐS.
Quy định trên nhằm đảm bảo những người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BÐS có đủ trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm thực tế để cung cấp dịch vụ môi giới BÐS chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Môi giới chuyên nghiệp tạo lòng tin vững chắc cho khách hàng có nhu cầu mua - bán BÐS. (Ảnh chụp tại Khu dân cư Minh Thắng, TP Cà Mau).
Ông Nguyễn Thanh Minh, môi giới BÐS lâu năm tại Cà Mau, cho biết: "Trước đây, không ít môi giới thiếu chuyên môn, kiến thức pháp luật, tính chuyên nghiệp và đạo đức kinh doanh. Họ thường làm ăn chụp giật, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng. Ðiều này đã khiến cho uy tín của nghề môi giới BÐS bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ ban hành quy định siết chặt điều kiện hành nghề môi giới BÐS. Theo đó, cá nhân hành nghề môi giới BÐS phải có chứng chỉ hành nghề, phải hành nghề trong một doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BÐS hoặc một DN kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS. Việc siết chặt điều kiện hành nghề môi giới BÐS là giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ môi giới, bảo vệ quyền lợi khách hàng”.
Quốc hội cũng thông qua Luật Kinh doanh BÐS (sửa đổi), trong đó, điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS (Ðiều 61), được coi là điểm nhấn quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Cụ thể, Ðiều 61 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS phải thành lập DN kinh doanh dịch vụ BÐS theo quy định và phải đáp ứng các điều kiện: phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới BÐS; có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới BÐS.
Ngoài ra, trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS, DN kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS gửi thông tin DN đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh BÐS cấp tỉnh, nơi thành lập DN, để được đăng tải trên hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BÐS theo quy định.
Ðiều luật mới quy định chặt chẽ hơn về hoạt động môi giới BÐS. Theo đó, cá nhân hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được hành nghề trong một DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BÐS hoặc một DN kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS.
Tuy nhiên, để các quy định mới về siết chặt điều kiện làm môi giới BÐS được thực thi hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BÐS cần nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi khách hàng./.
Việt Mỹ