Kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu to lớn của Ðảng bộ, quân và dân Minh Hải anh hùng, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh nhà liên tục phát triển, thoát khỏi tỉnh nghèo. Cà Mau hiện là tỉnh có mức thu nhập trung bình và là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, hình ảnh về đất và người Cà Mau ngày càng trở nên ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Kinh tế tăng trưởng nhanh, tổng sản phẩm tăng 5 lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 8,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 37,7 triệu đồng, tăng gần 10,5 lần so với năm 1997.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng; thu ngân sách năm 2016 đạt 4.300 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 1997. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, đến nay sản phẩm thuỷ sản xuất sang 40 nước và quan hệ thường xuyên với trên 100 khách hàng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 7,7 lần so với năm 1997.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (hàng đầu, bìa trái) cùng Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ký kết thoả thuận hợp tác giữa hai địa phương vào ngày 16/12/2016, tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN PHÚ |
Sản lượng thuỷ sản liên tục tăng nhanh. Sản lượng lúa chẳng những đảm bảo cân đối nhu cầu lương thực trong tỉnh mà còn có lúa hàng hoá xuất khẩu. Bình quân mỗi năm trồng mới 1.500 ha rừng, tăng 20.000 ha so với khi tỉnh mới tái lập. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và rừng phòng hộ biển Tây đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là Khu Ramsar của thế giới vào năm 2013.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo đồng thuận của xã hội và trở thành phong trào mạnh mẽ trong Nhân dân. Toàn tỉnh bình quân đạt khoảng 12,5/19 tiêu chí; đến cuối năm 2016 có 21/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội. 9/9 huyện, thành phố và 78/82 xã đã có đường ô-tô đến trung tâm. Cà Mau ngày nay không còn là địa bàn xa xôi, cách trở như 20 năm trước, mà đã được nối liền với các tỉnh trong khu vực và cả nước bằng cả đường bộ, đường không, đường sông, đường biển, với khoảng cách thời gian đi lại ngày càng được rút ngắn hơn.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi, trong đó có cầu Năm Căn và cầu Hoà Trung hoàn thành, tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh và Tây Nam Bộ. Giao thông thuận lợi hơn, người dân đi lại không phải qua đò, qua phà như trước đây, xoá thế “ốc đảo” của huyện Ðầm Dơi, Ngọc Hiển. Ðồng thời, 2 dự án còn tạo tiền đề phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, du lịch; tăng cường củng cố an ninh quốc phòng và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân.
Bệnh viện, trường học được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; số bác sĩ bình quân/vạn dân tăng từ 3 lên 12 bác sĩ; chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân. Khi mới tái lập, tỉnh chưa có trường chuyên nghiệp, nhưng đến nay đã có 4 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp và một số cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngoài công lập; trên 6.000 phòng học với 246 trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo của tỉnh.
Diện mạo đô thị và nông thôn ngày một khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, hộ khá, giàu tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo từ 28% giảm còn hơn 7,96% vào năm 2016 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thực hiện trên nhiều lĩnh vực, triển khai đồng bộ về thể chế, cơ cấu tổ chức bộ máy cán bộ và thủ tục hành chính. Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được thành lập và đã hoạt động chính thức kể từ ngày 29/12/2016, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính. Nền hành chính của tỉnh đang chuyển dần sang hướng “phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Sự phối hợp hoạt động giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tạo sức lan toả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn; dân chủ được phát huy; Nhân dân đoàn kết, xã hội đồng thuận.
Chặng đường 20 năm chưa phải là dài, nhưng đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp như Cà Mau thì thành tựu đạt được là rất quan trọng và khá toàn diện. Ðó là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.
Với quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, thời gian tới, Ðảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, tạo bước phát triển đột phá để đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước.
Ðể đạt được mục tiêu trên, Cà Mau sẽ tập trung mọi nỗ lực phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,5%; dịch vụ tăng 10%; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững. Ðến năm 2020, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đạt khoảng 20.000 ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt từ 120.000 ha trở lên; tổng sản lượng thuỷ sản 5 năm đạt 2,8 triệu tấn (bình quân tăng 3,9%/năm); thu nhập bình quân đầu người trên 3.200 USD; tổng thu ngân sách 29.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu trên 7 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 1,5%.
Cà Mau với “sức trẻ tuổi 20”, với những công trình đang được đầu tư như “Khu Kinh tế Năm Căn”, “Cảng nước sâu Hòn Khoai”, “Khu Du lịch Mũi Cà Mau”, “Nhà máy Ðiện gió Khai Long” cùng nhiều công trình quan trọng khác sẽ là động lực giúp tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn nữa.
Ðể thực hiện hiệu quả các mục tiêu đó, các cấp, các ngành cần tập trung xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Triển khai thực hiện tốt Ðề án tái cơ cấu kinh tế, Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Khai thác tốt, phân bổ hợp lý các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách đột phá phát triển vùng kinh tế nội địa, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế khu vực hệ sinh thái mặn, hệ sinh thái ngọt. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển vùng kinh tế ven biển và kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới. Tập trung giải quyết hiệu quả những bức xúc của xã hội, tăng cường quản lý phát triển xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, gắn với xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh./.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải