(CMO) Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi ngành giáo dục phải cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ song hành. Một là đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy, hai là thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng dịch Covid-19 lâu dài trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, năm học này, việc các trường tiểu học chính thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 1 đã đặt ra không ít thách thức cho cả giáo viên và học sinh.
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Phường 9, TP Cà Mau) có tổng số 1.400 học sinh với 34 lớp, trong đó có 18 lớp bán trú, tương đương 650 học sinh. Riêng khối lớp 1 có 8 lớp với 248 học sinh.
Đo thân nhiệt và kiểm tra sức khoẻ học sinh khi các em có dấu hiệu mệt mỏi, nóng sốt. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Phường 9, TP Cà Mau). |
Cô Diệp Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để đảm bảo phòng chống dịch, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế Phường 9 tiến hành phun xịt, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, lớp học, bàn ghế... Bên cạnh đó, nhà trường còn bố trí máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn tại mỗi lớp học. Các nhà vệ sinh đều bố trí xà phòng rửa tay sát khuẩn. Việc theo dõi sức khoẻ cũng như giám sát thực hiện các bước vệ sinh bước đầu sẽ do giáo viên chủ nhiệm đảm trách, hướng dẫn các em. Giáo viên tuân thủ thực hiện khai báo y tế đầy đủ và cài đặt ứng dụng Bluezone 100%”.
Bên cạnh việc theo dõi sức khoẻ tại trường, giáo viên chủ nhiệm tăng cường liên kết, chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh theo dõi sức khoẻ cho các em tại nhà. Đối với các trường hợp có biểu hiện nóng, sốt, ho sẽ tạm thời đưa đến phòng y tế tại trường và chuyển đến cơ sở y tế khu vực để kiểm tra.
Nhà trường triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cho khối lớp 1. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ban giám hiệu thành lập hội đồng lựa chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp nhất với tình hình thực tế giảng dạy tại trường. Song song đó, chủ động sắp xếp đội ngũ quản lý, giáo viên tập huấn chương trình mới qua 3 hình thức: trực tiếp, trực tuyến và qua sách.
Cô Tâm chia sẻ: “Do thời gian nghỉ hè rơi vào lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên nhà trường chỉ áp dụng tập huấn chương trình cho giáo viên, chưa tiến hành chạy thử thực nghiệm nên kết quả vẫn chưa thể đánh giá được. Tuy nhiên, thuận lợi của trường là có đội ngũ giáo viên trẻ, năng động và giàu kinh nghiệm nên việc tiếp thu và áp dụng chương trình mới khá nhanh. Bên cạnh đó, còn tiến hành mở các chuyên đề thảo luận giữa các giáo viên, trong đó tập trung chú trọng nâng cao chất lượng dạy học theo định hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực tế, phát triển kỹ năng, đặc biệt là khối lớp 1”.
Tại Trường THCS Võ Thị Sáu (Phường 6, TP Cà Mau), bên cạnh tiếp tục thực hiện thiết lập chương trình riêng, trong đó chú trọng tinh giản một số nội dung kiến thức theo công văn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục trong tình hình mới.
Thầy Tạ Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, chia sẻ: “Mục tiêu chúng tôi đề ra trong năm học mới là luôn chủ động trong mọi tình huống, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy. Theo đó, trong chương trình học sẽ điều chỉnh rút gọn, giảm tải nội dung ở một số môn, tức là không cắt hoàn toàn những nội dung không trọng tâm nhưng sẽ giảm số tiết xuống”.
Trong các giai đoạn chống dịch đã qua, để không rơi vào thế bị động, nhà trường quán triệt và triển khai đồng bộ các biện pháp giảng dạy có hiệu quả. Chủ chốt vẫn là áp dụng dạy và học trực tuyến, duy trì phiếu liên lạc điện tử. Phòng ngừa dịch có diễn biến phức tạp thì các nội dung trọng tâm vẫn đảm bảo đủ để cho các em thi cử.
Mặt khác, với tâm thế phòng dịch, chống dịch, nhà trường phân bổ cho giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng dịch tại nhà trường, gia đình và cộng đồng. Khuyến cáo các em đeo khẩu trang từ nhà đến trường và ngược lại; tránh tụ tập, tiếp xúc những nơi đông người, tránh dùng những thực phẩm bày bán trước khuôn viên trường để đảm bảo sức khoẻ, đặc biệt, khi có dấu hiệu mệt mỏi phải thông báo và đến phòng y tế thăm khám.
Cũng trong năm học này, nhà trường vận động hiệu quả nguồn lực xã hội hoá để trang bị các dụng cụ như nước rửa tay sát khuẩn, cồn y tế, thuốc sát khuẩn để vệ sinh trường lớp định kỳ. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng thêm bồn rửa tay ngay cổng trường để các em học sinh thực hiện các bước sát khuẩn nhanh và thường xuyên khi bước vào khuôn viên trường học.
“Công tác phòng chống dịch được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, không lơ là chủ quan, trong bất cứ tình hình, diễn biến nào vẫn phải đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho giáo viên và học sinh", thầy Hùng cho biết thêm.
Em Du Gia Huy, học sinh lớp 9T, Trường THCS Võ Thị Sáu, bộc bạch: “Khi bắt đầu năm học mới, em luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch cơ bản, nhất là đeo khẩu trang ngay khi cả vào lớp học, không tập tụ hàng quán và những nơi đông người. Riêng với các phần mềm học trực tuyến em cảm thấy rất hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho việc học tại nhà và luyện tập thêm những bài tập nâng cao khi có nhu cầu. Ban đầu còn có chút bỡ ngỡ và khó khăn, sau thời gian áp dụng thì nhận thấy rất nhiều ưu điểm, có thể cập nhật kiến thức mới liên tục và dễ dàng”./.
Ngô Nhi