Hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, thời gian qua, tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để không chỉ nâng cao nhận thức mà còn nâng cao năng lực ứng phó trong cộng đồng dân cư.
- Chủ động ứng phó thiên tai trên biển
- Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai
- Hỗ trợ gia đình và trường học bị ảnh hưởng do thiên tai năm 2024
- Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai
Các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến khó lường và để lại thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân. Do đó, việc nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) ở địa phương, nhất là người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, trong đó công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện sâu rộng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết: "Thời gian qua, việc tổ chức tuyên truyền, truyền thông PCTT hướng đến mọi đối tượng trong cộng đồng, đa dạng phương thức tuyên truyền, phong phú nội dung, với phương châm dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện...".
Cùng với việc cấp phát tài liệu, thực hiện các sản phẩm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin..., việc huy động người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được triển khai rộng rãi trên địa bàn cấp xã. Trong đó, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình xã điển hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong PCTT.
Tiết kiệm nước ngọt bảo vệ mô hình trồng bồn bồn, nuôi cá đồng đang được nhiều nông dân xã Khánh An (huyện U Minh)triển khai thực hiện, đây là giải pháp thích ứng với mùa khô trong thời gian tới.
“Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng PCTT cho cộng đồng được duy trì thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua. Tuỳ theo từng thời điểm, diễn biến thời tiết mà nội dung tuyên truyền được xây dựng và triển khai phù hợp”, ông Tùng chia sẻ.
Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh in ấn, cấp phát hơn 77 ngàn tờ rơi, băng rôn, áp phích; thực hiện hơn 679 đề tài, phóng sự về PCTT; phát 4.700 lượt thông tin thời tiết, cảnh báo hàng hải... Năm 2023, có hơn 120 ngàn tờ rơi, tờ bướm, cẩm nang được in ấn và phát cho người dân; thực hiện 711 đề tài, 1.350 bản tin, phóng sự và bài viết trên sóng phát thanh, các kênh báo in và báo điện tử với nội dung về tình hình thiên tai, thiệt hại trên địa bàn tỉnh, biện pháp ứng phó...
Song song với tuyên truyền, công tác tập huấn, huấn luyện thực hành PCTT và tìm kiếm cứu nạn cũng được triển khai quyết liệt, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong năm 2022 và 2023, tổ chức tại 4 địa phương: TP Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, huyện Phú Tân và huyện Thới Bình. Các lớp tập huấn, huấn luyện thực hành với các tình huống giả định sát với các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra trên địa bàn tỉnh, đã tạo sự lan toả rộng rãi, góp phần đáng kể nâng cao ý thức, kỹ năng thích ứng thiên tai của cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, nội dung PCTT, thích ứng BÐKH còn được lồng ghép vào chương trình, kế hoạch hoạt động của từng đơn vị. Ông Quách Minh Hoà, Trưởng ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: "Tuỳ theo diễn biến của thời tiết ở từng thời điểm khác nhau mà chọn nội dung liên quan đến công tác PCTT, triển khai trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp dân... Hiện nay, địa phương tập trung thực hiện các nội dung về sử dụng tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng".
Việc xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai thời gian qua được tỉnh đặc biệt quan tâm. Năm 2021, tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 22/11/2021 về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong PCTT được triển khai quyết liệt đối với các ngư dân ven biển - nhóm đối tượng dễ bị thiệt hại do thiên tai.
Theo đó, mục tiêu kế hoạch đề ra là đến năm 2025, 100% đội ngũ giảng viên, tập huấn viên các cấp được trang bị đầy đủ kiến thức về thiên tai và năng lực để tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng. Ðồng thời, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương xảy ra trong giai đoạn 2016-2020; 100% người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai.
Dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn ngân sách còn hạn chế... trong khi tác động của BÐKH, thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan, nhưng với những giải pháp hiệu quả được tập trung thực hiện, mục tiêu xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, thích ứng với BÐKH đang dần đạt được kết quả. Ðây là nền tảng để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Với những nỗ lực trong xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo yêu cầu chủ động về PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiêu biểu, 100% đội xung kích PCTT xã, phường, thị trấn đã được củng cố, kiện toàn với hơn 9.500 người và được trang bị hơn 52 ngàn dụng cụ, trang thiết bị. Ngoài ra, nguồn lực có thể huy động tham gia công tác PCTT khi cần thiết là hơn 29 ngàn người ở các ban, ngành, thanh niên, doanh nghiệp và người dân...
Nguyễn Phú