ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 5-7-25 05:10:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sống ở triền sông

Báo Cà Mau (CMO) Chúng tôi đi 6 giờ liên tục, xe máy nhảy cồng cồng trên những con lộ bê tông sụp lún, khập khều. Các con lộ cũ này, từ dọc theo kênh Xẻo Nạn đến kênh Không Quân, qua cầu Kênh Tắc đến kênh Xẻo Lớn... vừa trải qua đợt triều cường dữ dội nhất từ trước tới nay.

Đến đoạn lộ cặp sông Cửa Lớn gió lồng lộng thổi, sóng trào, con lộ bị sóng đánh hàm ếch lở lói trông chênh vênh, yếu ớt. Chúng tôi phải xuống xe dẫn bộ vì con đường không còn bê tông, lại hẹp tó, gập ghềnh. Hôm nay đến đây vì nghe nói hơn 50 m của đoạn lộ này mấy tháng trước đã đổ ụp xuống sông, cùng với nó là nỗi kinh hoàng của người dân sinh sống nơi đây, những người tận mắt chứng kiến ngôi nhà thân yêu của mình từ từ biến mất trong vô vọng.

Đêm kinh hoàng

Sát bờ sông, thay vì là lộ bê tông, một chiếc cầu cây khoảng mười mấy mét, vắt ngang cửa đâu 3-4 ngôi nhà, được bà con chung tay bắc tạm để đi lại từ ngày con lộ mất. Dắt xe đến giữa lưng chừng cầu, chúng tôi được đón tiếp bằng tiếng chó sủa ầm ĩ trong căn nhà kín mít cửa. Tiếng nạt "Lu, gì đó!" báo hiệu trong nhà có người. Tôi cùng anh Quân, công chức phụ trách xây dựng - hạ tầng của UBND thị trấn Năm Căn, được một người đàn ông đứng tuổi lịch sự mời vào nhà.

Chúng tôi đang ở khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn. Con kênh Xẻo Nạn từ sông Cửa Lớn, phía Nam, chia đôi địa giới khóm thẳng lên phía Bắc. Đây là nơi hội tụ hầu như tất cả đặc trưng của vùng đất thấp này: Sạt lở triền sông và "sống chung với lũ" mỗi khi con nước đến. Nơi chúng tôi ghé thăm là nhà anh Tô Khắc Khải, phần còn lại của trại tôm giống thì đúng hơn, bởi nguyên căn nhà của anh đã trôi tuột hết xuống sông Cửa Lớn hồi tháng Bảy.

Anh Tranh cho biết, con lộ cũ nằm tuốt ngoài kia, nơi chiếc vỏ lãi đang chạy tới.

Khi chúng tôi nói chuyện, con chó lông xù màu vàng nhạt khịt khịt mũi dưới sàn nhà. "Đó là con Lu, nó thoát chết trong gang tấc hôm nhà bị sụp. Hàng ba nhà sụp kéo theo con chó đang bị xích. Nó vẫy vùng giữa làn nước xiết đến độ đứt xích để bơi ngược vào bờ. Từ hôm đó tới giờ nó nổi tiếng luôn, ai đến cũng đòi gặp nó cho bằng được", anh Khải nói. 

"Không có bất cứ gì được báo trước, chỉ có mấy con chó sủa thôi, cả xóm chó thi nhau sủa", anh Khải kể.

Vào lúc 1 giờ sáng, với ánh đèn hắt ra từ khung cửa, anh Khải giật mình bởi trước nhà đã mênh mông nước, con lộ bê tông biến đâu mất tiêu. Nhiều âm thanh là lạ dưới sàn nhà làm anh cảnh giác, nhưng chưa kịp mở dây xích con Lu thì hàng ba đã đổ sụp. Trước mắt anh là cái hố rộng hoác, sâu hòm nhìn không thấy đáy, tiếng ken két của nước ngoài sông đổ vào miệng hố vẫn còn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Chỉ kịp dời được chiếc xe máy lên trên thì toàn bộ căn nhà rung rinh, nghiêng dần rồi tuột mất vào miệng hố sâu thẳm đó. "Chỉ kịp dắt chiếc xe, còn toàn bộ vật dụng trong nhà trôi tuột hết. May là nhà toàn người lớn nên không ai việc gì. Nhưng thôi, mạng người là quan trọng, với lại vẫn còn chỗ để làm ăn".

Trong vòng 2 giờ đồng hồ hoành hành mà không có ai cản được, đợt sạt đất này cuốn mất 50 m lộ bê tông, 3 căn nhà, lấy của ấp Sa Phô hàng ngàn mét vuông đất ven sông Cửa Lớn.

Nạn nhân thứ hai là anh Dư Văn Tranh, hàng xóm anh Khải kể: "Nhà mất hết rồi, chỉ còn lại trại giống thôi". Đêm đó con Buốl nhà anh Tranh sửa dữ dội, con Ki cũng oang oác sủa theo. Giật mình thức giấc, bực bội anh Tranh nạt nhiều lần nhưng chúng chẳng chịu im. Tưởng ai kiếm có chuyện gì lúc đêm hôm khuya khoắc, anh Tranh vừa mở cửa chợt nghe tiếng răng rắc như khung nhà bị xô.

"Bãi vẫn còn nguyên nhưng bọng ở dưới lúc nào không hay, ai dè...". Như anh Khải, anh Tranh bất lực đứng nhìn căn nhà dần dần chuồi mất trong tiếng khóc thét của vợ và mấy đứa con anh.

Nước xuống, đằng sau nó là thiệt hại nặng nề (lộ ven Kênh Cùng, Khóm 5).

Phá hết, từ lộ bê tông đến nhà tường kiên cố

Sống ở triền sông đâu chỉ có nơm nớp lo sạt lở, nước lớn cũng đang là nỗi ám ảnh thường trực nơi đây. Sau 2 ngày ngấp nghé, đêm 17/10 âm lịch, đỉnh triều tràn ngập các con đường bê tông trong nội ô thị trấn Năm Căn.

3 giờ sáng, dò dẫm lội trên con lộ bị ngập mất, anh Nguyễn Văn Sáng đưa vợ ra chợ Năm Căn dọn sạp. Vợ chồng anh có sạp rau nhỏ ở đây, nhờ nó mà anh chị sống vững và lo cho con cái ăn học đàng hoàng.
"Đợt này nước lớn dữ quá, nền nhà tôi cao nhất xóm này, cao hơn mặt lộ trên 5 tấc nhưng cũng ngập luôn. Sáng ra mênh mông là nước, nước lên xuống liên tiếp như vậy nhiều ngày liền, mọi sinh hoạt đều đảo lộn", anh Sáng nói.

Vợ chồng anh Sáng đang sống trong ngôi nhà tường kiên cố ở Kênh Cùng, một nhánh tắt của kênh Xẻo Nạn về chợ Năm Căn. Nơi đây thuộc Khóm 5, có lộ bê tông nhưng đã cũ lắm rồi, nghe đâu làm hơn chục năm về trước. 

"Khoảng 4-5 năm gần đây, đến hẹn lại lên, bắt đầu từ tháng 9 âm lịch dần về cuối năm, hễ nước lớn là lộ ngập. Con nước cuối tháng 10 vừa rồi cả xóm nhà ai cũng ngập hết, sáng ra toàn nước và nước. Xe máy đâu dám đem về, gởi tuốt đằng đầu cầu kìa, muốn đi đâu phải lội nước ra đến đó mới lấy xe được" anh Sáng mở lời. Theo anh Sáng, nhiều năm nay bà con nơi đây tự bươn chải, sống chung với lũ dù không muốn. Một mặt họ tôn cao nền nhà, một mặt ra sức be mép lộ giáp kênh cao lên, cao chút nào đỡ chút đó, nhiều người mua gạch, cát, xi măng xây giăng giăng mép ngoài con lộ để chống nước tràn. Nhưng như anh Sáng nói, lực bất tòng tâm, be đất hay xây gạch đều là giải pháp tình thế bởi rất mong manh, dễ vỡ. "Con lộ này phải làm lại, cao hơn trên mét nữa mới mong ngăn nước được. Nước vô nhà tát riết rồi không còn sức nữa, nền lát gạch nhưng phải bấm bụng khoan sâu xuống để nước rút chứ hết tát nổi rồi. Ra sao thì ra chứ biết làm gì đây?", thấy tôi ngạc nhiên nhìn những lỗ thủng chi chít nơi phòng khách, anh Sáng nói như giải thích.

Bị nhốt lâu ngày, con chó Lu vui mừng nhảy nhót trên chiếc cầu cây, "con đường" duy nhất để dân xóm Sa Phô qua lại.

Căn nhà của vợ chồng anh Sáng sau bao năm trời tích góp mới xây được, niềm tự hào của vợ chồng anh với xóm giềng, chỉ qua vài con nước lớn đã trở nên thảm hại. Nền gạch men chi chít lỗ, tường thấm nước mặn tróc sơn từng mảng lớn, dơ dáy, bầy hầy. Khoảng sân bê tông rộng trước nhà, nơi con trẻ trong xóm tụ tập nô đùa mỗi khi chiều xuống, giờ ngập ngụa bùn lầy do nhiều ngày ngâm trong nước. Khoảnh đất trống cặp nhà trước đây quanh năm xanh um rau, sinh kế của gia đình nhờ nhà gần chợ, nay xơ xác đìu hiu. Theo anh Sáng, giờ gia đình anh mất từ khoảnh đất đó mỗi năm mấy chục triệu đồng.

Tuy là đô thị động lực nhưng nhiều năm nay thị trấn Năm Căn được đầu tư cơ sở hạ tầng chưa xứng tầm, đường đi trong khu vực nội ô còn bừa bộn. Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn Phạm Trường Giang cho biết, năm nay thị trấn được phân bổ 3,5 tỷ đồng, chưa thấm là bao. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng làm được nhiều việc rồi. Tuyến Xẻo Nạn, ấp Sa Phô làm được gần cây số. Chất lượng à nghe! Lộ rộng thênh thang, đảm bảo ngăn chặn triều cường. Muốn khép kín khu này, chúng tôi phải làm hơn 10 cây số nữa, dọc kênh Xẻo Thùng ở Khóm 5; Kênh Không Quân ở khóm Tắc Năm Căn...".

Tới khóm Tắc Năm Căn ngày đã về chiều, con kênh Không Quân vừa được vét, bờ đất được tôn cao ngùn ngụn áng chừng hộ đê ngăn chặn triều cường. Anh Nguyễn Bé Bảy, Bí thư Chi bộ khóm, cho biết đoạn đê gần 4 cây số này vừa làm, dân tự ra tiền thuê xáng cuốc hoàn thiện nền hạ để Nhà nước đầu tư con lộ đạt chuẩn, kết hợp ngăn nước lớn. Nghe chuyện chợt nhớ bên ấp Sa Phô, 3 hộ dân (Trịnh Đình Hiếu, Nguyễn Hữu Mừng, Lý Thanh Tâm), không chịu nổi cảnh nước tràn đã tự ra tiền thuê xáng cuốc múc đất đổ trùm lên con lộ cũ. Ý thức của dân đã có nhưng lại xung đột lợi ích cục bộ khi một số ít người giữ được tài sản trong vuông lại gây khó cho nhiều người, bởi khi mưa đoạn đường này trở nên lầy lội, khó đi.

Như thế mới thấy, hạ tầng nơi đây đang rất cần sự đầu tư khoa học của một dự án đồng bộ, dài hơi./.

Sĩ Tắc

Liên kết hữu ích

Trên 800 thủ tục hành chính được phân cấp, phân định thẩm quyền giải quyết

Chủ tịch UBND tỉnh vừa công bố Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cà Mau và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.

Thước đo hiệu quả của chính quyền

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và dịch vụ công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã. Năm 2024, Chỉ số PAPI của tỉnh Cà Mau xếp hạng 17 trên toàn quốc. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp.

Khẩn trương nâng cấp hạ tầng viễn thông cấp xã

Thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông, đường truyền trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cấp chính quyền cơ sở. Dù đã có sự quan tâm đầu tư, song hạ tầng viễn thông, đường truyền kết nối trực tuyến, chất lượng trang thiết bị ở các xã hiện nay tại Cà Mau chưa đồng bộ, dễ bị gián đoạn, tắc nghẽn, làm ảnh hưởng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ðể mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành vào ngày 1/7 tới, việc tháo gỡ vướng mắc này đang là ưu tiên lớn của tỉnh.

Tổ chức bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp xã mới

Ðể đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2025/NÐ-CP ngày 9/6/2025 (Nghị định 118) về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ðây được xem là một bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc bộ máy hành chính, góp phần tạo dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Khi lòng dân là “thước đo” công quyền

Giữa nhịp sống hiện đại, khi mọi thiết bị hầu như đều có thước đo chính xác đến từng con số, thì trong guồng máy hành chính Nhà nước có một thứ thước đo “vô hình” nhưng lại rất quan trọng, đó chính là lòng dân. Sự hài lòng của người dân không chỉ phản ánh chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn là “tấm gương” soi chiếu hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Xác định điều này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách, cải thiện Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Tinh gọn để phát triển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, huyện Năm Căn đang triển khai đề án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Theo đó, từ 7 xã và 1 thị trấn hiện tại, huyện sẽ tổ chức lại thành 3 đơn vị hành chính cấp xã.

Sẵn sàng cho bước chuyển đổi lớn

Thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Huyện U Minh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuẩn bị. Hiện các xã trung tâm đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng cho ngày chuyển đổi mang tính lịch sử.

Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân

Trong nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng phục vụ và tăng cường niềm tin của người dân, Cà Mau quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hướng đến phục vụ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tiên phong của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, Cà Mau đang dần định hình hình ảnh một chính quyền năng động, chuyên nghiệp và gần dân.

Ðưa Cà Mau vào nhóm thứ hạng cao về PAR INDEX

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

“Cú bứt phá” ngoạn mục

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.