(CMO) “Năm nay nhà tôi không còn hộ nghèo nữa, thằng con trai đã mướn được 3 ha đất để làm. Vợ chồng tôi đều không biết chữ nhưng 3 đứa con đều được đi học, có 2 đứa học hết lớp 12. Nhìn thấy con cái được học hành, có cái để tính toán làm ăn, không phải chịu cảnh mù chữ như cha mẹ nó, tôi mừng lắm”, đó là lời chia sẻ của bà Lâm Thị Ly, Ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời.
Năm 2016, gia đình bà Ly là một trong những hộ nghèo của ấp. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - xã hội 30 triệu đồng và sự cần cù, quyết tâm vươn lên, gia đình đã tận dụng nguồn vốn để mướn đất sản xuất. Diện tích xung quanh nhà được bà tận dụng để trồng màu.
Bà Lâm Thị Ly, Ấp 8, xã Khánh Bình Đông tích cực lao động sản xuất, cải thiện đời sống gia đình. |
Sau 2 năm miệt mài với ruộng rẫy, đời sống kinh tế gia đình bà ngày càng khởi sắc, có thêm vốn tích luỹ để mướn đất, mở rộng diện tích sản xuất. Kinh tế ngày một ổn định, năm 2018 gia đình bà Ly đã thoát nghèo
Bà Ly cho biết, cũng nhờ sự tuyên truyền, vận động tại địa phương mà gia đình bà ý thức được việc cho con ăn học biết chữ để tính toán làm ăn sau này. Và cũng nhờ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng mà gia đình bà trồng được hoa màu để kiếm thêm thu nhập.
Xã Khánh Bình Đông hiện có 315 hộ đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có 80 hộ nghèo. Những năm gần đây, nhờ sự cần cù, chịu khó và hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Bình Đông ngày càng chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc như giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, chính sách bảo tồn ngôn ngữ chữ viết của đồng bào dân tộc… đã kịp thời đáp ứng những nhu cầu cấp thiết về điều kiện sống, sinh hoạt của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn tại các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số được chính quyền địa phương xác định là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông Cao Văn Đạt cho biết: “Chỉ khi người dân hiểu, nắm rõ những chủ trương, chính sách của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thì xã hội mới ổn định, người dân mới có điều kiện để phát triển. Vì vậy, thông qua các cuộc họp hay lễ, Tết, ngoài sự quan tâm về tinh thần, chính quyền địa phương luôn vận động, nhắc nhở bà con tìm hiểu về chính sách pháp luật, đồng thời hiểu hơn về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.
Từ đó, mỗi hộ dân ý thức về tinh thần đoàn kết, học tập, lao động vươn lên. Ông Lâm Hy, Ấp 8, xã Khánh Bình Đông, cũng là người nông dân thuộc diện khó khăn nay đã vươn lên cải thiện được đời sống, chia sẻ: “Nhờ sự trợ giúp của Nhà nước mà gia đình chúng tôi mới có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn. Từ đó có thêm điều kiện sản xuất, nuôi con ăn học. Hy vọng những năm tới đây Đảng, Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer, giúp bà con ngày càng có điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế và mở mang dân trí”./.
Kim Chi