Những ngày qua, tuy chỉ mới có mưa chuyển mùa nhưng cũng đã tưới mát “rốn hạn” huyện Trần Văn Thời. Nơi đất khô kiệt đã thấy mầm xanh vươn chồi, sức sống mới đã trở lại, mang đến niềm vui và hy vọng.
Các con kênh lớn trên địa bàn như: Kênh Hội, So Le, Kênh Ðứng, Kênh Cũ, chảy qua các xã: Khánh Bình, Trần Hợi, Khánh Bình Ðông, Khánh Hưng... đã lưng chừng nước. Những thảm thực vật đã bắt đầu xanh tốt, vươn mình; tôm, cá cũng đã thoả sức bơi lội, phát triển sau nhiều tháng nắng kéo dài làm kiệt nguồn nước. Kênh có nước đã làm giảm nguy cơ sụt lún đất.
Trên đồng, những cơn mưa đã làm đất tơi xốp, nông dân bắt đầu ra đồng cải tạo đất, chuẩn bị cho vụ mùa hè thu.
Nhịp sống đã bắt đầu sôi động trở lại, làm rộn vui khắp làng trên, xóm dưới.
Con kênh So Le như trục xương sống, đòn gánh giữa vùng ngọt, chảy xuyên qua xã Trần Hợi, chuyển nước từ Kênh Cũ, Kênh Ðứng chảy về Kênh Hội. Mùa hạn qua, con kênh khô đáy, nay thảm thực vật đã tươi tốt, lưu thông đường thuỷ đã hoạt động trở lại.
Con Kênh Hội bắt đầu từ cống Kênh Hội (xã Khánh Bình) chia cắt đôi bờ mặn - ngọt, chạy sâu vào nội đồng vùng ngọt. Mùa hạn vừa qua, dòng kênh khô cạn hoàn toàn, sau những cơn mưa chuyển mùa, nước đã lưng chừng, người dân xuống kênh bắt cá cải thiện bữa ăn.
Ðến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời có 24.461 ha đất được cày ải.
Nông dân xã Trần Hợi bắt đầu ra đồng cải tạo đất, diệt lúa rày, chuẩn bị cho vụ hè thu. Theo bà con, vụ này phần lớn sử dụng giống lúa Ðài thơm, nhằm hạn chế tình trạng lúa mọc mầm lúc thu hoạch trước khả năng mưa nhiều, ngập.
Tại những tuyến kênh nhánh, xẻ trục, mưa chuyển mùa cũng cung cấp lượng nước đáng kể. Rau muống tươi tốt, người dân tranh thủ hái bán, kiếm thêm thu nhập lúc giao mùa.
Trần Nguyên thực hiện