Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của huyện U Minh phát triển khá toàn diện, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, dù giá trị hàng hoá nông sản không ngừng được nâng lên, song đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của huyện U Minh phát triển khá toàn diện, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, dù giá trị hàng hoá nông sản không ngừng được nâng lên, song đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Những mục tiêu cụ thể
Trước thực trạng trên, huyện đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020.
Phó Trưởng Phòng NN& PTNT huyện U Minh Phạm Văn Nhạn cho biết: “Mục tiêu chính của đề án là duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6,5% năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,26%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.300 USD".
Du khách đến tham quan Khu Du lịch sinh thái Liên Tiểu khu Sông Trẹm, huyện U Minh. Ảnh: MINH TẤN |
Để đạt được những mục tiêu trên, huyện xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể đối với từng loại cây trồng, vật nuôi. Đối với cây lúa, huyện tập trung giữ vững diện tích lúa 2 vụ, đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ, phấn đấu đến năm 2020 diện tích canh tác đạt 2.000 ha, sản lượng đạt 6.000 tấn; lúa - tôm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 3.000 ha, sản lượng đạt 15.000 tấn; lúa mùa đặc sản với diện tích 2.000 ha, sản lượng đạt 10.000 tấn.
Bên cạnh đó, phát triển ổn định diện tích chuối khoảng 2.500 ha, năng suất 20 tấn/ha, sản lượng 50.000 tấn. Tiếp tục khôi phục và cải tạo diện tích vườn tạp trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao kết hợp với du lịch sinh thái vườn; đồng thời phát triển ổn định diện tích rau màu đạt khoảng 1.200 ha.
Trong chăn nuôi chú trọng phát triển theo hướng trang trại, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển đàn heo đạt 37.000 con, đàn gia cầm đạt 377.000 con; khuyến khích các hộ gia đình nuôi động vật hoang dã (được phép) từ nhỏ lẻ phát triển thành những gia trại quy mô lớn mang lại hiệu quả cao.
Tiếp tục giữ vững diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện có; đồng thời tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đổi phần lớn diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi thâm canh, quảng canh cải tiến, các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm càng xanh, cá chình, cá bống tượng và cá bổi, phấn đấu đạt khoảng 40.500 ha. Đồng thời, khôi phục nguồn lợi cá đồng, đạt khoảng 6.000 ha. Từng bước phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển, chú trọng lựa chọn đối tượng có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, phát triển mạnh, đồng đều các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác và hiện đại. Đặc biệt là các dịch vụ khuyến nông, khuyến ngư, thuỷ lợi, làm đất, thu hoạch, dịch vụ bảo vệ thực vật và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Nâng cao giá trị kinh tế rừng
Với những tiềm năng sẵn có, huyện U Minh hoàn toàn có thể thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, bởi hiện tại việc sản xuất lúa hữu cơ đang được phát triển và nhân rộng trên địa bàn xã Khánh An với diện tích hơn 250 ha, sản lượng 500 tấn/năm. Huyện cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư trang thiết bị máy móc để mở rộng sản xuất, chế biến gạo hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Riêng việc sản xuất lúa - tôm theo hướng VietGAP cũng đang được huyện đẩy nhanh thực hiện khoảng 300 ha, sản lượng khoảng 1.350 tấn; đặc biệt chú trọng sản xuất lúa mùa đặc sản và thực hiện các cánh đồng lớn.
Ông Trần Ngọc Quý ở ấp 4, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Hơn 3 năm tham gia cánh đồng lớn, tôi và bà con ở đây không chỉ giảm được chi phí về giống, thuốc trừ sâu mà còn hạn chế được sức người do mình làm đồng loạt nên khi thu hoạch có máy gặt đập liên hợp vô làm hết, khoẻ lắm mà năng suất lại cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống”.
Những năm qua, nhờ thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về việc tận dụng đất trống sân, vườn, bờ liếp, bờ bao, bờ xáng lâm phần để trồng hoa màu và cây ăn trái nên diện tích các loại này không ngừng được nâng lên. Hiện toàn huyện có hơn 140 ha hoa màu các loại, đã hình thành được 2 tổ hợp tác sản xuất rau sạch, rau an toàn ở khóm 2, thị trấn U Minh và ấp 11, xã Khánh Thuận; diện tích cây ăn trái cũng bắt đầu được khôi phục.
Anh Tống Văn Sang, chủ vườn quýt đường ở ấp 10, xã Nguyễn Phích, phấn khởi cho biết: “Năm rồi, ngoài thu nhập từ trái quýt, tôi còn có thêm nguồn thu khá lớn từ làm du lịch. Chỉ cần 1 người vào vườn thu 20.000 đồng, 1 ngày cũng thu hơn 1 triệu đồng; những hôm lễ, Tết thu gấp 5-6 lần. Năm nay, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng quýt, đồng thời làm khu nghỉ ngơi cho khách, dịch vụ ăn uống để tăng thu nhập. Làm vườn kiểu này vui lắm”.
Những năm qua, huyện U Minh cũng đã quy hoạch phát triển chăn nuôi với các loại vật nuôi phù hợp từng vùng. Huyện triển khai nguồn vốn khoa học - công nghệ thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng - biogas nhằm giúp người dân tăng thu nhập, đảm bảo vệ sinh môi trường. Song song đó, đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi.
Mặc dù có được những lợi thế lớn, nhưng để thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đòi hỏi huyện U Minh cần phải có những nỗ lực tương đối lớn, có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong toàn huyện.
Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ U Minh Lê Thanh Triều cho biết, nhằm nâng cao giá trị kinh tế đất rừng, giúp Nhân dân có mức sống cao hơn, trong thời gian tới, huyện U Minh sẽ đẩy mạnh công tác tái cơ cấu kinh tế đất rừng với nhiều giải pháp. Trước hết là nâng cao hiệu quả, thực hiện tốt toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất rừng phù hợp; chuyển một phần diện tích rừng tràm nghèo kiệt sang trồng những loài cây rừng có giá trị kinh tế cao, phù hợp môi trường sinh thái. Đồng thời, thực hiện xã hội hoá trong lâm nghiệp đối với rừng sản xuất. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp kết hợp xây dựng trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm./.
Trần Thể