Với niềm đam mê khoa học công nghệ, đặc biệt là những kiến thức quân sự, bạn Trịnh Tuấn Kiệt, học sinh lớp 12X, Trường THPT Cà Mau, đã sáng chế ra nhiều mô hình tàu chiến hiện đại, trang bị hệ thống vũ khí tiên tiến, giống gần như nguyên mẫu.
Bắt đầu từ năm lớp 7 Tuấn Kiệt đã sáng chế ra mô hình súng bằng bìa giấy các tông. Nhận thấy súng chế tạo quá đơn giản nên những năm học tiếp theo Tuấn Kiệt sáng chế mô hình tàu chiến bằng vật liệu bìa cứng (bìa foam) hoặc nhựa... được kết bằng keo dán.
Tuấn Kiệt chia sẻ: “Từ nhỏ em đã có niềm đam mê với trang thiết bị, vũ khí quân sự nên em quyết định làm mô hình. Em tâm đắc nhất là con tàu sân bay và chiếc tuần dương hạm, một chiếc đại diện cho Nga và một chiếc đại diện cho Mỹ. Trên con tàu này có những khẩu pháo và bệ tên lửa phòng thủ, dựa trên công nghệ của Mỹ. Ðiểm nhấn là những ống phóng thẳng đứng, tượng trưng cho tên lửa hạt nhân, trên tuần dương hạm của Nga, như B1000 hay B700”.
Các mô hình của Trịnh Tuấn Kiệt mang đậm nét sáng tạo.
Những thiết kế mô hình tàu chiến của Tuấn Kiệt đều là do bạn tự tìm tòi, học hỏi từ kiến thức quân sự, trên sách báo. Niềm đam mê, tâm huyết nhất của Kiệt là thiết kế và vũ khí chuyên dụng trên tàu. Ðến nay “hạm đội” của Tuấn Kiệt đã có trên 33 con tàu chiến, gồm tàu sân bay, tàu tuần dương tàu hộ tống và những con tàu hỗ trợ khác, như tàu vận tải, tàu đổ bộ, tàu tiếp vận... Mỗi con tàu Tuấn Kiệt đều nghiên cứu kiến thức bên lề về giai đoạn lịch sử, địa lý gắn liền với nó.
Ðối với những con tàu ở Việt Nam, Tuấn Kiệt sáng chế ra 5 mô hình tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam. Mô hình dường như gần giống với mẫu tàu thật, Tuấn Kiệt đầu tư, chăm chút hệ thống bệ phóng tên lửa và vòi rồng rất chân thật. Kinh phí mỗi con tàu Tuấn Kiệt chế tạo có giá vật liệu từ 200-400 ngàn đồng. Tuỳ theo kết cấu của tàu, Kiệt mất từ 1 tuần đến nửa tháng để hoàn thành.
Tuấn Kiệt hiện đã sáng chế được mô hình tàu Cảnh sát biển Việt Nam có gắn động cơ, di chuyển được trên mặt nước.
Tuấn Kiệt thổ lộ: “Ngoài ra, trong đội tàu của em có 5 chiếc tàu chạy dưới nước có gắn động cơ, điều khiển được. Những con tàu này do em mày mò, nghiên cứu, thiết kế động cơ để gắn vào tàu và có bộ điều khiển để chạy được dưới nước, không bị rò rỉ nước”.
Trịnh Tuấn Kiệt giao lưu với các bạn học sinh tại buổi trưng bày triển lãm. Ảnh: QUỐC BÌNH
Những mô hình của Trịnh Tuấn Kiệt đã được triển lãm, trưng bày tại cuộc triển lãm, trưng bày hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, “Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tại Trung tâm Văn hoá tỉnh. Thông qua những mô hình của Tuấn Kiệt đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong bạn. Tuấn Kiệt bày tỏ: “Mỗi người dân Việt Nam đều có tình yêu lớn với đất nước. Ðối với những con tàu, đó là niềm tự hào. Em gửi lời chúc chân thành đến những cán bộ, chiến sĩ đang ở ngoài đảo, ngoài nhà giàn, những chiến sĩ đang ở trên tàu... luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Không dừng lại, Tuấn Kiệt luôn tìm tòi, sáng chế ra những con tàu mới, thiết kế mới của những con tàu trên thế giới để cho bộ sưu tập thêm độc đáo. Ðiều đáng mừng là gia đình và nhà trường luôn ủng hộ, từ vật liệu đến không gian trưng bày. Ðiều mong muốn của Tuấn Kiệt là có một cuộc thi về sáng kiến khoa học - kỹ thuật quân sự, để bạn có thể truyền tải hết kiến thức, khả năng và duy trì niềm đam mê của mình trong tương lai./.
Nhật Minh