(CMO) Xuất phát từ mục tiêu tạo ra những mô hình hay để kích thích sự tò mò, ham học, an tâm và tự tin cho sinh viên khi thực hiện kỹ năng chăm sóc người bệnh, cô Lâm Kim Mụi, giảng viên bộ môn Điều dưỡng (khoa Y, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau), luôn tích cực tham gia sáng kiến kinh nghiệm về thiết bị, phương pháp giảng dạy và được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.
Đặc biệt, năm 2019, cô Lâm Kim Mụi là đồng tác giả với thầy Nguyễn Hữu Hạnh và thầy Nguyễn Trường Linh đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, với các mô hình: “Mô hình đặt sonde tiểu nữ”, “Mô hình tiêm truyền tĩnh mạch vùng cẳng tay”, “Mô hình đặt sonde dạ dày”.
Năm 2021 này, cô Lâm Kim Mụi đạt giải Nhất tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh lần thứ I.
Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Huỳnh Ngọc Linh cho biết: “Cô Lâm Kim Mụi là cựu học sinh của trường, với thành tích học tập tốt và năng lực cao nên được giữ lại trường trợ giảng, rồi từng bước nâng cao trình độ thành giảng viên cơ hữu. Cô siêng năng, tâm huyết với nghề, nhất là ham học hỏi, sáng tạo thiết bị dạy học, giúp nâng cao tính thực hành cho sinh viên”.
Cô Lâm Kim Mụi luôn nỗ lực, phấn đấu trong học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô Kim Mụi cho rằng, để có được thành tích tốt thì phải rèn luyện, nỗ lực và học hỏi không ngừng để làm tốt vai trò vừa là người thầy giáo, vừa là thầy thuốc và vừa là nhà nghiên cứu.
Bởi thế, cô luôn đổi mới và cải tiến phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên; tham gia đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát kiến thức tự chăm sóc bàn chân của người bệnh đái tháo đường type 2 đang điều trị tại khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, từ tháng 1 đến tháng 4/2020”; tham gia sáng kiến kinh nghiệm “Mô hình mô tả shock phản vệ” để giảng dạy sinh viên thực tập tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau…
Theo nhận xét của thầy Huỳnh Ngọc Linh, ưu điểm của các mô hình sáng tạo của cô Kim Mụi cùng cộng sự tạo ra đều hướng đến nhu cầu thiết thực trong học tập của sinh viên, với cách làm đơn giản, ít chi phí, vì chủ yếu tận dụng vật liệu sẵn có hoặc tái chế để các em có thể tự làm theo, thực hành, rèn luyện tại nhà.
“Nếu là mô hình đa năng trong phòng thực hành chuyên nghiệp thì trị giá có khi vài chục đến trăm triệu đồng. Bản thân người dạy sẽ dè dặt, sinh viên cũng ái ngại trong thực hành. Nhưng với mô hình sáng tạo mô phỏng tự tạo, các em có thể thoải mái thực hành, hỏng thì sửa chữa hoặc dễ dàng thay mới”, cô Kim Mụi tâm đắc.
Chẳng hạn như mô hình tiêm tĩnh mạch vùng cẳng tay do cô thiết kế có tĩnh mạch máu giúp sinh viên xác nhận chính xác vị trí tĩnh mạch, cảm nhận tiêm vào tĩnh mạch, phát hiện được tiêm sai vị trí tĩnh mạch và cảm nhận như đang tiêm cho người bệnh, giúp các em biết thận trọng trong mỗi động tác thực hành và hiểu rằng chỉ cần sai một bước trong quy trình là có thể nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng người bệnh.
“Mỗi mô hình tham dự cuộc thi, hội thi, tôi mong muốn nhận được sự góp ý, sẻ chia từ đơn vị bạn cũng như hội đồng để nhận ra hạn chế, khuyết điểm, từ đó khắc phục và hoàn thiện hơn, giúp các em sinh viên khi thực hành mô hình sẽ hiệu quả hơn. Qua đó, đút rút kinh nghiệm để tạo ra nhiều hơn các mô hình và nâng cao phương pháp giảng dạy”, cô Kim Mụi bày tỏ.
Chẳng hạn, tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI tại Huế, cô “thu hoạch” rất nhiều điều hay, được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức để sáng tạo thêm nhiều mô hình hay. Sau hội thi, cô đã nâng cấp thêm mạch điện tử cho mô hình tiêm truyền tĩnh mạch vùng cẳng tay, đưa vào giảng dạy, sinh viên hứng thú và tiết dạy chất lượng hơn.
Mục tiêu hướng đến của cô Lâm Kim Mụi là sáng tạo nhiều hơn những mô hình hay để sinh viên thực hành, thạo nghề ( ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp).
Cô Kim Mụi bộc bạch: “Nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Tôi là một trong những nhà giáo đào tạo nhiều người làm nghề y, nên mục tiêu đặt ra không chỉ rèn luyện các em thạo và giỏi nghề mà còn cần phải có y đức”.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, sinh viên trường cũng tích cực tham gia tuyến đầu chống dịch. Những ngày đầu tập huấn cho các em lấy mẫu test, thực hành chăm sóc sức khoẻ người dân, cô Lâm Kim Mụi vẫn lo các em không tròn nhiệm vụ, phần lo các em chưa có nhiều kinh nghiệm nghề khi phải đảm nhận rất nhiều việc… Song, dõi theo các em, cô tự thấy hãnh diện vì suốt thời gian qua, lực lượng sinh viên trường thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, đã đóng góp nhiều cho công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.
“Thành công của tôi chính là mỗi thế hệ sinh viên ra trường đều trở thành nhân viên y tế vững tay nghề, vững chuyên môn, giàu y đức”, cô Lâm Kim Mụi tâm tình./.
Băng Thanh