Bằng niềm tự hào với truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương, lòng yêu kính vô hạn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, những thuyết minh viên tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Cà Mau) vẫn hằng ngày làm nhiệm vụ thầm lặng nhưng có ý nghĩa lớn lao, đó là lan toả, gìn giữ những giá trị của Khu Tưởng niệm.
Trong dịp kỷ niệm sinh nhật Bác vừa qua, tôi có cơ hội gặp chị Huỳnh Thu Thảo (sinh năm 1991), thuyết minh viên làm việc tại Khu Tưởng niệm. Ðược trực tiếp xem chị dẫn đoàn, cũng cùng câu chuyện, cùng nội dung kể về Bác mà có thể nhiều người đã xem qua sách báo, nhưng qua cách truyền tải của chị lại trở nên da diết, dạt dào cảm xúc, gây ấn tượng, đọng lại trong lòng người nghe một tình cảm trân trọng và biết ơn Bác Hồ kính yêu.
Chị Thảo là 1 trong 4 nữ thuyết minh viên trẻ tuổi đang làm việc tại Khu Tưởng niệm. Học ngành sư phạm Văn, nhưng chị lại gắn bó với nghề thuyết minh viên như một cái duyên. Những ngày đầu bắt nhịp cùng công việc mới, để thực hiện tốt nhiệm vụ vừa thuyết minh, vừa hướng dẫn các đoàn khách, chị không ngừng học tập từ đồng nghiệp, cập nhật kiến thức trên sách vở, xem thêm về các thước phim tư liệu hay tìm đọc các hồi ký, nhật ký của các nhân chứng lịch sử. “Thời điểm đó, tôi thường theo các chị trong cơ quan, đặt mình với tư cách một người khách để quan sát đồng nghiệp làm việc, xem cách họ diễn giải, truyền tải cảm xúc vào câu chuyện ra sao. Tôi có thói quen hay ghi âm lại, có thời gian rảnh là sẽ mở nghe, từ những kiến thức chung ấy, tôi tiếp thu và rút ra những kỹ năng riêng cho mình. Tôi quan niệm, để làm tốt công việc này phải học từng ngày, cố gắng trau dồi để làm mới mình. Thế nên, trước khi tiếp đón các đoàn khách, tôi thường đến trước để tập dượt lại, chuẩn bị thật chu đáo để chia sẻ nhuần nhuyễn hơn”, chị Thảo cho biết.
Mỗi đoàn khách, thuyết minh viên Huỳnh Thu Thảo mang đến cảm xúc khác nhau.
Ðối với các thuyết minh viên tại đây, bên cạnh truyền tải cho người nghe tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn chia sẻ cho khách đến tham quan về ý nghĩa của công trình Khu Tưởng niệm chính là thể hiện tấm lòng son sắt của Nhân dân Cà Mau đối với Bác.
“Trên thực tế, đây là những công trình được phục dựng lại, nếu mình nhấn mạnh về yếu tố bề nổi sẽ khó chạm đến cảm xúc của người nghe. Vai trò của chúng tôi lúc này là cho du khách biết được vì sao Cà Mau lại có một công trình như vậy, quá trình xây dựng nên. Quan trọng hơn tất cả, đó là tình cảm của những người con ở mảnh đất cuối trời Tổ quốc đối với Bác, từ lúc chiến tranh đến khi hoà bình. Chính vì vậy, câu chuyện xúc động về cây vú sữa miền Nam, hay sự quan tâm, hỏi han, tâm nguyện của Bác gửi gắm cho miền Nam cũng được chúng tôi lồng ghép vào nội dung thuyết minh của mình”, chị Thảo chia sẻ.
Trong suốt hành trình làm nghề của mình, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị Thảo là một lần được tiếp đón các vị khách đến từ Nghệ An. Ðoàn khách này là các cô, chú lớn tuổi đi theo lịch trình của tour du lịch và trong sự ngẫu nhiên ấy, họ hoàn toàn không biết tại địa phương cuối trời Tổ quốc lại có một công trình thể hiện tình cảm dành cho Bác dạt dào đến thế. Chị bồi hồi nhớ lại: "Lúc ấy, khi được gặp những người “đồng hương” của Bác, tôi đã chia sẻ rất nhiều về sợi dây tình cảm của Nhân dân Cà Mau đối với Bác. Khi nghe qua câu chuyện thiêng liêng ấy, nhiều thành viên trong đoàn đã xúc động rơi nước mắt”.
Khác với hướng dẫn viên du lịch được đi nhiều nơi, đặc thù của nghề thuyết minh viên chỉ làm việc cố định một chỗ. Cùng một câu chuyện phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần cho rất nhiều người, nên thuyết minh viên phải luôn làm mới mình để không tạo sự nhàm chán. Chị Thảo nói: “Có một quy tắc bất di bất dịch trong nghề là, kiến thức, những câu chuyện thuộc về lịch sử, quá khứ tuyệt đối không được phép sai. Tuy nhiên, tuỳ từng đối tượng du khách, tôi sẽ lựa chọn những phương pháp thuyết trình khác nhau để truyền tải nội dung cho phù hợp. Kiến thức là bao la, đòi hỏi người thuyết minh viên phải cập nhật từng ngày để thổi hồn vào những hiện vật, những di tích, lan toả những giá trị của quá khứ và hiện tại”.
Với các đoàn khách ngoài tỉnh, chị Thảo luôn trang bị cho mình những thông tin giới thiệu về Cà Mau, mà chị gọi đây là kiến thức nền, để kịp thời trả lời các câu hỏi bất chợt của du khách. Ngoài ra, trong những lúc di chuyển từ điểm này sang điểm khác, mẩu chuyện về văn hoá, phong tục, tập quán của Cà Mau cũng được chị chia sẻ thêm để tương tác, kết nối với khách.
Dòng người nô nức tham quan điểm trưng bày hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Tưởng niệm.
“Có những lúc du khách sẽ đặt ra những câu hỏi, hoặc thắc mắc trong phần nội dung của mình. Lúc này, người thuyết minh phải có lập trường vững vàng, bình tĩnh, khéo léo trong việc xử lý tình huống để hài hoà, tránh trường hợp suy diễn, hoặc ý kiến không phù hợp. Ðây cũng là kinh nghiệm tôi tích luỹ từ thực tế sau mỗi lần va chạm”.
Dù ra trường không làm đúng ngành nghề, nhưng chính những kỹ năng sư phạm đã giúp chị Thảo tự tin hơn khi đứng trước đám đông. Người ta hay gọi vui nghề này như “chiếc máy đọc chạy bằng cơm”, vì bất kể ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay dịp lễ, sự kiện quan trọng của đất nước, lực lượng thuyết minh viên cùng với chiếc micro mini phải chạy hết công suất. Vất vả là thế, nhưng khi tiếp xúc với các đoàn khách, họ luôn chuẩn bị thật chỉn chu từ ngoại hình và luôn trong tư thế sẵn sàng.
Chị Thảo tâm tình: “Tôi rất tâm đắc một câu trong bài thơ “Bác ơi!” của Nhà thơ Tố Hữu: "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Dù Bác đã đi xa nhưng lời dạy của Người vẫn còn vẹn nguyên giá trị, và việc học Bác là học cả đời”. Ðối với nữ thuyết minh viên trẻ này, tình yêu nghề đơn giản là sự trân trọng lịch sử dân tộc, là được mỗi ngày học tập và lan toả những giá trị cao quý của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Hữu Nghĩa