(CMO) Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Ðảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Ðảng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo cơ sở quan trọng thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Ðảng.
Tranh: LÝ KIỀU LOAN |
Từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh.
Trong thời kỳ đổi mới, Ðảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tăng cường quốc phòng - an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng.
Trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập, cán bộ, đảng viên hàng ngày, hàng giờ phải chịu sự tác động của nhiều nhân tố phức tạp, kể cả những hành động chống phá Ðảng. Theo đó, vấn đề giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Ðảng đang đứng trước những thách thức, khó khăn mới. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước. Tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Một số cán bộ và cấp uỷ chưa tôn trọng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; bệnh quan liêu, độc đoán, cục bộ, địa phương, kèn cựa, không ít nơi mất đoàn kết nghiêm trọng.
Trước thực trạng ấy, để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng trong tình hình mới, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức Ðảng, Uỷ ban kiểm tra, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng. Mọi cấp uỷ cần nhận thức rõ rằng, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của Ðảng có ý nghĩa là nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp uỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.
Tập trung kiểm tra, giám sát cấp uỷ viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý; cán bộ, đảng viên có tài sản lớn, có dấu hiệu tham nhũng; cán bộ tham mưu chiến lược, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp Nhà nước. Dân chủ hoá trong công tác kiểm tra, giám sát; hoạt động kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, thống nhất từ trong cấp uỷ đến từng đảng viên. Kiểm tra, đánh giá, kết luận phải dựa trên những chứng cứ rõ ràng, không áp đặt, quy chụp. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm đã kiểm tra; kết quả xử lý phải được công khai để răn đe, giáo dục.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, tổ chức đảng ở các cơ quan Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá, tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các quy định, kết luận của Ðảng; việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chức trách cán bộ, đảng viên, trong công tác tổ chức cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng ở những đơn vị kinh tế lớn dễ phát sinh vi phạm, có dấu hiệu gây thất thoát, thua lỗ lớn; giám sát cán bộ, đảng viên không để người thân (vợ hoặc chồng, con) lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ để trục lợi.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, các quyết định, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổng kết thực tiễn… lấy đó làm phương hướng, chuẩn mực để kiểm tra. Về phương pháp kiểm tra thì cần vận dụng, kết hợp linh hoạt các hình thức kiểm tra như: kiểm tra thường xuyên, đột xuất, định kỳ và phương pháp kiểm tra trực tiếp, gián tiếp.
Ðồng thời, kiện toàn bộ máy kiểm tra các cấp từ Trung ương đến cơ sở, bộ máy cơ quan Uỷ ban kiểm tra và tăng cường cán bộ kiểm tra các cấp bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng đã góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực cầm quyền của Ðảng, làm cho Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, hoàn thiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian tới, để khắc phục tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong Ðảng; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; và để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Ðảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hiệu quả sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo. Muốn vậy, bên cạnh việc giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên, phải đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, đặc biệt là kiểm tra, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ðảng và kiểm tra, giám sát tổ chức Ðảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm./.
Mạc Thị Loáng