(CMO) Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là lúc các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh với việc tìm đủ mọi mánh khoé để buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả để trục lợi. Đây cũng là cao điểm ngành chức năng vào cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng, sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tích cực thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp góp phần bảo vệ lợi ích người dân và phục vụ phát triển sản xuất trong thời gian sắp tới. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan như: Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, Cảnh sát giao thông đường thuỷ, đường bộ, công an địa phương, bộ đội biên phòng và chủ rừng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh, nhất là các điểm nóng, địa bàn trọng yếu nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc ngành nông nghiệp quản lý.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Cà Mau trao giấy xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho cơ sở kinh doanh Ba Đức. |
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay.
"Thời gian này, ngành chức năng tích cực tuyên truyền, đưa tin, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc ngành nông nghiệp quản lý không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quá hạn sử dụng và không qua kiểm dịch. Đặc biệt là quan tâm, tuyên truyền các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không bơm nước vào gia súc, gia cầm trước khi giết mổ, không bơm chích tạp chất vào tôm, không sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất, không kinh doanh sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng", ông Châu Công Bằng cho biết thêm.
Người kinh doanh chủ động chống hàng giả
Những hoạt động phòng chống gian lận thương mại, hàng giả cũng nhận được hưởng ứng tích cực từ các hộ kinh doanh. Đặc biệt là việc đăng ký, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa hàng hoá ra thị trường. Với hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hoá, người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng các loại điện thoại thông minh để quét tem dán trên sản phẩm, qua đó biết được mọi thông tin về sản phẩm cũng như các sản phẩm có liên quan của một cơ sở sản xuất nào đó.
Ông Lê Minh Đức, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, chủ cơ sở Ba Đức, chuyên kinh doanh cá bổi khô nổi tiếng, cho biết: “Cơ sở vừa được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Cà Mau trao giấy xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cũng như cung cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là bước đi để cơ sở bảo vệ sản phẩm, tránh bị lợi dụng làm giả rồi đưa đến người tiêu dùng làm mất uy tín. Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cũng là cách để bảo vệ khách hàng truyền thống bấy lâu của cơ sở”.
Cũng là đơn vị được trao giấy xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, cấp tem truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm: Tôm khô tách vỏ, tôm khô còn vỏ, tôm khô chà bông và bánh phồng tôm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX tôm khô Tân Phát Lợi Bùi Văn Chương cho biết: “Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sẽ đảm bảo quyền lợi của đơn vị kinh doanh, tránh việc sản phẩm của HTX bị làm giả. Tôi nghĩ, đây là cách làm phù hợp trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan hiện nay. Tem truy xuất nguồn gốc sẽ cung cấp cho người tiêu dùng đầy đủ thông tin về sản phẩm, biết được chất lượng sản phẩm, cung cấp thêm thông tin về các sản phẩm khác của HTX. Đây cũng là hình thức quảng bá thương hiệu của HTX đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Xác nhận sản phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng đối với sản phẩm nông lâm thuỷ sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT, được cấp cho cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thuỷ sản bán cho cá nhân, tổ chức tiêu dùng trực tiếp và được thực hiện theo yêu cầu tự nguyện của chủ cơ sở kinh doanh. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Võ Thành Tiếm cho biết: “Việc xác nhận chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn được trao cho những cơ sở đảm bảo an toàn thực thẩm. Đây là hướng đi đúng nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như của chính cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những cơ sở sau khi được trao giấy xác nhận sẽ thường xuyên được kiểm tra quy trình sản xuất nhằm đảm bảo đáp ứng và duy trì đúng, đầy đủ điều kiện đã được chứng nhận”.
Cùng với ngành chức năng, việc các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất chủ động bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của tỉnh trong thời gian tới./.
Đặng Duẩn