(CMO) Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau và Huyện uỷ, UBND huyện Ngọc Hiển, thời gian qua, Công an huyện Ngọc Hiển đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm bảo đảm an ninh trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng và phòng chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; nhất là tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi đăng tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội.
Tranh: Minh Tấn |
Nhận diện thực trạng
Huyện Ngọc Hiển có khoảng 80% diện tích là đất rừng thuộc quyền quản lý của các ban quản lý rừng và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nên việc chuyển đổi từ đất rừng sang đất thổ cư còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình chuyển đổi đã xảy ra mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền địa phương và giữa người dân với nhau. Ðồng thời, trên địa bàn có một số dự án nhà máy điện gió đang trong quá trình xây dựng còn chịu ảnh hưởng bởi công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng; người dân chưa đồng thuận với chủ trương giải quyết của UBND huyện và chi phí bồi thường của chủ đầu tư nên còn tình trạng phản ánh, xuyên tạc trên mạng xã hội khi không được đáp ứng theo yêu cầu, nguyện vọng.
Bên cạnh đó, chủ trương giải quyết vấn đề tranh chấp, khiếu kiện đất đai và xử lý một số vụ việc dư luận quan tâm còn kéo dài, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố lịch sử để lại chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến người dân còn bức xúc, phản ánh qua nhiều kênh thông tin, trong đó có đăng tin bài phản ánh trên mạng xã hội.
Xuất phát từ những yếu tố trên, địa bàn huyện Ngọc Hiển đã xuất hiện tình trạng người dân đăng tin giả, sai sự thật phản ánh chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tập thể, cá nhân trên mạng xã hội, gây dư luận xã hội không tốt, nhất là làm ảnh hưởng uy tín của Ðảng, Nhà nước.
Chủ động vào cuộc
Công an huyện Ngọc Hiển đã thành lập Ban Chỉ đạo “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35 Công an huyện); định hướng, xây dựng đội ngũ cộng tác viên tham gia viết bài, đăng tải trên mạng xã hội. Nổi bật, những năm qua, Công an huyện đã xây dựng các nhóm (group), trang (fanpage) Facebook ở cấp huyện, xã để thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; biên soạn và chia sẻ nhiều bài trên các nhóm, trang Facebook phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác và định hướng dư luận địa phương; đưa tin, bài về hình ảnh hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và lực lượng Công an Nhân dân, góp phần tạo hiệu quả cho công tác tuyên truyền, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; ngăn chặn hành vi đăng tin giả, sai sự thật; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội.
Phân công bộ phận chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trên không gian mạng; tổ chức kiểm soát, theo dõi, kịp thời phát hiện, xác minh, làm rõ tài khoản của cá nhân, tổ chức có quan điểm sai trái; đăng tải thông tin giả, sai sự thật; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân để xử lý hành vi vi phạm theo đung quy định của pháp luật.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến tháng 7/2022, Công an huyện Ngọc Hiển đã phát hiện 12 trường hợp đăng tin giả, sai sự thật; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; đã mời làm việc 24 người có liên quan; trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 8 trường hợp (theo Nghị định 15/2020/NÐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”; Nghị định 14/2022/NÐ-CP, ngày 27/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NÐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NÐ-CP, ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản), với tổng số tiền 57,5 triệu đồng; giáo dục, răn đe 4 trường hợp, buộc cam kết không tái phạm.
Những giải pháp cơ bản
Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm hành vi đăng tin giả, sai sự thật; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, cần thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau:
Một là, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; xác định và quán triệt, thực hiện tốt 3 quan điểm, 10 nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư khoá X về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hoá”.
Hai là, tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân nâng cao ý thức “tự đề kháng” trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội, hướng dẫn người dân tiếp thu thông tin có chọn lọc, sử dụng nguồn thông tin của các trang báo điện tử chính thống. Tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho người dân hiểu rõ các hành vi vi phạm pháp luật khi đăng tải tin giả, sai sự thật trên trang mạng xã hội nhằm xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
Ba là, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận đối với các vấn đề, vụ việc, sự kiện có tính chất “điểm nóng” để người dân có cơ sở định hướng, tiếp cận thông tin nhằm đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi đăng tin giả, sai sự thật xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội. Cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt trong công tác đấu tranh, xử lý; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành sẽ mang lại hiệu quả cao, từng bước thống nhất quan điểm về đấu tranh, xử lý.
Năm là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ phận thường trực và tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo 35 các cấp.
Sáu là, tập trung rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ việc có tính chất “điểm nóng” về tranh chấp khiếu kiện, bồi thường đất đai, mâu thuẫn xã hội nhằm triệt tiêu các điều kiện để các thế lực thù địch có thể lợi dụng xuyên tạc, kích động người dân đăng tải thông tin xấu, độc, sai sự thật để tuyên truyền, chống phá Ðảng, Nhà nước, gây rối an ninh trật tự trên không gian mạng./.
Phạm Văn Thới