"Trong công cuộc đổi mới đất nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong huyện đã lãnh đạo, thực hiện tốt chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tiến bộ và bình đẳng, tạo cơ hội để phụ nữ phát triển. Với chức năng đại diện chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện có bước phát triển mới, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực", bà Nguyễn Việt Biên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Bình, cho biết.
- Ứng dụng số - Nâng chất hoạt động phụ nữ
- Phụ nữ tự tin vươn lên
- Xây dựng hội viên phụ nữ thành công dân số
Hội phụ nữ các cấp luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hành dân chủ cơ sở, hỗ trợ phát huy nội lực, tích cực trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ. Từ năm 2019 đến nay, các cấp hội tổ chức 81 cuộc giám sát đối với chính quyền về chỉ đạo, thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em; đóng góp 205 ý kiến vào các dự thảo chương trình, kế khoạch của cấp uỷ, chính quyền.
Hội LHPN huyện phối hợp phòng, ban, ngành huyện tổ chức 3 cuộc đối thoại về thực hiện chính sách đối với phụ nữ, trẻ em, nhất là triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Phụ nữ ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, chăm chút hàng rào cây xanh, góp phần tô điểm cảnh quan vùng quê.
Bà Nguyễn Việt Biên cho biết thêm: “Trong công tác đoàn kết, tập hợp hội viên, phụ nữ, Hội luôn quan tâm mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, tự nguyện; đa dạng hoá các hình thức tập hợp để phát triển hội viên trong các lĩnh vực. Hằng năm, công tác phát triển hội viên của huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tổng số hội viên của huyện là 27.222 (tăng 941 hội viên so với năm 2018), trong đó có 872 hội viên dân tộc thiểu số, 1.273 hội viên tôn giáo”.
Những năm qua, Hội LHPN huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiểu biết của phụ nữ. Thông qua các kênh hoạt động của Hội, đã tuyên truyền, vận động hàng triệu lượt phụ nữ nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương, vươn lên phát triển kinh tế, tạo thu nhập, làm giàu cho bản thân và gia đình.
Chị Trần Phương Thảo, ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ, tiên phong thực hiện mô hình trồng nho trên đất mặn, mang lại hiệu quả khá cao.
Bên cạnh đó, quan tâm duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình, cách làm hay do hội xây dựng, nhằm hỗ trợ phụ nữ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, như: phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho 1.463 lao động; vận động xây dựng 46 căn nhà Mái ấm Tình thương cho phụ nữ nghèo, tổng trị giá 2,268 tỷ đồng; tặng quà phụ nữ nghèo, khó khăn, tổng trị giá 2,616 tỷ đồng; giúp 403 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo... Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình hạnh phúc... Hiện huyện có tổng số 220 CLB, tổ, nhóm do Hội vận động thành lập. Qua đó, đời sống hội viên, phụ nữ trong huyện phần lớn ổn định, tạo được niềm tin, thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia vào tổ chức hội.
Bà Nguyễn Việt Biên chia sẻ: “Ðể phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ tại địa phương, chúng tôi cũng đã xác định những nhiệm vụ quan trọng, bám sát vào tình hình thực tế ở địa phương. Trong đó, sẽ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên để chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền các giải pháp về công tác phụ nữ, nhất là công tác cán bộ nữ và chính sách nguồn nhân lực nữ, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Ðẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, hỗ trợ chị em khắc phục tâm lý e ngại, tự ti, an phận, phải nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên, không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội...”./.
Văn Ðum