Những năm gần đây, cơn bấc về không biết sao cứ gõ vào tôi ngay lúc trời khuya trở về sáng. Nhiều giờ lăn qua lật lại dỗ dành đến thiu thiu, bỗng nhiên có cái lạnh quen quen thốc vào xương, vào gân cốt cảm giác “đếm được cả mùi”.
Những năm gần đây, cơn bấc về không biết sao cứ gõ vào tôi ngay lúc trời khuya trở về sáng. Nhiều giờ lăn qua lật lại dỗ dành đến thiu thiu, bỗng nhiên có cái lạnh quen quen thốc vào xương, vào gân cốt cảm giác “đếm được cả mùi”.
Ký ức chưa kịp về đủ để phát ra lời thì người cứ nặng trình trịch, mắt đờ đẫn, mồ hôi toát đến rờn rợn về một mất mát lớn lao không thể bù đắp đã chắn ngang phía trước, lồ lộ nguyên hình kẻ đã cuỗm đi những cuốn lịch còn lại cuộc đời này vậy. Phải mất vài giây định thần mới nhận ra mình vừa thoát khỏi bản năng giành giật sinh tồn của tạo hoá. Người bắt đầu lâng lâng hứng khởi trở lại bằng hình ảnh ngày Tết đến, mùa xuân về, cảnh vật thiên nhiên, hoà quyện của đất trời, của vũ trụ, tình người ngày xưa.
Phát triển kinh tế thị trường trong sự hội nhập sâu, cạnh tranh ráo riết để tạo một xã hội hiện đại, văn minh dường như đã cuốn hút mọi người vào cách nghĩ, việc làm mang tác phong công nghiệp. Ai ai cũng tất bật, tất bật từ sớm đến khuya để tăng thu nhập, đảm bảo đời sống hôm nay, lo thế hệ nối tiếp được sinh nhai, học hành, thi cử, xin việc, tích luỹ… đến mức không còn thời gian để chi tiêu thì khó có khoảnh khắc nhớ quê, chứ làm gì rảnh rang thả hồn nơi ắp đầy kỷ niệm. Ngày Tết có về thăm viếng cha mẹ, vui chơi với hàng xóm cho phải đạo nhưng chỉ qua loa, thủ tục như cái máy rồi lại ra đi.
Minh hoạ: THANH HÙNG |
Còn đâu những sớm mai, trong hương bấc rong ruổi xộc xạo vào nách bờ kinh, vườn cây, đồng lúa. Rồi từ đâu chẳng rõ một cơn bấc sòng lay nhẹ những giọt sương sau một đêm tâm tình với mầm non cỏ dại bên đường. Một giọt nắng xiên cành lá mơ màng hối thúc mọi sinh linh sẵn sàng cho nhọc nhằn rốt ráo vào những ngày cuối năm.
Bà ngoại đã thức, ra bờ sông tự bao giờ, tờ mờ sáng khệ nệ thúng nếp bên hông, lắc lư từng giọt nước rơi vãi trên lối mòn tạo hình con rắn hiền queo ngoằn ngoèo hướng về phía ngôi nhà dưới tán cây um tùm trắng xoá mù sương. Trên thúng một thau đậu vàng ươm thơm rỡ ràng đặt ngay xuống giàn chén sau nhà, bước nhẹ vào nhà tay với cơi trầu trên kệ. Đêm qua giấu mấy đứa cháu tề tụ đông đủ đùa vui phá phách, miệng gọi cháu con dậy, đứa nhảy vọt ra chực chờ bà sai bảo, đứa hì hục chăn màn quấn thêm mấy cuộn cho sướng trong cái se se sớm lạnh đồng quê.
Những ngày giáp Tết. Hừng đông một tốp khăn nón sơ sài, áo quần lấm phèn do ngâm trong ruộng nước bị bám víu từ mùa trước. Vòng gặt lên vai rẽ lối ra đồng dứt điểm những cái cù còn sót lại cho kịp chuyến kéo lúa sau cùng gom về sân nhà yên tâm ăn Tết. Tốp khác í ới gọi nhau phía sau vườn, nhắc nhở những thứ đã chuẩn bị từ hôm trước cần mang theo cho đầy đủ: gàu tát, lưới chụp, rổ, thúng, bao tải. Tốp chụp lưới, tát đìa này đông vui, rầm rộ, thường mỗi nhà cử một người có sức khoẻ tốt để tát cho nhanh, cho hết các đìa trên đồng ruộng trong xóm.
Bắt cá xong, đưa lên cộ trâu kéo về, chủ nhà cùng một số chị em ở xóm lựa ra chia cho từng hộ không có đìa, thường là cá lớn, ngon, đủ loại, có thể rọng được nhiều ngày đặng dùng trong dịp Tết, số dôi dư, còn lại bán cho vựa cá ngoài chợ. Xóm giềng nông thôn có thói quen tương trợ nhau mọi thứ, từ vần công việc đồng áng nặng nề đến chia sẻ tình cảm, món ngon vật lạ, nhất là vào ngày Tết. Đàn ông, tập trung lại một nơi nào đó đã dự tính trước, dặn dò năm câu ba điều rồi toả ra khắp ngõ xóm đường làng, ai vào việc ấy, làm cỏ quét dọn cho sạch đường, tỉa tót hàng rào, chặt bỏ những nhánh cây lòng thòng quẹt vướng người đi, kè lại đoạn đường bị hẹp do sạt lở hồi cuối mùa mưa…
Nhà nào không có lao động chính cũng được cả xóm kéo đến người một tay giúp đỡ cho xong việc, đầy đủ như nhau. Nhà có thừa sức, thừa thực phẩm thì chia cho nhà thiếu. Có qua có lại thôi, nhà không có cá thì có rau cải, tương cà, năm này chưa có thì năm sau, sau nữa sẽ có, không so đo hơn thiệt chỗ này. Khuya hai mươi chín rạng ba mươi Tết, đầu trên xóm dưới tiếng heo kêu eng éc, nhà khá giả có chuẩn bị trước, mổ heo dùng dịp Tết và chia cho nhau để kịp nấu mâm cơm cúng rước ông bà về với con cháu ngày Tết, đoàn tựu, vui chơi.
Mọi việc cho cái Tết đến giờ chót đã xong, chiều ba mươi trẻ con rộn ràng nhất, bắt đầu mặc quần áo đẹp sang nhà bên cười mủm mỉm, líu lo với mọi người rồi tất cả kéo nhau tới điểm vui chơi trong xóm. Người lớn ngồi lại với nhau ôn chuyện năm qua, chuyện vui buồn, chuyện làm được, chuyện chưa, chuyện hay, chuyện dở, từng gia đình, từ lớn đến trẻ nhỏ. Bên mâm cơm rước ông bà hồi chiều có cái lẩu thơm lừng sùng sục sôi, vừa lai rai, vừa rôm rả nói cười và còn được xem múa lân đến trước cửa. Sẵn đó lại bình một chút về ông Lân, ông Địa, chú khỉ năm nay so năm trước, tới khuya chuyển qua uống trà, bánh mứt chờ đón giao thừa.
Sáng mùng một Tết là ngày đặc biệt trong năm, vừa thiêng liêng, vừa đầm ấm, vui vẻ. Gia đình nhỏ kéo nhau về gia đình lớn, con cháu tề tựu bên ông bà, cha mẹ, đốt nén nhang khấn vái, tưởng nhớ tổ tiên, người quá cố, mừng tuổi chúc tụng nhau. Người lớn dặn dò thêm, đặt niềm tin mai sau vào con cháu. Con cháu báo lại kết quả học hành, làm ăn và nêu hướng sắp tới. Suốt buổi sáng với khí trời trong lành, mát mẻ của ngày xuân, trong nhà, ngoài sân hoa cúc, mai vàng đua nhau nở. Cả gia đình ba, bốn thế hệ quây quần bên nhau trong bữa cơm đầu năm, sau đó mới đến nhà bà con hàng xóm.
Và cứ thế, tuổi thơ ấy bao năm, bây giờ làm sao quên./.
Tản văn của Trịnh Công Văn