Nằm trong các hoạt động của tháng tri ân, ngày 27/7, Đoàn cơ sở Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh tổ chức thăm, tặng quà, tư vấn sức khoẻ cho một số hộ gia đình liên quan sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954.
Đoàn đã đến thăm, tặng quà, tư vấn sức khoẻ gia đình bà Nguyễn Thị Mang, Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Bà Mang là con cụ Nguyễn Văn Mênh (sinh năm 1925), người đã tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam những ngày lưu lại trên địa bàn (bờ kênh xáng Chắc Băng) trước khi xuống tàu tập kết ra Bắc. Đặc biệt, cụ Mênh đã bỏ tiền ra mua con trâu về xẻ thịt đãi cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam trước khi từ giã nơi này lên đường, thể hiện sâu đậm tình cảm, tấm lòng người dân đối với cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Mang kể chuyện về người cha là cụ Nguyễn Văn Mênh, người đã tạo điều kiện giúp đỡ và mua trâu về làm thịt đãi cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam những ngày lưu lại trên địa bàn trước khi xuống tàu tập kết ra Bắc năm 1954.
Bạn Đinh Hoàng Nhớ, Bí thư Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Cà Mau, hướng dẫn bà Mang sử dụng máy đo huyết áp. Nhận được món quà ý nghĩa này bà hết sức xúc động.
Đoàn cũng đến thắp hương, tặng quà gia đình má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải), người đã gửi biếu Bác Hồ cây vú sữa và được Bác chăm sóc, vun tưới bằng tất cả tình cảm sâu nặng dành cho đồng bào miền Nam. Cây vú sữa đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tấm lòng miền Nam đối với Bác Hồ và Bác Hồ đối với miền Nam. Đồng thời, đoàn đến dâng hương tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình và chụp ảnh lưu niệm bên cây vú sữa được chiết nhánh từ cây vú sữa má Lê Thị Sảnh gửi tặng Bác, hiện trồng tại nơi này.
Các bạn đoàn viên chụp hình lưu niệm cùng ông Lê Thanh Hùng (cháu nội và là người thờ cúng má Lê Thị Sảnh), tại bức tượng Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam do má Sảnh trao tặng, đặt phía trước phần mộ má Sảnh, Ấp 10, xã Trí Phải.
Trong những học sinh miền Nam quê Cà Mau tập kết ra Bắc, có một người sau này trở thành phi công lái máy bay chiến đấu và lập nên thành tích có một không hai trên thế giới là bay biển ở độ cao cực thấp và ném bom kiểu thát lát, phá hỏng một tàu khu trục hiện đại của Mỹ, đó là Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B). Gia đình Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) hiện ngụ tại Khu Dân cư phường Tân Xuyên, TP Cà Mau. Đoàn đã đến thăm và nghe ông Nguyễn Anh Sơn, người anh thứ Sáu của Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B), kể về chiến công xuất chúng của em mình.
Ông Nguyễn Anh Sơn kể về thành tích chiến đấu của xuất chúng của em mình - Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B), người con quê hương Cà Mau.
Bạn Nguyễn Thanh Trúc, Bí thư Đoàn cơ sở Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Những hoạt động này nhằm tuyên truyền cho tuổi trẻ hiểu biết về sự đóng góp của thế hệ ông cha đi trước, đồng thời nhắc nhở tiếp bước truyền thống đó để phát huy tốt hơn nữa sứ mệnh tuổi trẻ trong việc cống hiến, đóng góp, giữ gìn thành quả mà ông cha đã xây dựng, bảo vệ và vun đắp”.
Các bạn đoàn viên trao quà và thắp hương bàn thờ má Lê Thị Sảnh.
Các bạn đoàn viên trao quà và chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Anh Sơn, anh thứ Sáu của Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B).
Các bạn trao tặng mỗi gia đình phần quà và tiền mặt trị giá 1 triệu đồng, được vận động từ đơn vị có hoạt động sưu tầm hiện vật, tư liệu liên quan sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954.
Các bạn đoàn viên chăm chú xem nhiều thông tin, hình ảnh ý nghĩa về cây vú sữa miền Nam, về các đền thờ Bác Hồ ở Cà Mau được treo tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực.
Đối với các bạn đoàn viên Sở Y tế, ngoài thăm hỏi, tư vấn sức khoẻ các gia đình ghé thăm, các bạn còn tặng mỗi gia đình 1 máy đo huyết áp trị giá tương đương 1 triệu đồng.
Bạn Đinh Hoàng Nhớ, Bí thư Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tâm tình: “Ngành y tế có chuyên môn về chăm sóc sức khoẻ nên dùng chuyên môn làm thế mạnh chăm sóc sức khoẻ cho người lớn tuổi ở những gia đình có công. Việc vận động đóng góp từ các bạn đoàn viên của ngành và mạnh thường quân tặng máy đo huyết áp, tôi nghĩ là món quà hết sức thiết thực, ý nghĩa, nhất là đối với cô chú lớn tuổi, cần theo dõi nhịp tim, huyết áp thường xuyên. Qua đây, chúng tôi muốn phần nào chăm sóc, đền ơn công lao của các cô chú, các gia đình đã cống hiến, hy sinh để bảo vệ đất nước. Làm được bao nhiêu thì chúng tôi cố gắng làm hết mình. Riêng ngày hôm nay, được ghé các địa điểm này, được nghe kể về công lao, sự cống hiến của các gia đình, chúng tôi thật sự xúc động. Đây là hoạt động giáo dục thực tế nhất để tuổi trẻ hiểu thêm về lịch sử”./.
Huyền Anh