(CMO) Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học vào chiều ngày 20/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân hoan nghênh sự chủ động, sáng tạo của thầy cô giáo và toàn ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy - học và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019-2020 mặc dù năm học qua ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn nhất là phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch dịch Covid 19.
Đặc biệt, kỳ thi THPT tỉnh Cà Mau năm 2020 đã diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế - một kỳ thi đặc biệt, diễn ra khi đại dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, trẻ mầm non và học sinh phổ thông phải nghỉ học dài trong thời gian phòng, chống dịch bệnh đã tác động trực tiếp tới kế hoạch giáo dục nhà trường, nhiều hoạt động giáo dục chưa thực hiện, có những cuộc thi, hoạt động trọng tâm phải dời hoặc hủy bỏ ảnh hưởng chất lượng giáo dục, nề nếp, kỷ cương học tập của học sinh. Một số trường mẫu giáo và nhóm lớp mẫu giáo ngoài công lập phải tạm thời đóng cửa đã ảnh hưởng đến đời sống của nhà giáo và người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học
Tuy nhiên, chủ động trong xây dựng kế hoạch phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, với việc triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề: “Thầy mẫu mực, sáng tạo; Trò chăm ngoan, học giỏi” và phương châm hành động: “Chủ động - Linh hoạt - Trách nhiệm - Hiệu quả”, ngành giáo dục Cà Mau vẫn đảm bảo chất lượng, nội dung, nhiệm vụ thực hiện phù hợp với thực tế đạt hiệu quả cao.
Cụ thể, năm học qua, Cà Mau đã xoá được thêm 35 điểm trường nhỏ, lẻ không còn phù hợp, nâng số điểm trường lẻ đã xóa từ năm 2018 đến nay là 234 điểm sau khi có chủ trương sắp xếp trường, lớp và giảm 26 trường học so với năm học 2015 - 2016; tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ được khắc phục cơ bản.
Toàn tỉnh có 234 trường (không tính trường ngoài công lập) dạy trên 5 buổi/tuần và 2 buổi/ngày đạt tỉ lệ 100%. Học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 97,42% và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,74%.
Hiện Cà Mau có 294/521 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 56,42%; tăng 69 trường so với cuối năm học 2015-2016 (có 225/545 trường đạt tỷ lệ 41,28%).
Cần bổ sung cơ sở vật chất
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi Võ Lợi cho hay, qua rà soát cơ sở vật chất, nhất là bàn ghế học sinh, huyện có 6.000 bàn ghế học sinh 2 chỗ và 4 chỗ đã sử dụng trên 10 năm, nhiều bàn ghế hơn 15 năm đã xuống cấp, hư hỏng nặng, nếu thanh lý thì không có kinh phí thay thế. Do đó giải pháp là tận dụng sửa chữa, nhưng về lâu dài thì không đảm bảo.
Tương tự, tại huyện Phú Tân, tình hình bàn ghế hư hỏng nhiều, dù có đăng ký bổ sung cho năm học mới nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chủ yếu là tận dụng, sửa chữa lại. Huyện đề xuất tăng cường đầu tư. Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), huyện Phú Tân đề xuất cần được phân bổ kinh phí ngay từ đầu năm học để đảm bảo việc ứng dụng CNTT trong dạy và học đảm bảo quy định.
Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân tặng hoa tri ân cho các nhà giáo có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Cà Mau thời gian qua
Đối với huyện Thới Bình, do hệ thống trường học phân tán dàn trải, tình trạng thiếu phòng học cấp học mầm non chậm khắc phục. Đến nay, huyện còn 24 điểm mầm non đặt tại trường tiểu học. Điểm lẻ tiểu học tuy số học sinh ít nhưng không thể xoá. Nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện thiếu cơ sở vật chất, không đáp ứng nhu cầu dạy 2 buổi/ngày.
Về công tác chuẩn bị đón học sinh lớp 1 vào năm học mới, nhất là việc thay đổi sách giáo khoa (SGK) không gặp trở ngại. Đại diện phòng GD&ĐT huyện Năm Căn cho biết, ngành giáo dục đã tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về SGK lớp 1 và đã thống nhất bộ sách riêng. Hiện nay SGK lớp 1 đã về tới từng trường, giao hiệu trưởng cấp phát cho phụ huynh tránh mua nhầm SGK. Nhờ đó, phụ huynh tiếp nhận tốt, không trở ngại. Tuy nhiên, nhiều đơn vị cho rằng, việc thay SGK trong các cấp học cho những năm học tiếp theo cần có sự chủ động công tác tập huấn theo thời gian phù hợp để chủ động kinh phí và thực hiện tốt hơn.
Chủ động hơn, quyết tâm hơn
Năm học mới 2020 - 2021, ngành giáo dục Cà Mau tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, SGK mới từ năm học 2020 - 2021. Theo đó xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp trường, lớp học, sĩ số học sinh trên lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đề nghị ngành giáo dục cần quan tâm: Tiếp tục sắp xếp trường lớp, giáo viên, đây là việc làm thường xuyên, liên tục. Cần lưu ý việc bố trí tỷ lệ học sinh/phòng học.
Ngày 1/9, học sinh các cấp học Cà Mau sẽ tựu trường năm học mới
Về vấn đề giáo viên, ông Trần Hồng Quân đề nghị ngành tiếp tục tổ chức xét tuyển, thi tuyển để bổ sung kịp thời, việc này phải làm thường xuyên hằng năm, phải khắc phục ngay tình trạng thiếu giáo viên. Trường nào thiếu giáo viên phải hợp đồng bổ sung cho năm học mới, sau đó phải thi tuyển, xét tuyển ngay. Các trường cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong trường học, đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa cần quan tâm, học hỏi, tiếp cận nhanh và có hiệu quả.
Đẩy mạnh xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất, đề nghị các trường tích cực vận động mạnh thường quân để sớm khắc phục, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường. “Ngành giáo dục cần tổng hợp ngay việc mua sắm và xây dựng, sửa chữa trường lớp cho năm 2021, chậm nhất cuối tháng 10 phải được phê duyệt để có sự chuẩn bị tốt. Đề nghị UBND các huyện cần có sự chủ động trong việc này. Ngành giáo dục phải thống kê, tham mưu ngay cho UBND huyện xây dựng mới các phòng học cho học sinh lớp 1 để đảm bảo việc học SGK mới thuận lợi, đúng quy định; kế đến còn có phòng học cho khối lớp 2 và lớp 6, việc này cần lập dự toán sớm để phân bổ cho năm học kế tiếp”, ông Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Về việc phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân đề nghị từ nay đến cuối năm toàn tỉnh phải đạt tỷ lệ 60%, phải khắc phục tình trạng các trường đạt chuẩn nhưng thiếu chuẩn, hoặc tụt chuẩn.
Đối với các trường chuyên nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo có chuyên môn, có tay nghề để sinh viên ra trường có việc làm, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Về tình hình thiếu bàn ghế hư hỏng theo phản ánh tại thảo luận vừa qua của các đơn vị, UBND tỉnh Cà Mau sẽ cân đối phân bổ sớm bổ sung để năm học mới đảm bảo dạy học cho học sinh./.
Băng Thanh