(CMO) Khởi công từ tháng 12/2017, sau hơn 2 tháng xây dựng, mô hình cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa thu nhỏ hoàn thành và được đặt ngay khuôn viên trường THPT Đầm Dơi. Công trình này hỗ trợ trường trong công tác giáo dục học sinh về chủ quyền biển đảo bằng hình thức trực quan sinh động, hun đúc tình yêu quê hương đất nước trong các em.
Cột mốc được xây dựng với tổng kinh phí 128 triệu đồng từ nguồn Quỹ Kế hoạch nhỏ của Đoàn Thanh niên. Theo đó, các chi đoàn vận động đoàn viên, học sinh tích góp 1.500 đồng/tuần trong 1 năm.
Giờ đây, bên cạnh việc tìm hiểu kiến thức về biển đảo qua sách vở, đồ hoạ, các em học sinh cảm thấy thích thú khi được tận mắt thấy, tận tay sờ mô hình cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa thu nhỏ tại khuôn viên trường.
Bên cạnh đó, nhà trường còn kết hợp với Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức trưng bày hơn 100 ảnh tư liệu, bản đồ, thư tịch cổ, 300 đầu sách quý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Học sinh háo hức tham quan tìm hiểu các tranh ảnh, tư liệu về biển đảo trong buổi triển lãm. |
Thầy Nguyễn Phúc Hậu, Bí thư Đoàn trường THPT Đầm Dơi, phấn khởi: "Triển lãm trưng bày diễn ra hơn 1 tuần, thu hút cả giáo viên, học sinh trong và ngoài trường đến tham quan, học hỏi. Đa phần các em cảm thấy rất hứng thú, thay vì giờ giải lao ngồi tại lớp học, các em đến khu triển lãm để được đọc sách, xem tranh ảnh tư liệu, vừa học vừa chơi, vừa tích luỹ thêm nhiều kiến thức mà trong sách giáo khoa chưa có”.
Kênh giáo dục thiết thực
Đồng hành với chuỗi sự kiện về biển đảo, Đoàn trường còn tổ chức hội trại với hình thức mới mẻ, gắn liền với thực tế. Hội trại “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” thực sự đã thắp lên tình yêu quê hương đất nước trong mỗi học sinh.
Thầy Hậu cho biết: “Khác với mọi năm, hội trại lần này mang thông điệp hướng về biển đảo, tên trại được đặt và mô phỏng theo tên một quần đảo và hải đảo của Việt Nam. Có 45 lớp tham gia hội trại, lần lượt từng quần đảo, hải đảo như Hòn Sơn, Điệp Sơn, Sinh Tồn, Song Tử Đông, Phú Quốc, đảo Tuần Châu, Thẻ Vàng, Cô Tô, Bạch Long Vĩ... ngay chính khuôn viên trường, các trại được dựng trang trí, thuyết trình theo tên đảo mà trại đặt”.
Em Châu Huỳnh Thiện Châu, học sinh lớp 10A1, trường THPT Đầm Dơi, chia sẻ: “Trại lớp chúng em có tên là Song Tử. Để hiểu về đảo Song Tử, em và các bạn trong lớp tìm thông tin trên sách báo, internet và cả những tư liệu trong triển lãm. Thực sự rất bổ ích, qua lần này, chúng em có thêm rất nhiều kiến thức để làm giàu cho những bài học trên lớp, phong phú thêm kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Quan trọng nhất qua hội trại lần này đã hun đúc nên tình yêu biển đảo, giúp em nhận thức đúng về chủ quyền biển đảo Việt Nam để có suy nghĩ, hành động thiết thực bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.
Một điểm thú vị nữa là trong chuỗi hoạt động lần này là những trò chơi dân gian tưởng như thất truyền như nấu cơm Quang Trung, ô ăn quan, cà kheo... Ngoài ra, các loại bánh đặc trưng từng vùng, miền cũng góp mặt làm cho hội trại thêm sôi động, đậm đà bản sắc./.
Yến Nhi