(CMO) Từ năm 2016-2017, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn là môn tự luận duy nhất trong các môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thay vì 180 phút như trước đây, thời gian làm bài được rút ngắn chỉ còn 120 phút nhưng nội dung kiến thức không thay đổi. Để giúp các em đạt được kết quả kỳ thi tốt nhất, một số giáo viên nhiều năm ôn thi tốt nghiệp THPT chia sẻ kinh nghiệm.
Thay đổi phương pháp dạy
Thầy Nguyễn Ngọc Thể, Tổ trưởng Tổ Văn trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Văn là môn học rèn luyện cho học sinh rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống và công việc sau này. Tuy nhiên, nhiều học sinh hiện nay vẫn chưa xác định tầm quan trọng của môn học nên chỉ học qua loa, đối phó”.
Trong khi đó, những năm gần đây, sự thay đổi trong quy chế thi gây một số khó khăn cho học sinh như thời gian thi rút ngắn, nội dung kiến thức mở rộng (có thêm chương trình của lớp 11). Do đó, cả giáo viên và học sinh cần phải thay đổi phương pháp dạy và học. Với vốn kinh nghiệm 19 năm gắn bó với nghề, thầy Nguyễn Ngọc Thể chia sẻ: “Nếu trước đây giáo viên tập trung dạy cho học sinh nội dung kiến thức, thì nay trọng tâm của chúng tôi là phải dạy cho các em kỹ năng nhận diện hệ thống câu hỏi, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.
Cấu trúc đề thi sẽ có 2 phần: đọc hiểu và tập làm văn. Trong đó, phần tập làm văn sẽ chia làm 2 phần: nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Trước đây, từ bậc THCS học sinh đã quen với cách viết bài văn, đến thi THPT thì lại chuyển sang viết một đoạn văn (nghị luận xã hội), do đó không ít học sinh bỡ ngỡ, cách viết không đáp ứng yêu cầu câu hỏi, dễ bị mất điểm.
Cô Lâm Hồng Sen, giáo viên dạy văn trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Bên cạnh tập trung dạy kỹ năng nhận diện câu hỏi, giáo viên còn phải rèn luyện cho học sinh kỹ năng viết đoạn văn. Phần nghị luận xã hội 2 điểm trong đề thi tốt nghiệp đòi hỏi học sinh phải có những kiến thức và cảm quan về thực tế cuộc sống. Vì vậy, trong quá trình dạy, giáo viên phải liên hệ thực tế, dẫn chứng nhiều hơn để học sinh làm quen dần. Song song với đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên còn phải lồng ghép các dạng đề thi vào các bài kiểm tra để học sinh có cơ hội tiếp xúc, làm quen với dạng đề”.
Cần hệ thống hoá kiến thức
Theo các thầy cô có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nội dung ở phần đọc hiểu là phần học sinh có thể dễ dàng lấy điểm. Do đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên không nên quá tập trung và ôm đồm vào một nội dung câu hỏi ở phần nghị luận văn học vì tâm lý chung đây là phần chiếm điểm số cao nhất trong đề thi (5 điểm). Học sinh cần đọc, hiểu và phân tích rõ câu hỏi, tránh trả lời lan man, không đi vào trọng tâm.
Thầy Nguyễn Thanh Đảm, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Tắc Vân, cùng học sinh thảo luận về các đề thi Ngữ văn. |
Thầy Nguyễn Thanh Đảm, Tổ trưởng Tổ Văn trường THPT Tắc Vân, cho rằng, một số lỗi học sinh hay mắc phải trong quá trình làm bài chính là không chú trọng những từ khoá trong câu hỏi, dẫn đến trả lời sai ý. Riêng phần nghị luận xã hội, các em chưa có nhiều kỹ năng viết một đoạn văn. Bên cạnh đó, học sinh cũng chưa biết cách phân bổ thời gian hợp lý, còn chú trọng vào câu hỏi 5 điểm trong khi cứu cánh của các em nằm ở phần đọc hiểu (3 điểm). Do đó, học sinh phải ôn luyện dàn trải ở cả 3 phần trong đề thi.
Những năm gần đây, bên cạnh sự thay đổi của quy chế thi, nội dung câu hỏi ngày càng mang hướng mở, liên hệ thực tế nhiều nhằm tạo sự hứng thú cũng như khai thác khả năng tư duy, đánh giá của học sinh. Do đó, học sinh nên trau dồi, tìm hiểu thêm những thông tin bên ngoài cuộc sống để làm phong phú bài làm văn của mình.
Thầy Tô Văn Lêl, giáo viên trường THPT Tắc Vân, cho biết: “Chương trình thi năm nay sẽ có thêm nội dung kiến thức của lớp 11 đòi hỏi phải ôn tập một lượng kiến thức rộng hơn nên học sinh phải ôn luyện nhiều hơn. Tuy nhiên, học thuộc lòng không phải là cách khả quan nhất, các em nên lập một sơ đồ tư duy trong quá trình ôn luyện để dễ dàng hệ thống hoá kiến thức, nắm vững các ý chính để triển khai vào bài viết"./.
Kim Chi