Những ngày qua, dạo quanh những cánh đồng lúa - tôm tại huyện Thới Bình, rất dễ bắt gặp cảnh nông dân nhộn nhịp xuống đồng chuẩn bị vụ mùa.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, dự kiến vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay toàn huyện sẽ xuống giống hơn 19.000 ha, chủ yếu là các giống: ST24, ST25 và OM2517. Hiện tại, nông dân xuống giống được khoảng 14.000 ha.
Ở một số xã trên địa bàn huyện Thới Bình, thay vì cấy mạ theo cách truyền thống, người dân sử dụng biện pháp canh tác mới, đó là thảy mạ: tách từng cụm mạ non, sau đó thảy xuống nền đất đã làm tơi xốp. Theo bà con, hình thức xuống giống này rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, dễ thực hiện, cách làm cũng khá đơn giản, đỡ tốn công sức.
Công việc thảy mạ này tạo nguồn thu nhập cho lao động địa phương, với tiền công từ 400-500 ngàn đồng cho khoảng 0,1 ha. Ðối với những người thạo việc, một ngày có thể thu nhập từ 700-900 ngàn đồng.
Nông dân tranh thủ xới cho đất tơi xốp trước khi vào vụ lúa.
Tận dụng đất trống quanh nhà để gieo mạ.
Ðối với hình thức thảy mạ, thay vì nhổ mạ, sau đó giũ sạch bùn thì nông dân sẽ lấy mạ còn luôn bùn đất bám vào rễ.
Mạ phù hợp nhất để thảy là mạ gieo được khoảng 20 ngày.
Vụ lúa năm nay, nông dân huyện Thới Bình sử dụng các giống lúa: ST24, ST25 và OM2517.
Thảy mạ trên đất nuôi tôm ở huyện Thới Bình.
Thới Bình là địa phương có tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều mô hình sản xuất lúa - tôm theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có liên kết, hợp tác, đạt chứng nhận quốc tế. Nhiều sản phẩm làm ra đang từng bước chuyển hướng sang sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đạt 3 sao, góp phần nâng cao giá trị hàng hoá nông sản và thu nhập cho người dân.
Văn Ðum - Hoàng Vũ thực hiện