(CMO) Cuộc thi sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các trường. Từ đây, không chỉ giúp học sinh hiện thực hoá ước mơ sáng chế, nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực, mà còn cho ra đời những sản phẩm thiết thực mang tính ứng dụng cao trong đời sống.
Vốn là người đam mê khoa học nhưng chưa tự tin vào thực lực của mình nên những ý tưởng ấp ủ của em Huỳnh Vũ Bằng, học sinh lớp 12C7, Trường THPT Huỳnh Phi Hùng (huyện Trần Văn Thời) chỉ thực hiện khi được thầy Lý Hoài Thanh, giáo viên bộ môn dạy Vật lý của trường động viên, cổ vũ.
Em Bằng bộc bạch: “Thông qua thực tiễn lẫn trên báo, đài, nhiều lần em chứng kiến các vụ hoả hoạn thảm khốc, cướp đi nhiều sinh mạng cùng tài sản, nên em rất muốn tạo ra được một thiết bị báo cháy tự động từ xa để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất”.
Nuôi dưỡng ước mơ đam mê sáng chế, cùng với sự đồng hành của giáo viên giúp học sinh khơi nguồn cảm hứng, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích trong đời sống. |
Sau thời gian mài mò cùng với sự hướng dẫn của thầy Thanh, thiết bị phát hiện cháy thông minh ra đời. Sản phẩm không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ V tỉnh Cà Mau.
Chiếc máy có kích thước nhỏ gọn, nguyên lý hoạt động đơn giản, đóng vai trò như một robot đang trực 24/24. Khi phát hiện nguy cơ cháy như có khói, rò rỉ gas, chập điện, nhiệt độ trong nhà lên cao hơn 42 độ thì thiết bị lập tức quay số điện thoại gọi liên tục cho người thân, người quản lý chợ, quản lý công xưởng... Ðến khi nào có sự phản hồi thì ngừng cuộc gọi.
Không chỉ là máy báo cháy “nhạy” khi gặp được luồng nhiệt tương ứng, trong quá trình thiết lập, thầy và trò còn đưa vào đó tín hiệu cảnh báo tức thời khi xảy ra sự cố.
Em Bằng cho biết: “Mỗi thiết bị người dùng có thể tự ý cài đặt được 3 số điện thoại mà chúng ta mong muốn. Ðiểm hay ở thiết bị là tuần tự gọi vào từng số đã cài đặt sẵn, đến khi nào có người bắt máy thì mới ngừng gọi. Nhờ vậy có thể phát hiện nguy cơ cháy, ngăn ngừa, khắc phục hậu trong thời gian sớm nhất”.
Thầy Lý Hoài Thanh, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Huỳnh Phi Hùng, cho biết: “Chương trình giáo dục hiện nay hướng học sinh ứng dụng khoa học công nghệ để học tập, học phải trải nghiệm, phải thực hành, ứng dụng được; do vậy, bản thân là thầy giáo, cũng là người nghiên cứu khoa học, tôi định hướng cho học sinh về ý tưởng ban đầu, xem sản phẩm nào khả thi, chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả cao, có thể ứng dụng vào thực tiễn thì gợi ý cho các em. Ngoài ra, trong quá trình sáng chế, sẽ hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, lập trình... Với sự hỗ trợ đồng hành của giáo viên, các em sẽ có thêm tự tin, tạo nguồn cảm hứng để nghiên cứu về sau được tốt hơn”.
Một sản phẩm thông minh, mang tính ứng dụng cao như một thiết bị cảnh báo lại có chi phí đầu tư rất nhỏ, chỉ 182.000 đồng/thiết bị. Sản phẩm này tạo điều kiện cho mọi người có thể dễ dàng sở hữu, lắp đặt trong nhà, chỗ kinh doanh, kho chứa hàng hoá, chợ... những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, để phòng ngừa sự cố.
Một điểm độc đáo mang tính ưu việt của thiết bị: ngoài giá thành thấp, tuổi thọ cao, có tính cạnh tranh thương mại trên thị trường thì thiết bị còn hoạt động trên nền tảng không phụ thuộc vào mạng Internet, Wifi mà liên lạc trực tiếp qua tổng đài viễn thông. Trong trường hợp mất điện, hệ thống vẫn duy trì hoạt động nhờ pin nguồn dự trữ có sẵn trong thiết bị.
Ðể từ ý tưởng hình thành nên các sản phẩm là một quá trình dài, ở đó học sinh không chỉ tiếp thu, áp dụng những kiến thức được học ở trường, mà còn khám phá, tìm tòi từ nhiều cứ liệu trên nền tảng hướng dẫn của thầy cô; để rồi sau đó không chỉ thoả mãn, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, mà đó còn là bệ phóng cho những sáng chế trong tương lai./.
Yến Nhi