ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 1-2-25 13:52:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thị trường vàng mã, đồ cúng vào mùa

Báo Cà Mau (CMO) Bên cạnh thị trường thực phẩm, may mặc, trang trí phục vụ Tết, những ngày này, tại các cửa hàng bán vàng mã, đồ cúng cũng đã bắt đầu sôi động.

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, mỗi hộ gia đình đều giữ truyền thống cúng, đốt vàng mã cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất. Dạo một vòng quanh các điểm chợ, rất nhiều cửa hàng, gian hàng lớn nhỏ chuyên bán, phục vụ các mặt hàng vàng mã các kiểu, theo đánh giá, càng cận Tết thì lượng tiêu thụ các mặt hàng này tăng mạnh.

Theo từng năm, nhà cung ứng sẽ cho sản xuất nhiều mặt hàng vàng mã phong phú về mẫu, chủng loại, hình thức, chất lượng ngày càng tinh xảo như: tiền vàng, đô-la, quần áo, trang sức, nhà cửa, giày dép, ô-tô xe máy, ti-vi, tủ lạnh, điện thoại... có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí có bộ sản phẩm lên đến cả triệu đồng... Riêng với các mặt hàng cúng ông Táo được bán theo bộ gồm quần áo, mũ, hài, cá chép có giá từ 30.000-200.000 đồng/bộ.

Thị trường vàng mã năm nay phong phú về chủng loại, mẫu mã.

Nếu trước đây quần áo hàng mã chỉ đơn giản là những xấp giấy in hình hoa văn được ví như vải dành để may áo mới ở thế giới bên kia, thì ngày nay để tiện lợi cũng như hút khách nhiều người lựa chọn đồ hộp may sẵn vừa đẹp lại sang trọng.

Bộ quần áo may sẵn được đóng hộp cẩn thận bên trong bao gồm một loại trang phục tuỳ theo giới tính, độ tuổi như đồ vest, áo sơ mi, áo gấm, áo dài, áo bà ba, áo tiều, com-lê... kèm theo đó là vô số trang sức, phụ kiện. Nếu người nhận là nam sẽ có mắt kính, tẩu thuốc, điện thoại, ví, tiền, đồng hồ đeo tay, gói thuốc, đôi dép, đồ cạo râu; còn nữ thì điệu đà hơn bao gồm son môi, gương, lược, tiền, nhẫn, dây chuyền, bông tay, giày dép, túi xách và còn có cả thẻ ATM... Mỗi bộ có giá khá rẻ, chỉ từ 12.000-20.000 đồng.

Ngoài ra, nhiều người sẵn sàng chi ra số tiền lớn để mua, đốt các vật dụng “xa xỉ” như bộ nhà lầu biệt thự cao cấp, xe hơi bên trong được thiết kế cắt dán tinh xảo, với đầy đủ các dụng cụ, vật dụng như thật.

 Bà Lâm Thuý Nga, chủ cửa hàng vàng mã Khoa Nga, Phường 2, TP Cà Mau, cho biết: “Do được làm thủ công nên bộ biệt thự có giá khá đắt từ 300.000-1.000.000 đồng/căn, tuỳ kích thước lớn nhỏ cũng như màu sắc, vật dụng, chất lượng giấy, hoa văn... bên trong căn nhà. Nhưng thông dụng nhất và bán chạy nhất là các mặt hàng giấy tiền vàng bạc, quần áo giá bình dân, hợp túi tiền”.

Đang lựa chọn những loại nhang đèn, vàng mã phù hợp, chị Tạ Tú Quỳnh, Phường 9, TP Cà Mau, bày tỏ: "Như mọi năm, tôi chọn mua những mặt hàng thiết yếu như quần áo, giày dép, vàng bạc là chính. Tránh tình trạng tăng giá, hay chen chúc nhau ngày sát Tết nên ngay bây giờ mua là hợp lý. Tôi nghĩ, việc đốt vàng mã cho ông bà không nên quá xa xỉ nhưng cũng không được qua loa, quan trọng là lòng thành của con cháu nhớ đến ông bà”.

Bên cạnh thị trường vàng mã, các mặt hàng đồ cúng lễ như hoa quả, bánh kẹo, nhang đèn, giấy đỏ, nến, vải trang trí bàn thờ... cũng được bày bán rất phong phú về mẫu mã.  Tuỳ theo sở thích, mức độ sử dụng mà người tiêu dùng có thể chọn cho mình những sản phẩm phù hợp.

Ngoài các loại nhang nén truyền thống, để thêm phần long trọng, độc đáo, người sản xuất còn thiết kế các loại nhang chớp, nhang nổ, nhang kim tuyến tạo âm thanh, màu sắc  lấp lánh. Mặt hàng này được bán quanh năm nên giá cả không có biến động, dao động ở mức 5.000-500.000 đồng/bó tuỳ thương hiệu, kích thước, chất lượng.

So với mọi năm, giá cả hàng vàng mã, đồ cúng có phần tăng nhẹ, từ 2-5% nên người tiêu dùng có thể an tâm khi lựa chọn, mặt khác, để tránh tình trạng chen chúc, xô đẩy nên trang bị sớm các vật dụng cần thiết, đặc biệt trong quá trình đốt, hành hương nên cẩn trọng, tránh để trẻ em nghịch phá gây hoả hoạn./.

Yến Nhi 

Liên kết hữu ích

Tận tình phục vụ những ngày cận Tết

Năm 2024, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn huyện Năm Căn ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn cho tổ chức, cá nhân đạt cao. Ðặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC được đẩy mạnh.

Tiếp tục tinh gọn bộ máy và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

Chiều 15/1, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước.

Dịch vụ công trực tuyến: Không làm thay người dân

Nhằm từng bước hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo công chức, viên chức (CC,VC) làm việc tại bộ phận một cửa thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, không trực tiếp làm thay, để người dân quen dần thao tác, các bước thực hiện trên môi trường điện tử.

Cà Mau tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp

Với 91,6 điểm, tăng 1,43 % so với năm 2023, tỉnh Cà Mau tiếp tục giữ vị trí đứng đầu các tỉnh thành cả nước về Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp năm 2024. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Cà Mau dẫn đầu cả nước về bộ chỉ số này.

Khánh Hoà hoàn thành sớm kế hoạch CCHC năm 2024

Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), xã Khánh Hoà (huyện U Minh) đã hoàn thành 17/17 nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2024, đạt 100%.

Bước nhanh hơn để tạo đột phá

Xây dựng Chính quyền điện tử (CQÐT) hướng đến Chính quyền số (CQS) là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Cà Mau nỗ lực hướng tới, nhằm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng”, thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày một nâng lên, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.

Nỗ lực tạo đột phá

Năm 2024, công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) được TP Cà Mau quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thông suốt. Ðến nay, thành phố đã hoàn thành 23/23 nhiệm vụ CCHC. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn được nâng cao. Mức độ hài lòng của người dân về giải quyết TTHC đạt 100%.

Quyết tâm cải cách tốt hơn

Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính; tất cả hướng đến mục tiêu là phục vụ người dân, doanh nghiệp”, huy động sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị... công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục, tạo sự thông suốt để phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ðiểm nhấn thành tựu cải cách hành chính

Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc kết nối Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với Hệ thống Ðịnh danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, để phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử kể từ ngày 1/7/2024. Cùng với đó, Cà Mau là 1 trong 14 địa phương hoàn thành sớm việc số hoá dữ liệu sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NÐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ (giao trước ngày 31/12/2024).