(CMO) Tạo góc thiên nhiên bao gồm vườn chim, ao cá, vườn rau... không chỉ tô điểm cho cảnh quan ngôi trường thêm mát mẻ, trong lành, mà giờ đây những tiết giải lao hay bài giảng sinh học của Trường THCS Ngọc Chánh (xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi) trở nên thú vị hơn.
Góc thiên nhiên trên là mô hình hoạt động trải nghiệm cho đội viên học sinh, được khởi xướng từ năm 2014, tuy nhiên, giữa năm học này được mở rộng diện tích, bổ sung thêm cá thể loài chim quý hiếm có tại địa phương và nhiều nơi khác.
Riêng khu vườn chim có diện tích hơn 50 m2 nuôi khoảng 20 loài chim quý: le le, trích cồ, bồ câu Pháp, bồ câu gà, vàng anh, vành khuyên, chim trĩ... Ðể tạo nơi ở thoáng đãng, gần với thiên nhiên, trường còn bố trí nhiều nhà, lồng chim và trồng một số cây xanh làm kiểng, vừa để chim có nơi trú ngụ, vừa tăng diện tích cây xanh trong trường.
Bồ câu được nuôi tại trường. |
Theo đó, để có được nguồn chim phong phú, nhà trường đã “săn tìm” từ nhiều nguồn, trong đó không ít người quen, mạnh thường quân mang đến tặng, hướng dẫn cách chăm sóc từng loài. Mỗi ngày sẽ có nhân viên phụ trách đến chăm sóc, vệ sinh cho chim, những cô cậu học trò nhỏ cũng góp một phần sức nhỏ khi tự tay chuẩn bị những bữa ăn khoái khẩu cho chim bằng côn trùng.
Em Lê Trọng Nhân, lớp 7A, Trường THCS Ngọc Chánh, phấn khởi: “Em thấy rất vui, từ mô hình giúp em có thêm kiến thức nhiều hơn trong học tập. Em rất tự hào về trường mình, vì đã có mô hình vừa hay, vừa bổ ích, kết nối các bạn lại với nhau. Cùng bảo vệ, yêu thương, chăm sóc chim mỗi ngày cũng là một trong những động lực giúp em đến trường đều đặn hơn”.
Em Tô Hồng Nga, lớp 7C, cho biết: “Em thường đến thăm những chú chim vào giờ ra chơi, cùng các bạn ngắm, nghe chim hót để thư giãn, nhất là sau giờ học căng thẳng, mệt mỏi, cân bằng giữa học và chơi. Ðể góp phần cùng trường nhân rộng mô hình, em thường về nhà tìm bắt những loài sâu phá hoại cây, mùa màng làm thức ăn cho chim. Em nghĩ đó cũng là cách để góp phần bảo vệ thiên nhiên”.
Trước nay, đối với bộ môn Sinh học, đặc biệt là những bài giảng về lớp chim, học sinh vùng sâu, vùng xa, kể cả học sinh thành thị đều chỉ có thể quan sát thông qua hình ảnh trên sách giáo khoa, hoặc trên mạng Internet, nhưng giờ đây các em có cơ hội tận mắt thấy, tận tai nghe, tự tay sờ và nhận biết các đặc điểm, cấu tạo ngoài, tập tính, đặc biệt là sự đa dạng về chủng loài... góp nhặt kiến thức phong phú về các lớp chim quý hiếm.
Trong tâm thế của những người yêu thích, gần gũi với thiên nhiên, em Tô Thái Trân, lớp 7C, Trường THCS Ngọc Chánh, vui vẻ: “Có rất nhiều loài chim lạ mà trước nay em chỉ được nghe tên trên sách vở, nay được tự do quan sát. Em mong muốn trường sẽ xây dựng thêm nhiều mô hình nuôi cá kiểng, trồng thêm nhiều hoa lá nữa để tăng diện tích sinh thái tại trường và quan trọng hơn đây cũng là điểm tham quan học tập vui chơi của nhiều học sinh”.
Thầy Võ Văn Tul, Tổng phụ trách Ðội, Trường THCS Ngọc Chánh, chia sẻ: “Mô hình giúp các em nhận biết về các loài chim, động vật quý hiếm hiện nay, đồng thời xây dựng cảnh quan sạch, đẹp, thiên nhiên gần gũi, giáo dục học sinh ý thức yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Giờ đây, không chỉ các giờ có tiết Sinh học mà bất cứ khoảng thời gian nào, học sinh đều có thể đến quan sát, bầu bạn với những chú chim. Tôi cảm thấy rất vui vì đã tạo được không gian kết nối giữa trường với học sinh, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau, giữa thiên nhiên và con người”./.
Yến Nhi