Trong những năm qua, số lượng người nhiễm HIV ở Cà Mau tuy có giảm nhưng còn nhiều biến động; công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Trong những năm qua, số lượng người nhiễm HIV ở Cà Mau tuy có giảm nhưng còn nhiều biến động; công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, luỹ tích từ đầu vụ dịch đến ngày 31/8, toàn tỉnh đã phát hiện 2.887 trường hợp nhiễm HIV, số chuyển sang AIDS là 1.71 trường hợp, tử vong 411 trường hợp.
Đoàn viên thanh niên tham gia mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS. |
Bác sĩ Võ Hoàng Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết, số liệu trên được tổng hợp từ phần mềm mới HIV Infor 3.0 của Cục Phòng chống HIV/AIDS, chỉ quản lý số người nhiễm của tỉnh. Trong đó, mỗi tỉnh sẽ tổng hợp theo kết quả xét nghiệm HIV dương tính được khẳng định hằng tháng, kết hợp với danh sách từ các tỉnh khác nhập liệu lên phần mềm những người có hộ khẩu thường trú tại Cà Mau để tổng hợp với số tại tỉnh, rồi gửi về các xã, phường thực hiện rà soát, sàn lọc lại những trường hợp quản lý được (có mặt ở địa phương). Hiện nay, tỉnh vẫn đang tiến hành rà soát để cố gắng có con số chính xác những trường hợp quản lý được tại địa phương, từ đó can thiệp điều trị và quản lý điều trị.
Về cơ bản, dịch HIV/AIDS ở tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, có thể làm bùng phát trở lại nếu chúng ta không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Trưởng Khoa Truyền thông và Can thiệp, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau Lê Thành Công chia sẻ, trong khi số người nhiễm mới HIV vẫn tăng lên qua từng năm, thì công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các đối tượng miễn nhiễm còn đi làm ăn xa, trốn khỏi địa phương, rất khó xác định được nơi ở cố định nên cán bộ chương trình còn gặp nhiều khó khăn trong công tác rà soát, quản lý. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn diễn ra khá nặng nề khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, các nguồn viện trợ từ nước ngoài cho phòng chống HIV/AIDS đã kết thúc, nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương chưa được cấp, vì thế trung tâm gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chủ yếu cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động. Vì vậy, các hoạt động các hoạt động can thiệp giảm hại, tư vấn xét nghiệm, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV không được triển khai tại cộng đồng.
Bác sĩ Võ Hoàng Luân khẳng định: "Để đạt mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định), chúng tôi sẽ bám sát tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch phù hợp. Đồng thời có lộ trình xây dựng mạng lưới tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị ARV, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bao phủ ở tuyến huyện. Trung tâm đang mở cơ sở điều trị bằng Methadone cho những người sử dụng ma tuý và sẽ khai trương vào đầu tháng 10 năm nay. Song song với đó, trung tâm đẩy mạnh công tác truyền thông để giảm các hành vi nguy cơ và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng".
Cùng với việc thiếu nguồn kinh phí hoạt động, thái độ sợ hãi, kỳ thị, phân biệt đối với người bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu kết thúc căn bệnh thế kỷ này. Chính vì vậy, tỉnh cần có một chiến lược tuyên truyền phù hợp và đặc biệt là cần có sự đầu tư thoả đáng để công tác phòng - chống HIV/AIDS trên địa bàn đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Quách Nguyên