ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 8-7-25 11:15:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thiếu sinh quân Quân khu 9: Trọn nghĩa, vẹn tình

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày đầu tháng 7, các cô chú cựu thiếu sinh quân Quân khu 9 (ở tỉnh Cà Mau) có chuyến về nguồn tại huyện An Minh, Kiên Giang, chúng tôi may mắn được tháp tùng. Chẳng là Cà Mau có 2 ngôi trường thiếu sinh quân là 373 và 673 thuộc Đoàn 962, cũng nằm trong hệ thống trường thiếu sinh quân của Khu. Hơn nữa, Cà Mau còn là nơi đứng chân của các trường thiếu sinh quân khác trong những ngày chiến tranh chống Mỹ đi vào giai đoạn vãn hồi.

Huyện An Minh, Kiên Giang tiếp giáp với Cà Mau, là nơi thành lập Trường Thiếu sinh quân của Cục Chính trị, trường này sau đó cũng về đứng chân ở Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời. Âu cũng là dịp để hiểu hơn về một mô hình giáo dục hết sức độc đáo, mang tầm chiến lược của miền Tây Nam Bộ nói riêng.

Trước khi đi, chúng tôi có thông tin Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, là học sinh của Trường Thiếu sinh quân Cục Chính trị năm xưa cũng dự chuyến về nguồn này, nên lòng càng háo hức. Bởi một ngôi trường phải đặc biệt thế nào thì mới đào tạo được nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao và một thế hệ học sinh ưu tú đến như thế.

Ban Liên lạc Thiếu sinh quân Quân khu 9 đã vận động, hỗ trợ Vân Khánh Tây gần 200 triệu đồng để xây dựng và tổ chức khánh thành cầu bắc qua kinh Chống Mỹ, ấp Phát Đạt.

Từ Cà Mau đi qua xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh thật gần, hỏi ra mới biết đây là xã tiếp giáp với xã Khánh Tiến của huyện U Minh. Những dịp thế này thì “người không thể thiếu” đã túc trực sẵn ở đó từ hôm trước - bác Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962. Bác Bảy cứ hỏi dồn: “Sao, anh em dạo này mạnh giỏi hả bây? Chắc cuối tháng này bác về dưới”. Ông cười đôn hậu: “Hổm rày không đi Cà Mau thấy trong mình hổng được khoẻ”.

Bác Bảy biểu tôi ra riêng một chỗ, nói nhỏ: “Nè, tụi con thấy hồi qua giờ bên này mưa dữ lắm, nước ngập hết. Anh em ở xã Vân Khánh Tây cực nhọc, vất vả chuẩn bị. Cảm động nhất là “cô” chủ tịch xã, cùng với mọi người khiêng ván lót đường đi, chuẩn bị chỗ nơi đón tiếp đại biểu. Nhìn mà cảm động lắm, tụi con chú ý dùm bác chuyện này nghe”. Tính bác Bảy vẫn vậy, ông nghĩ cho chuyện chung, nghĩ những thứ tưởng chừng lặt vặt nhưng rất đời, rất tình, kiểu tình của “lính 962” mà đã trở thành huyền thoại một thời. Ông còn căn dặn thêm: “Thiếu sinh quân dù là trường nào, thành lập ở đâu thì cũng là của khu, chung một mái nhà, truyền thống và đạo nghĩa. Trường của Cục Chính trị có cái đặc biệt hơn là nơi đào tạo, rèn luyện được rất nhiều cán bộ, tướng lĩnh ưu tú, làm vang xa tiếng thơm của thiếu sinh quân”.

 

Kề bên, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam bồi hồi ôn lại những kỷ niệm với đồng đội, thầy cô, bè bạn. Ông nhớ hoài lần giặc đánh bom trúng lớp học tại ấp Phát Đạt, xã Vân Khánh Tây (ngày trước là ấp Tân Quy, xã Vân Khánh): “Thầy trò ngày xưa về đây nương tựa người dân, tự đốn cây, chằm lá để dựng trường lớp. Chúng tôi ngày đó chỉ hơn 10 tuổi, đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, máu thịt của mái trường này”.

Trong dòng ký ức sau 45 năm, vị tướng không thể quên trận pháo kích của giặc vào một buổi cơm chiều tang tóc: “Hồi ấy trường chia làm 3 đại đội gọi là K1, K2 và K3. Hôm đó, pháo từ ngoài đồn bắn trúng trường khi thầy trò đang ăn cơm chiều. Bữa cơm với cá kho, canh rau diệu. Một thầy hy sinh, mấy bạn bị thương. Tôi nhớ bạn Tiên, bị đạn trúng thủng bụng, tụi tui phải hất bỏ thau canh rau diệu, rửa sạch, úp vào bụng bạn để giữ cho ruột cố định rồi lấy khăn rằn buộc chặt lại”. Chính Thượng tướng Nguyễn Phương Nam cùng bạn bè đã dìu những người bị thương xuống hầm trú ẩn, sau đó quay lại cùng bà con, thầy cô và bạn bè lo hậu sự cho người hy sinh.

Thoáng chốc 45 năm, vị tướng tâm sự: “Khoảng thời gian ấy có quá nhiều đổi thay, tôi được trở về đây là trở về với nơi đã cưu mang, đào tạo, đặt những nền móng đầu tiên về lý tưởng, tri thức, đạo đức cho bản thân suốt chặng đường sau này. Tôi mang ơn nghĩa của đất và người nơi đây nhiều lắm”.

Chủ tịch UBND xã Vân Khánh Tây Võ Thị Hồng Út thì cứ chạy đôn chạy đáo lo cho buổi họp mặt. Chị Út nói: “Đây là lần đầu tiên xã tiếp đón các cô chú, mình sợ có thiếu sót nên lo lắng lắm. Vân Khánh Tây tự hào là một phần của truyền thống hào hùng thiếu sinh quân, nơi đây được các cô, chú còn nhớ đến, trở về là một vinh dự lớn. Hy vọng các cô, chú sẽ còn nhiều chuyến về đây để địa phương thêm vững vàng trong hành trình phát triển”.

Giây phút bồi hồi, xúc động và mừng vui của thầy trò, đồng đội, bạn bè thiếu sinh quân Cục Chính trị sau 45 năm.

Qua thông tin của chị Út, Vân Khánh Tây là xã còn nhiều khó khăn, bộn bề của huyện An Minh. Với tỷ lệ hộ nghèo trên 10%, địa phương còn phải rất nỗ lực để đạt được đích đến nông thôn mới. Khi về ấp Phát Đạt, nơi đứng chân của Trường Thiếu sinh quân Cục Chính trị, anh Trần Văn Suông, Bí thư, Trưởng ấp, thông tin thêm: “Ấp có 419 hộ, còn tới 132 hộ nghèo”. Anh Suông thổ lộ: “Đây là vùng đất kiên trung, giàu truyền thống cách mạng, nhưng điều kiện phát triển kinh tế còn khó quá. Nếu được các cô, chú thế hệ thiếu sinh quân quan tâm, hỗ trợ nhiều thêm thì đỡ lắm”.

Cũng tại ấp Phát Đạt, bên dòng kinh Chống Mỹ, chúng tôi gặp thân mẫu của chị Út, cô Nguyễn Thị Bảnh, tức Minh Huệ, người Biển Bạch, Cà Mau. Cô Minh Huệ từng là giáo viên Trường Ninh Bình - Cà Mau, hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục, sau đó về An Minh những năm mà trường thiếu sinh quân thành lập.

Qua hồi ức một thời, cô Minh Huệ cho biết: “Tôi về đây năm 71, lúc đó cả khúc xóm chỉ hơn 10 nóc chòi, sậy rừng hoang vu. Được cái là dân một lòng theo Đảng, còn các cơ quan, đơn vị của kháng chiến cũng dựa vào dân mà trụ vững”. Như sực nhớ điều gì, cô cười: “Bây giờ tôi suốt ngày giữ con nhỏ cho con Út đi làm công chuyện Nhà nước, mấy lần bên Cà Mau họp mặt cũng chưa về được”. Nghe câu chuyện của cô Minh Huệ, chúng tôi chợt ngẫm ra rằng, Cà Mau hay Kiên Giang đơn thuần chỉ là sự phân biệt về địa danh, địa lý, còn trên vùng đất châu thổ sông Cửu Long này, đâu đâu cũng một lòng nồng nàn yêu nước, đâu đâu cũng có những con người trước sau trọn vẹn nghĩa tình.

Chú Hoàng Thanh Sơn, Trưởng Ban Liên lạc thiếu sinh quân Quân khu 9 là người hăng hái nhất khi lên trình bày tiết mục văn nghệ Hành khúc Thiếu sinh quân. Bài hát do thầy Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên trường khi ấy phổ nhạc. Tiết tấu nhanh, khoẻ, với những tấm lòng trọn tin vào sự nghiệp của Đảng vào tương lai của đất nước, tất cả được vút lên từ vùng đất Tân Quy một thời gian khó; như lời chú Sơn nói: “Thầy cô và bạn bè chúng tôi ngày ấy, học hành không chỉ thiếu thốn, vất vả mà còn phải đối diện với mất mát, hy sinh. Cũng trong hoàn cảnh ấy, mái trường đã hun đúc cho mỗi người niềm tự hào, ý chí phấn đấu vươn lên để trở thành người hữu ích”. Nơi mái trường đầy tự hào ấy sau 45 năm nhìn lại, gương mặt người có thể già đi, mái tóc hầu hết đều điểm bạc, thế nhưng có một điều mãi mãi không thể đổi thay, đó là truyền thống thiếu sinh quân, một ý chí, một tấm lòng, vẹn tròn nghĩa tình sau trước./.

Phạm Quốc Rin

Ngày 8/7, Ban Liên lạc Thiếu sinh quân, Quân khu 9 có chuyến về nguồn tại xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Đây là nơi thành lập Trường Thiếu sinh quân của Cục Chính trị, Quân khu 9. Về dự họp mặt có Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và gần 200 cựu thiếu sinh quân ở khắp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Đây là chuyến về nguồn sau 45 năm, tính từ ngày thành lập trường. Dịp này, Ban Liên lạc và các đại biểu đã tổ chức khánh thành cầu nông thôn do cựu thiếu sinh quân đóng góp tại ấp Phát Đạt, xã Vân Khánh Tây và trao tặng các phần quà, xe đạp cho các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của địa phương.

 

 

Một thời làm báo

Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, nơi sông ngòi chằng chịt, rừng đước bạt ngàn và con người mang trong mình chất mộc mạc, chân thành, hào phóng của miền Tây Nam Bộ. Ở đó, tôi đã sống và cống hiến với những năm tháng làm báo đầy nhiệt huyết, nơi mà mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười. Một thời làm báo tại Cà Mau là ký ức không thể quên, như cuốn sách cũ, dù thời gian có làm phai màu bìa, nhưng những trang bên trong vẫn sống động.

Báo giấy - Ký ức một thời vàng son

Chẳng nhớ rõ từ khi nào, những sạp báo giấy giữa lòng thành phố đã biến mất dần trong xu thế không thể tránh khỏi khi công nghệ thông tin bùng nổ, với sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội. Báo giấy - mấy ai còn nhớ một thời vàng son...

Quá khứ hào hùng - Hiện tại vươn xa

Báo - đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Ðảng với Nhân dân như bê-tông cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim yêu nước, thương dân; là ánh đèn pha giữa đêm đen soi sáng mọi bước đường khi dân tộc ta xông lên chiến đấu và chiến thắng quân thù; là ánh mặt trời chân lý xua tan âm u, tâm tối, đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng, lẽ sống đối với biết bao thế hệ...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đứng chân hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước. Từ rừng đước, rừng tràm thành làng rừng kháng chiến; từ xóm ấp, chùa chiền, nhà dân thành nơi nuôi chứa cán bộ.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Phan Ngọc Hiển - Nhà báo cách mạng trên vùng đất Nam Bộ

Tuần báo Tân Tiến số phát hành trung tuần tháng 2/1937, chủ bút Hồ Văn Sao giới thiệu với độc giả: “Bạn tôi Phan Ngọc Hiển, tức Phan Phan, một nhà văn chân chính - lương tâm, bắt đầu đi khắp Nam Kỳ để làm phận sự nhà báo - năm nay lần lượt bạn Phan Ngọc Hiển sẽ hiến cho độc giả: 1. Ðại náo thôn quê - 2. Tinh thần bạn trẻ nước nhà - 3. Giọt nước mắt của dân - 4. Thương - là 4 vấn đề quan hệ xã hội cần thay đổi - muốn tránh sự sơ sót, ngoài những tài liệu của bạn tôi thâu thập trong những lúc gian nan, nay bạn tôi cần đi viếng các làng, dân quê, bạn trẻ... cho cuộc điều tra thêm chu đáo - luôn tiện biết nhau, biết điều sơ sót của Tân Tiến đặng sửa đổi...”.

Ðài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến - Tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do

Đài Nam Bộ Kháng chiến ra đời những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954). Có lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười (Long An); có giai đoạn ở Thới Bình, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, U Minh (Cà Mau), hay Kiên Giang, Bạc Liêu; có thời điểm đài đổi tên thành Ðài Tiếng nói Nam Bộ. Tuy vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, tên gọi khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của đài không ai được đào tạo bài bản về phát thanh nhưng đã làm nên một đài phát thanh vang danh, lừng lẫy; tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và ngành phát thanh nói riêng. Ðó là tiếng nói của Uỷ ban Nam Bộ Kháng chiến; cầu nối của Ðảng, Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ; là ước mong, khát vọng của đồng bào nơi đây về một Việt Nam độc lập, tự do.

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.