Thời gian qua, việc nợ đọng chế độ, chính sách đối với giáo viên tại huyện Thới Bình đã gây nên những luồng dư luận không tốt, trong đó có cả những thông tin chưa thật sự chính xác gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Báo Cà Mau tiếp tục thông tin về kết quả giải quyết vấn đề nêu trên của địa phương này và tiếp tục khẳng định quyết tâm của tỉnh về việc bảo đảm quyền lợi của giáo viên.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Bình, cho biết: “Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng chế độ, chính sách đều đã được mổ xẻ, phân tích. Ngành giáo dục Thới Bình thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, nhưng cũng phải đánh giá hết sức khách quan”.
Quyết liệt vào cuộc
Trong những khoản chi, việc chi trả cho con người (lương cho quản lý, giáo viên) chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là với 334 giáo viên, nhân viên hợp đồng. Mặt khác, việc thành lập thêm 8 trường mầm non và 1 trường THCS cũng đã tạo nên những áp lực mới cho kinh phí sự nghiệp giáo dục. Các mô hình mới, chương trình mới được tuyến trên triển khai, địa phương tổ chức thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn…
Giáo viên Trường Tiểu học Thới Bình C, xã Thới Bình rất phấn khởi vì nhận được đầy đủ tiền chế độ, chính sách. |
Ông Sang thẳng thắn: “Chúng tôi nắm rõ tình hình nợ đọng này và cũng không giấu giếm gì với giáo viên. Thông qua các cuộc họp, gặp gỡ, chúng tôi cũng trao đổi để mọi người chia sẻ với khó khăn chung, tiếp tục yên tâm công tác”.
Ở phía khác, giáo viên của Thới Bình cũng không bị nhiều ảnh hưởng do lương thường xuyên được đảm bảo. Theo con số thống kê chính thức của huyện, đến hết năm 2015, tổng số nợ đọng chế độ, chính sách của giáo viên là trên 11,7 tỷ đồng.
Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Thới Bình nhanh chóng triển khai các biện pháp để tiến hành chi trả kịp thời cho giáo viên. Cụ thể, các khoản nợ từ năm 2011-2015 đã được chi trả dứt điểm vào tháng 9/2016. Trong đó, chi trả phụ cấp thâm niên là hơn 8 tỷ đồng; nâng lương từ 85% lên 100% là hơn 3 tỷ đồng; chi nâng lương trên 5,5 tỷ đồng; chi cho 18 giáo viên mới trúng tuyển gần 470 triệu đồng.
Ðối với các khoản phát sinh đến hết năm 2016, tổng kinh phí dự kiến hơn 8,8 tỷ đồng. Ông Sang nêu rõ: “Ðến trước ngày 20/11, các khoản chế độ, chính sách đã chuyển về hết các trường, riêng những khoản trong tháng 12 sẽ chuyển về sau theo lương. Như vậy, tính đến hết 2016, Thới Bình đã không còn nợ chế độ, chính sách đối với giáo viên”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đánh giá cao nỗ lực của Thới Bình trong việc kiểm soát và giải quyết tình hình.
Quyết tâm và kết quả thực hiện việc chi trả chế độ, chính sách của Thới Bình đã nhận được những phản hồi vô cùng tích cực, thổi một luồng gió mới vào quá trình phát triển của lĩnh vực giáo dục nơi đây.
Giáo viên tin tưởng, phấn khởi
Tại Trường Tiểu học Thới Bình C, Ấp 4, xã Thới Bình, thầy Ðinh Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Giáo viên vô cùng phấn khởi khi nhận được tiền chế độ, chính sách. Nói gì thì nói, các khoản này cũng nợ khá lâu rồi. Nhà trường cũng khẳng định với giáo viên là trước sau gì cũng nhận nên không để ảnh hưởng đến công tác”.
Không khí phấn khởi cũng là điều ghi nhận được tại Trường THCS Trí Phải. Thầy Nguyễn Văn Các, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Giáo viên của trường trước giờ vẫn rất vững vàng, không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề nợ chế độ chính sách. Chúng tôi cũng động viên, dứt khoát trước sau gì anh em cũng sẽ được giải quyết”.
Một trong những vấn đề quan tâm của Thới Bình là làm thế nào để không xảy ra tình trạng nợ đọng như thời gian vừa qua.
Ông Sang tâm sự: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái khó nhất là việc kinh phí phân bổ và nhu cầu thực tế chênh nhau lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo tổng rà soát lĩnh vực giáo dục, lắng nghe những đề xuất, giải pháp của từng địa phương để đưa ra phương án tối ưu”.
Với 2 phương án phân giao kinh phí sự nghiệp giáo dục mà UBND tỉnh đề xuất: Một là tính theo đầu học sinh, hai là đảm bảo chi cho con người, sau đó cân đối để đảm bảo hoạt động. Ông Sang cho biết: “Huyện lựa chọn phương án thứ 2. Ðây cũng là tâm tư, tình cảm và nguyên vọng của toàn ngành giáo dục Thới Bình”./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên