Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau tổng khởi nghĩa 1945, tỉnh Bạc Liêu (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), lực lượng thông tin, báo chí, văn nghệ, công nhân Nhà in Sao Vàng… đều quy tụ vào đầu mối là Ty Thông tin. Ty Thông tin Bạc Liêu từ khi thành lập đến ngày ký kết Hiệp định Geneva, phần lớn thời gian do ông Huỳnh Ngọc Thái làm Trưởng ty, với không tới 25 cán bộ, công nhân.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau tổng khởi nghĩa 1945, tỉnh Bạc Liêu (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), lực lượng thông tin, báo chí, văn nghệ, công nhân Nhà in Sao Vàng… đều quy tụ vào đầu mối là Ty Thông tin. Ty Thông tin Bạc Liêu từ khi thành lập đến ngày ký kết Hiệp định Geneva, phần lớn thời gian do ông Huỳnh Ngọc Thái làm Trưởng ty, với không tới 25 cán bộ, công nhân.
Sau Hiệp định Geneva, ta chuyển hướng vào đấu tranh chính trị, số cán bộ, công nhân này được phân tán. Một bộ phận làm công nhân in của Nhà in “Hoá Trang” tại chùa Cao Dân và Ngọc Sắc, xã Tân Lợi; một bộ phận khác làm báo, làm văn nghệ, với tờ báo “Hoà bình thống nhất” do Trần Ngọc Hy là cán bộ báo chí của Tỉnh uỷ phụ trách Trưởng Ban Biên tập. Tờ báo này dành phần lớn diện tích in thơ, hò, vè, ca dao, câu chuyện, bút ký, truyện.
Văn nghệ Lúa Vàng được xuất bản kỳ đầu tiên tháng 5/1966. (Ảnh Hoàng Vũ chụp lại) |
Tờ báo “Hoà bình thống nhất” bí mật đến nhiều đối tượng cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã, cán bộ cốt cán nằm vùng, đến với quần chúng cách mạng. Trong thời gian đấu tranh bí mật, Ban Biên tập Báo “Hoà bình thống nhất” vừa chú trọng đưa tác phẩm văn học lên tờ báo, vừa động viên anh em cán bộ báo chí viết những tác phẩm có độ dài và tập hợp những tác phẩm văn học trên sách báo của Trung ương có tác dụng giáo dục tư tưởng, in thành những cuốn sách rời để phát hành rộng rãi.
Từ các năm 1956, 1957, 1958, 1959, bộ phận báo chí in bột truyện “Vượt côn đảo” của Nhà văn Phùng Quán mấy trăm trang, in trường ca “Ba mươi năm đời ta có Ðảng” của Tố Hữu, in truyện ngắn “Người lính điên” và truyện vừa “Hận thù” của Tam Nghị… Thời kỳ đấu tranh bí mật, trên lĩnh vực văn học không có tập văn nghệ riêng, những tác phẩm văn học không in thành tạp chí hay tờ báo văn nghệ hẳn hoi, chỉ được in xen vào tờ báo chính trị cơ quan ngôn luận đảng bộ trong đấu tranh bí mật và in rời từng tác phẩm. Tác phẩm văn học lúc bấy giờ đến nhiều đối tượng, trở thành vũ khí sắc bén giữ vững tinh thần, tư tưởng, ý chí chiến đấu và niềm tin vào ngày chiến thắng quân thù Mỹ - Diệm tàn bạo. Những tác phẩm văn học lúc bấy giờ đến tay đối tượng được cất giữ bí mật, chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát.
Sau Ðồng khởi 1960, đến các năm 1961, 1962, 1963, tác phẩm văn học được sử dụng bằng hai phương thức, một mở chuyên trang trong tờ Báo Cà Mau giải phóng, hai là in thành tập gồm những bài ký, truyện ngắn, thơ, ca dao, hò, vè, lời ca cổ nhạc. Mặc dù sau Ðồng khởi 1960, tỉnh Cà Mau thành lập Hội Văn nghệ giải phóng do ông Nguyễn Hải Tùng làm chủ tịch, tuy nhiên, từ năm 1960-1964, ở Ban Tuyên huấn tỉnh cũng thành lập Tiểu Ban Báo chí - Văn nghệ (chủ yếu là văn học). Tiểu ban này xuất bản tờ Báo Cà Mau giải phóng và tập Văn nghệ Cà Mau, bìa in tựa bài chính trong tập.
Như năm 1961, tập Văn nghệ Cà Mau lấy tên “Ký ức tuổi thơ” là bài tuỳ bút của Nhà văn Bùi Ðức Ái và bìa của tập văn nghệ này là tranh minh hoạ bài "Ký ức tuổi thơ" của Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Bắc. Trong thời gian này, lực lượng Tiểu ban Báo chí - Văn nghệ phát triển khá mạnh, đông về số, mạnh về chất, hầu hết cán bộ, phóng viên đều viết báo và viết tác phẩm văn học nên chất lượng cả tờ Báo Cà Mau giải phóng và tập Văn nghệ Cà Mau đều được nâng cao.
Năm 1965, Ban Tuyên huấn Cà Mau tách Tiểu ban Báo chí - Văn nghệ ra thành lập hai tiểu ban: Tiểu ban Thông tấn - Báo chí và Tiểu ban Văn nghệ. Khi mới thành lập, Tiểu ban Văn nghệ do ông Nguyễn Kiên Ðịnh nhận chức vụ Phó Tiểu ban trực tiếp lãnh đạo bộ phận văn học. Bộ phận văn học gồm có Nguyễn Xuân Bắc, Thanh Minh, Nguyễn Thanh. Với lực lượng này làm nòng cốt, có sự hỗ trợ của phóng viên trên Tiểu ban Thông tấn - Báo chí và tập hợp lực lượng cộng tác viên ở cơ quan cấp tỉnh, huyện, Tiểu ban Văn nghệ quyết định cho ra đời tập văn nghệ phát hành định kỳ hằng tháng, mang tên “Văn nghệ Lúa Vàng”.
Tập “Văn nghệ Lúa Vàng” số đầu tiên ra tháng 5/1966, kỷ niệm sinh nhật Bác. Ngay từ số đầu tiên này, “Văn nghệ Lúa Vàng” có nhiều thể loại văn học, số lượng bài tăng lên, chất lượng nội dung và hình thức khá. Nội dung bám sát phong trào sản xuất, phong trào nông dân đóng đảm phụ, phong trào thanh niên tòng quân nhập ngũ, phản ánh chiến công diệt ác, phá tề, tiêu diệt đồn bót, chống địch dồn dân quy khu, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược trở về ruộng vườn.
Trong giai đoạn này, Ban Biên tập giữ vững ra tờ “Văn nghệ Lúa Vàng” theo định kỳ hằng tháng và theo các trọng tâm công tác, cho in những cuốn văn nghệ “miễn” để phục vụ kịp thời. Tác phẩm văn học thời này vừa bám chặt nhu cầu của kháng chiến, vừa nâng cao tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Xin nêu vài ví dụ: Truyện ngắn “Mối tình năm cũ” của Nguyễn Mai; bút ký “Cuốn sổ tay” của Nguyễn Mai; thơ “Về quê bạn” của Nguyễn Mai; truyện ký “Người đảng viên mù” của Nguyễn Xuân Bắc; bút ký “Trên đất Gò Muồng” của Nguyễn Xuân Bắc; thơ “Em gái đùa đường” của Nguyễn Xuân Bắc; bút ký “Trên đồng Phong Thạnh” của Nguyễn Thanh; ghi chép “Tiền phong kể chuyện đánh giặc” của Thanh Minh; ghi chép “Trên tuyến lộ Vòng Cung” của Thanh Minh; thơ “Qua bến cũ” của Thanh Minh…
Thời kỳ này, mỗi người trong Ban Biên tập vừa tích cực làm nhiệm vụ biên tập, vừa bám sát các phong trào cách mạng quần chúng và bám sát chiến trường để có tác phẩm nóng bỏng của cuộc chiến đấu. Mặt khác, tập hợp nhiều tác phẩm của phóng viên Tiểu ban Thông tấn - Báo chí và cộng tác viên nên tác phẩm văn học in trên “Văn nghệ Lúa Vàng” rất phong phú và khá sắc sảo, phản ánh mọi lĩnh vực cuộc chiến đấu của quân, dân ta đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ trên quê hương Cà Mau anh hùng.
Sau tổng tấn công mùa xuân 1968, lực lượng biên tập, phóng viên tập “Văn nghệ Lúa Vàng” lần lượt được bổ sung khá đông đảo: Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng Ban Biên tập; Nguyễn Thanh, Thanh Minh, cán bộ biên tập kiêm phóng viên và các phóng viên: Quang Thắng, Quân Phong, Dương Thuỳ, Lê Anh, Duy Vinh…
Những năm từ 1968-1974, nhiệm vụ trọng tâm của tập “Văn nghệ Lúa Vàng” là phản ánh phong trào quân, dân chống giặc phản kích, chống giặc bình định cấp tốc tràn ngập lãnh thổ sau Hiệp định Paris, giành dân, giữ đất, giữ vùng giải phóng… Năm 1970, nhận lệnh của Tỉnh uỷ, Tiểu ban Văn nghệ - tập “Văn nghệ Lúa Vàng” được điều từ kinh Ông Ðơn, kinh 17 rừng đước Năm Căn về bám trụ đồng bằng huyện Cái Nước để phục vụ yêu cầu đánh giặc bình định, cho đến năm 1973-1974 đánh giặc “tràn ngập lãnh thổ”.
Mặc dù phải chịu đựng dưới làn mưa bom bão đạn, nhưng đội ngũ cán bộ biên tập “Văn nghệ Lúa Vàng” trụ vững, đảm bảo công việc viết bài, công việc biên tập làm cho tập “Văn nghệ Lúa Vàng” ra đều kỳ, đảm bảo số lượng và giữ vững chất lượng, nâng cao sức chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ, chống giặc bình định, tràn ngập lãnh thổ, tập “Văn nghệ Lúa Vàng” vững vàng trên trận địa chiến đấu và tác phẩm văn học ở Cà Mau càng trở nên một thứ vũ khí cực kỳ sắc bén vận động cách mạng và là mũi nhọn chống giặc đầy hiệu quả.
Những ngày đầu tiếp thu thị xã Cà Mau, tập “Văn nghệ Lúa Vàng” được mang một diện mạo mới: Ngoài số cán bộ biên tập, phóng viên trước nay, giờ có thêm đội ngũ cộng tác viên trước đây là công chức, giáo chức chế độ cũ và khá đông học sinh viết bài cho tập “Văn nghệ Lúa Vàng”. Tập “Văn nghệ Lúa Vàng” tăng trang, rút định kỳ, tăng số lượng, góp phần ổn định tình hình về chính trị, xã hội, về mọi mặt đời sống Nhân dân trong một thị xã vừa về với cách mạng.
Từ năm 1960, tác phẩm văn học ở Cà Mau vẫn tiếp tục hai phương thức đăng tải: xuất bản tập “Văn nghệ Lúa Vàng” và mở chuyên trang văn nghệ trên Báo Cà Mau giải phóng đến năm 1975. Suốt thời kỳ đánh Mỹ, trong từng giai đoạn cách mạng khác nhau, nhưng tác phẩm văn học ở Cà Mau luôn thể hiện là một thứ vũ khí sắc bén trong vận động cách mạng và đấu tranh chống kẻ thù..
Phạm Văn Tri