ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 16:35:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thong dong chạy đồng

Báo Cà Mau (CMO) Cơn gió bấc thổi qua những cánh đồng lúa chín vừa gặt xong, còn trơ trọi đám rơm rạ khô thơm, cũng là lúc những đàn vịt chạy đồng đến đây ăn no nê, say đẻ trứng. Người chăn vịt chạy đồng như người du mục, phiêu bạt nay đây mai đó, cái nghề lắm sự nhọc nhằn, vất vả nhưng đâu đó cũng có niềm vui riêng của họ với đàn vịt trên những vùng đất mới.

Có dịp bắt gặp đàn vịt chạy trên đồng vừa gặt lúa xong ở Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Len lỏi giữa cánh đồng trơ gốc rạ là cả đàn vịt chạy đồng nhao nháo, kêu vang cả góc trời.

Hỏi ra mới biết đàn vịt của vợ chồng ông Chín (Nguyễn Tèo Em, 56 tuổi) từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu về đây chạy đồng hơn nửa tháng nay. Hớp ngụm nước trà, bấm chiếc điện thoại cũ kỹ, gọi điện cho mối mua trứng vịt chiều xuống gom. Ông Chín đã làm nghề chăn vịt đồng hơn 20 năm nay.

Hồi trẻ ông Chín đi đào đất mướn, rồi sau đợt bệnh bao tử nặng, không mần việc nặng nhọc được nên kiếm nghề khác sinh nhai. Thấy người quen làm nghề chăn vịt không dùng sức nhiều, chỉ bỏ công đi canh giữ nên từ đó ông Chín mới bắt đầu làm nghề này.

Ruộng lúa vụ đông xuân khô đất nên ông Chín phải bơm nước lên để cho đàn vịt ăn mồi.

Ðàn vịt của ông Chín được trên dưới 3.000 con. Cách 2-3 năm thì chạy về đồng lúa ở Cà Mau một lần, xen kẽ với những tỉnh khác. Ông Chín cười: “Ngày nào cũng phải dẫn mấy ngàn “lính” đi ăn cho no, chiều lùa về, ngủ đúng giờ giấc. Hồi mới ra nghề tui ít vốn nên nuôi chỉ 200 con. Từ từ có vốn mua được mấy ngàn con. Từ lúc mua vịt giống về nuôi chừng 1 tháng sau là cho ra chạy đồng, rồi sau 4 tháng là vịt đủ sức bắt đầu cho trứng được rồi. Ðàn này là giống vịt cổ cò, tuy nhỏ con nhưng đẻ trứng nhiều hơn giống vịt huế”.

Xứ ông Chín nhiều người làm nghề này lắm, rải rác đi khắp các cánh đồng ở miền Tây. Ðể có đồng cho vịt chạy tới ăn, phải nhờ “cò” là người địa phương thăm dò, tới coi đồng rồi thoả thuận mua trước với chủ ruộng để tránh đụng với người chăn vịt khác. Giá mua đồng từ 50.000-100.000 đồng/công ruộng mới thu hoạch, tuỳ theo thời gian cho vịt ở lại chạy đồng từ nửa tháng đến một tháng. Trả phí cho “cò” từ 10.000-20.000 đồng/công, do chủ vịt trả tiền hoặc chủ ruộng trả.

Ông Chín giải thích: “Hồi xưa, đâu đâu cũng làm ruộng, vịt chạy đồng được thả cho ăn miễn phí sau khi bà con đã thu hoạch lúa. Từ những năm 2010 trở đi, nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng phát triển mạnh, trên mỗi cánh đồng có cả chục đàn vịt, cả trăm ngàn con. Rồi chuyện “đụng” đồng, tranh chấp, giành đồng cho vịt ăn giữa các chủ vịt nên từ đó người ta nghĩ đến chuyện mua bán đồng để tránh bất hoà”.

Thường thì chăn vịt chạy đồng sẽ đi theo từng hộ gia đình, có khi cũng chỉ hai cha con, hoặc hai vợ chồng thay nhau chăn vịt, nấu cơm, lượm trứng. Bây giờ có thuê mướn cũng không ai chịu làm công cho cái nghề này. Nuôi vịt chạy đồng tuy phải xa nhà, nhiều cơ cực, bấp bênh, ăn ở giữa chốn đồng không mông quạnh nhưng ẩn trong đó cũng có cái thú riêng.

Khi đàn vịt đủ tháng là bắt đầu cho chạy đồng, thì người chăn vịt cũng "chạy" theo. Thuê ghe hoặc xe tải chở đàn vịt đi tới đồng nào thì dựng lều tạm ăn ngủ ở đó. Bầy vịt sẽ dừng chân ở mỗi cánh đồng chừng một tháng, nên nơi ở cũng chẳng cần kiên cố mấy, vì sẽ dời đi nơi khác. Mỗi lần đi, hành trang mang theo là vài bộ quần áo, miếng bạt, mành, chiếu gối, mùng mền, bếp, nồi, gạo, cá khô…

Dù cho mưa hay nắng, ông Chín cũng không dám rời mắt khỏi đàn vịt. Vui nhất là tới lúc vịt đẻ trứng, rồi đi lượm là quên cả mệt nhọc. Cứ khoảng 4 giờ sáng, hai vợ chồng ông Chín thức dậy là thấy cả trăm, ngàn trứng vịt trắng tươi nằm ngổn ngang trên mặt rạ. Lượm trứng đến khoảng 6 giờ sáng thì bắt đầu thả vịt ra đồng kiếm ăn. Thức ăn chính của đàn vịt chạy đồng là lúa trên đồng ruộng còn sót lại sau khi thu hoạch, và các loại ốc bươu vàng, trứng ốc... Chiều tối lùa vịt về chuồng, cho ăn thêm thức ăn công nghiệp, rồi mới ngả lưng nghỉ ngơi sau một ngày chạy theo đàn vịt.

Niềm vui lớn nhất của người chăn vịt chạy đồng là thu hoạch trứng, bán được giá, quên đi vất vả mà gắn bó với nghề.

Ông Chín nói: “Ðồng trúng có lúa, có ốc với thêm thức ăn bổ sung là vịt đẻ trứng say lắm. Cứ 100 con vịt mái thì có 3-4 con vịt trống, hột vịt được loại nhất lái mua 25.000 đồng/chục. Mỗi đêm đàn vịt đẻ 1.500-2.000 trứng, gom 2-3 ngày thì lái xuống thu mua một lần”.

Nhờ nuôi vịt, dành dụm mà vợ chồng ông Chín cất được cái nhà tường cấp 4 kiên cố. Nhưng cũng có năm chăn vịt bị lỗ hơn trăm triệu do dịch bệnh, rồi lại tiếp tục đi chăn đàn vịt khác, mấy năm sau mới trả được nợ.

 “Thấy ổng làm cực quá, tui kêu bỏ nghề chăn vịt, vợ chồng đi làm công nhân. Ổng cứ buồn buồn hoài! Rồi mỗi lần về quê là ổng lén tui đi mua vịt về đi chạy đồng nữa. Không thể bỏ ổng đi mình ên được nên phải bấm bụng đi theo. Cứ như vậy 2-3 lần rồi. Mà ổng mê đi chăn vịt như cái nghiệp vậy, nên thôi, tui không còn kêu ổng bỏ nữa. Vợ chồng làm được bao nhiêu thì sống bấy nhiêu, miễn ổng sống mạnh khoẻ, vui vẻ với con cháu là được rồi”, vợ ông Chín giãy bày.

“Ðồng nghiệp” với vợ chồng ông Chín, là hai mẹ con bà Sáu Thuỳ (Trần Thị Thuỳ), mới đến đây chừng 1 tuần. Bà Sáu có tới 6.000 con vịt, con trai cho chạy cánh đồng kế bên nên dựng cái lều gần đó làm hàng xóm hủ hỉ. Bà Sáu chia sẻ: “Nghề này vất vả lắm, nhất là lúc đi tìm đồng cho vịt ăn, phải vận chuyển vịt đi đồng này qua đồng khác, có khi trong tỉnh, có khi liên tỉnh. Gặp đồng trúng còn nhiều lúa rớt, ốc, cá. Vịt ăn no, đẻ nhiều trứng, còn gặp đồng không đủ mồi thì thất thu. Mỗi lần chuyển đàn vịt đi nơi khác tìm đồng thì lượng trứng cũng hụt theo, mất khoảng 1 tuần vịt mới đẻ lại bình thường. Cứ vài ba ngày thương lái đến tận nơi thu mua một lần, được khoảng 10.000 trứng. Mỗi năm trừ chi phí cũng lời gần trăm triệu. Có thu nhập đều đặn, dành dụm nuôi cho con cái ăn học là thấy vui và đầy đủ lắm rồi”.

Những người chăn vịt chạy đồng thường được bà con thương, được cho gạo, tôm, cá tươi để ăn, người chủ vịt thì cho trứng hoặc bán rẻ lại cho bà con. Mỗi chuyến chăn vịt rong ruổi có khi cả năm hơn họ mới về quê nhà. Có năm ăn Tết ở đồng chăn vịt, có năm thì tranh thủ 1-2 ngày về làm mâm cơm đưa rước ông bà rồi quay lại đồng. Ðến khi những con vịt chạy đồng giảm đẻ trứng đi hơn một nửa cũng là lúc rã bầy, bán vịt thịt. Họ được về quê nghỉ ngơi một thời gian rồi lại tiếp tục công việc mưu sinh như cuộc hành trình phiêu lưu trên những cánh đồng ruộng mênh mông./.

 

Thảo Mơ

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).