Trong giới chơi sinh vật cảnh hệ ngập nước, thuỷ sinh nước mặn được xem là cấp độ cao mà người chơi nào cũng muốn chinh phục. Ðể có được một góc đại dương thu nhỏ trong không gian sống, ngoài chi phí đầu tư đắt đỏ ban đầu còn cần sự đam mê, tỉ mẩn, nghiêm túc tìm hiểu.
- Vinh danh tập thể, cá nhân điển hình trong lĩnh vực sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau
- Vợ chồng anh Duyên - Có duyên với Bonsai
- Cà Mau có Câu lạc bộ Đá cảnh nghệ thuật
“Trong hệ chơi ngập nước thì thuỷ sinh nước mặn được coi là môn khó nhất và tốn kém nhất”, anh Vương Quốc (Phường 8, TP Cà Mau), người có nhiều năm kinh nghiệm chơi thuỷ sinh, khẳng định.
Có hơn 10 năm trải nghiệm chuyên sâu các dòng cá cảnh, thuỷ sinh nước ngọt, vài năm trở lại đây, anh Vương Quốc bắt đầu dành nhiều thời gian để chinh phục thuỷ sinh nước mặn. “Theo tôi biết, bộ môn này du nhập vào Việt Nam đã hơn 20 năm. Lúc đầu giá thiết bị, giá cá, san hô đắt, lại ít người bán, ít người chia sẻ kinh nghiệm. Giờ thì giá dễ tiếp cận hơn, người bán nhiều, kinh nghiệm nuôi cũng dễ học hơn. Dẫu vậy, nếu so với cá cảnh nước ngọt thì nó vẫn là sự chênh lệch lớn về độ khó và chi phí. Hiện nay tại Cà Mau, bộ môn này chưa thực sự phát triển”, anh Quốc thông tin.
Các dụng cụ tiếp xúc vào hồ nước mặn cũng cần dùng dụng cụ chuyên dụng để tránh làm ảnh hưởng nồng độ các chất trong nước.
Ðể nuôi được một bể thuỷ sinh nước mặn, người nuôi cần phải có các thiết bị chuyên dụng nhằm mô phỏng giống nhất có thể môi trường ở biển như: hệ thống lọc, skimmer, đèn, máy tạo sóng, máy bổ sung vi chất, thiết bị đo nồng độ các chất... Giá các thiết bị này có thể lên đến hàng chục triệu đồng, đó là chưa kể giá các sinh vật biển cũng khá cao.
“Một bể chiều dài khoảng 60 cm, để nuôi được cá biển và hải quỳ, rong, tảo, ốc, các dòng được xem là dễ nuôi, sống khoẻ, thì đã có giá đầu tư khoảng 5-6 triệu đồng. Còn nếu nuôi san hô, chỉ tính riêng các thiết bị chuyên dụng cần thiết đã tốn khoảng 10 triệu đồng, đây là điều kiện bước 1, nếu không có thì không thể có các bước sau”, anh Quốc đưa ra ví dụ.
Khác với cá nước ngọt, nhiều dòng cá cảnh biển có sự thay đổi lớn về màu sắc theo giai đoạn.
Chế độ ăn của cá biển khá đơn giản, có thể nuôi cá bằng cám viên chuyên dụng.
Bể cá nước mặn chỉ nuôi toàn cá biển của anh Ðáy Trần Phương.
“Khó nhất, tốn kém nhất trong bộ môn thuỷ sinh là san hô. Khi đã chinh phục qua hầu hết mọi vẻ đẹp của hệ sinh vật ngập nước thì san hô có thể được coi là đỉnh cao cuối cùng. Bởi lẽ, để nuôi sống và phát triển được vẻ đẹp độc đáo của san hô không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về nhiều yếu tố như: ánh sáng, nhiệt độ, thành phần nồng độ các chất trong nước", anh Quốc chia sẻ.
Ở hệ chơi nước mặn, cá biển, hải quỳ và một số loại rong, tảo, ốc được đánh giá là khá dễ nuôi. Khi người có sẵn kinh nghiệm nuôi cá cảnh và đã tạo được môi trường ổn định, thì sẽ nuôi được các sinh vật này sống khoẻ. Chính vì vậy, hiện nay không ít người đam mê thuỷ sinh nước mặn chọn cách nhập môn với bể chỉ nuôi toàn cá.
Việc sắp xếp san hô cần có sự tính toán để tránh trường hợp san hô dùng xúc tu (có độc) cạnh tranh nơi ở.
Việc đo nồng độ các chất hoà tan cần được thực hiện thường xuyên và có sự điều chỉnh theo độ phát triển của san hô.
Mỗi loại san hô có nhu cầu về ánh sáng khác nhau nên cần đặt ở vị trí phù hợp để chúng phát triển tốt và đẹp nhất.
Gần 2 năm nay, anh Ðáy Trần Phương, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, bắt đầu đam mê với thuỷ sinh nước mặn. Hiện tại anh chọn chơi theo phong cách tối giản, bể chỉ toàn cá hoặc kết hợp một số loại hải quỳ dễ nuôi. “Mình nuôi theo kiểu tối giản, chỉ nuôi cá thì cũng không quá khó. Sau khi đã pha muối và ổn định vi sinh mất gần 1 tháng thì mình thả cá vào nuôi; các thiết bị lọc chỉ dùng thêm skimmer, còn lại vẫn sử dụng các thiết bị giống cá nước ngọt", anh Phương cho biết.
Theo anh Phương, với người đã có kinh nghiệm thì việc bắt đầu nuôi cá nước mặn cũng không quá khó. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc dễ dàng. Như bản thân anh, để nuôi được thành công như hôm nay, đã không ít lần phải chịu thất bại khi chưa có kinh nghiệm nuôi thực tế, chưa hiểu rõ các chỉ số môi trường sẽ tác động đến cá như thế nào, dẫn đến việc xử lý chưa đúng khi cá có biểu hiện lạ.
Anh Quốc đúc kết: “Theo tôi, muốn chơi thuỷ sinh nước mặn cần phải tìm cho mình một người thầy để học hỏi. Ðó là con đường nhanh nhất và ít tốn học phí nhất để thành công với bộ môn này”.
Lê Tuấn - Minh Thừa thực hiện