(CMO) Nếu như trước đây, thú chơi cây cảnh thường chỉ dành cho một bộ phận nhỏ người có kinh tế khá giả, lớp trí thức, văn nghệ sĩ... thì nay đã được nhân rộng, như món ăn tinh thần không thể thiếu từ thành thị đến nông thôn.
Thú chơi cây cảnh tạo hệ sinh thái trong lành, vẻ mỹ quan, đem đến cho người chơi không gian thư giãn lành mạnh. Cây cảnh thể hiện sự tinh tế của gia chủ, vì thế thú chơi này ngày càng cầu kỳ, nâng tầm. Từ những hàng rào cây xanh đơn điệu, nay có sự chế tác công phu. Không khó bắt gặp những tuyến đường đầy hoa xanh - sạch - đẹp ở khu vực nông thôn ngày nay.
Những tác phẩm nghệ thuật từ cây cảnh không chỉ mãn nhãn người thưởng lãm mà còn có giá trị, ý nghĩa rất riêng. |
Ông Phan Văn Ðố (Ấp 3, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) bên cạnh vườn rau, ao cá, cây lúa, còn có sở thích chơi cây từ rất trẻ. Nay ngoài 60 tuổi, dù bận rộn với ruộng vườn, nhưng ông vẫn không quên thú chơi này. Vượt qua ranh giới của “ao làng”, thú chơi này như nâng lên tầm cao mới khi được uốn, cắt tỉa, tạo dáng từ bàn tay của các nghệ nhân.
Tại Cà Mau, chơi bonsai những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc về số người chơi và cách chơi. Nhiều tác phẩm của nghệ nhân địa phương đã giành giải thưởng tại các cuộc thi lớn trong và ngoài khu vực. Không chỉ là thú chơi đơn thuần, chơi cây cảnh nói chung và nghệ thuật bonsai nói riêng còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người.
Anh Hồ Hoàng Giang, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, với niềm đam mê nghệ thuật bonsai hơn 20 năm qua. |
Giữa tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, tôi tìm đến khu vườn của anh Võ Văn Thảo, người có thâm niên chơi cây cảnh tại huyện Trần Văn Thời. Hàng trăm cây cảnh được anh cắt tỉa, tạo dáng rất bắt mắt. Anh Thảo bộc bạch: “Tôi xem đây vừa là thú chơi, vừa là cái nghề!”.
Tại Hội thi Sinh vật cảnh vừa qua ở tỉnh Vĩnh Long, cuộc thi khu vực mở rộng, quy tụ hàng trăm nghệ nhân trong cả nước, với hơn 1.000 cây cảnh tham gia thi, tác phẩm mô phỏng rừng U Minh của anh Thảo vinh dự đoạt giải.
“Tác phẩm của tôi thuộc hạng mục bonsai đại, mô phỏng rừng U Minh. Ðây là tác phẩm tôi đã dành thời gian dài nghiên cứu và tạo tác, thông qua tác phẩm này, tôi muốn giới thiệu đến người xem về rừng U Minh Cà Mau, khu rừng mang tính chất biểu trưng, đại diện ở địa phương. Tôi rất vui khi đứa con tinh thần của mình được đánh giá và có kết quả tích cực tại cuộc thi, là động lực giúp tôi tiếp tục tâm huyết với nghề, với thú chơi này”, anh Thảo tự hào chia sẻ.
Tác phẩm “Rừng U Minh” của Nghệ nhân Võ Hoàng Thảo đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sinh vật cảnh mở rộng được tổ chức tại Vĩnh Long vừa qua. |
Theo nhiều người chơi cây cảnh, với nghề trồng và tạo dáng cây cảnh, ngoài niềm đam mê, yếu tố quan trọng là có hiểu biết về từng thế, dáng cây. Mỗi dáng, thế cây đều có ý nghĩa nhất định: thế bạt phong thể hiện ý chí mạnh mẽ, thế quần thụ thể hiện sự đoàn kết, dáng trực thể hiện tính quân tử, cương trực...
Chị Trần Thị Tuyết Ngân (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) chia sẻ: “Chơi cây cảnh, trong đó có nghệ thuật bonsai có rất nhiều cái hay. Bởi khi hiểu biết, khi tiếp cận sẽ nhìn ra được giá trị của cây, từ đó chọn ra phương thế phù hợp để cắt tỉa, chỉnh sửa, để cây đó trở thành tác phẩm nghệ thuật. Ðiều này cũng giống như nhìn tính cách của một con người. Nói cách khác, chơi cây để đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân”.
Nhằm định hình thú chơi sinh vật cảnh, tỉnh Cà Mau đã thành lập Hội Sinh vật cảnh địa phương sớm nhất khu vực phía Nam, ra đời từ những năm 2000. Ban đầu hội gặp không ít hạn chế, người chơi nhiều nhưng thường nhỏ lẻ, rời rạc, bởi đặc điểm địa hình và đời sống kinh tế. Khi ấy, thú chơi sinh vật cảnh nói chung, chơi cây cảnh nói riêng chỉ mang tính chất tự phát. Hội Sinh vật cảnh có những bước đi nhằm phát huy tiềm năng, tập hợp nhiều cá nhân cùng đam mê và nâng cao chất lượng hoạt động.
Cây mai chiếu thuỷ của Nghệ nhân Tiến Phát, Phường 9, TP Cà Mau, được chăm chút, tạo dáng rất đẹp. |
Ông Tạ Hoàng Nguyên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nhìn nhận những hạn chế đối với thú chơi sinh vật cảnh tại địa phương, hội đã chủ động mở các khoá học, tập huấn nâng cao tay nghề, trao đổi kinh nghiệm với các hội bạn. Yếu tố quan trọng tạo đà để phát triển thú chơi cây cảnh là quyết định phổ biến một nhánh tập trung không dàn trải, đó là nghệ thuật bonsai. Ðến thời điểm này, cùng với những thú chơi khác, chơi bonsai là món ăn tinh thần mang đậm nét văn hoá, nghệ thuật. Tại Cà Mau, thú chơi này cũng dần định hình rõ nét, tạo điều kiện cho nhiều người cảm nhận, thưởng thức cái hay, cái đẹp trong cuộc sống”.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, chia sẻ: “Mộc, thạch, ngư, cầm (gỗ, đá, cá, chim) là thú chơi sinh vật cảnh có từ rất lâu, những năm gần đây đã có bước phát triển, nâng tầm giá trị. Chơi cũng là cách làm kinh tế, chơi để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo cảnh quan tươi đẹp. Trong thú chơi này cũng có những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi công phu và sự đam mê của người chơi. Nhánh cây, phiến đá qua bàn tay khéo léo của người chơi hoá thành những tác phẩm nghệ thuật ngụ ý giáo dục, truyền cảm hứng lớn cho người thưởng lãm”.
Những diễn tiến của thú chơi sinh vật cảnh nói chung, cây cảnh nói riêng tại Cà Mau hiện tại và dự tính ở những năm tiếp theo như minh chứng nhằm cụ thể hoá câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời: “Sinh vật cảnh mang ý nghĩa văn hoá, truyền thống và tính dân gian phong phú ở mọi miền đất nước. Tôi mong muốn mỗi cơ quan, đơn vị, các công trình công cộng, cũng như mỗi hộ gia đình được trang trí các cây, vật cảnh để cho cuộc sống thêm văn minh, giúp cho tinh thần nhẹ nhàng, thư giãn”./.
Văn Ðum