(CMO) Đây là 1 trong 7 bộ môn cơ bản của chương trình giảng dạy mầm non mà sinh viên bắt buộc phải hoàn thành trước khi tốt nghiệp.
Giáo dục mầm non là mắt xích đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Đối với trẻ mầm non, âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật phát triển năng lực cảm xúc, tưởng tượng sáng tạo, giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh, phát triển ngôn ngữ quan hệ giao tiếp... Chính vì thế, một giáo viên mầm non trước hết phải hiểu và vận dụng phù hợp các phương pháp hoạt động âm nhạc vào các buổi giảng dạy.
Trong nội dung 45 tiết các sinh viên sẽ trải qua 30 tiết lý thuyết và 15 tiết thực hành, bên cạnh đó người học còn có 90 tiết tự tìm hiểu tại nhà. Nội dung xoay quanh các vấn đề lớn như phương pháp và cách tổ chức hoạt động âm nhạc ở trường mầm non, thiết kế bài soạn và tập dạy trên lớp. Đây cũng là tổng hợp 3 môn mà sinh viên được trải nghiệm trước đó như: Đàn organ, nhạc lý, xướng âm và hát. So với những sinh viên khác, kiến thức của sinh viên mầm non có phần nặng và nhọc nhằn, bởi có sự liên kết chuỗi hệ thống chương trình những bộ môn từ năm nhất, năm 2 trải dài đến năm 3.
Cô Lê Tuyết Đào, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Cộng đồng, cho biết: “Đây là bộ môn mà sinh viên cảm thấy hứng thú nhất trong chương trình học. Song hành với những kiến thức thực tế, sinh viên còn có những buổi thực hành trên lớp làm đồ dùng âm nhạc từ những vật liệu tái chế, chia nhóm để dạy trên lớp, trong đó 1 sinh viên sẽ đóng vai cô giáo và sinh viên còn lại trong nhóm đóng vai trẻ, các bạn còn lại thì tham dự tiết dạy để nhận xét”.
Tâm lý của đa phần trẻ là thích màu sắc và vui nhộn, cho nên những đồ dùng trong học tập, góc trang trí đều được chọn những gam màu sáng sặc sỡ, vui tươi, sinh động. Tranh ảnh học tập đi kèm cũng cần chọn những hoạ tiết đơn giản hoặc hoạt hình thì trẻ sẽ dễ phối hợp với cô, đó là một trong những tâm lý mà sinh viên sư phạm mầm non cần lưu ý khi đứng lớp.
Sinh viên hoạt náo trong giờ lên lớp. |
Được biết, ngoài lòng yêu nghề, mến trẻ, sinh viên cần có những năng khiếu bắt buộc như ca, múa, quản trò..., nhưng phần đông sinh viên mầm non hiện nay rất ít đáp ứng sở trường ca hát.
Cô Đào cho biết: “Một số em có năng khiếu ở mảng tạo hình, làm đồ dùng học tập, sáng tạo nhiều đồ chơi đẹp, bắt mắt, giao tiếp lưu loát nhưng gặp khó khăn ở ca hát, mà đây được xem là một trong những kỹ năng cần có của một giáo viên mầm non”.
Em Trương Thị Đông Nghi, sinh viên lớp 17MA, Sư phạm Mầm non, chia sẻ: “Em rất thích những bộ môn liên quan đến tạo hình như làm đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ, qua đó có thể tự do sáng tạo những đồ vật mình yêu thích. Riêng với mảng ca hát thì đây không phải là năng khiếu của em. Nhưng sau nhiều lần được giáo viên hướng dẫn cũng như dạy cho mình “lướt” qua bằng cách mở nhạc và hát theo lời thì hoàn toàn có thể làm chủ được hoàn cảnh. Quan trọng hơn là sau nhiều lần tập như vậy, bản thân em tự tin hơn khi hát theo nhạc”.
Em Phan Hồng Thơ, sinh viên lớp 17MA, tâm sự: “Những tiết thực hành làm dụng cụ học tập cùng nhóm trình diễn trên lớp thực sự rất thú vị. Ví như đến bộ môn âm nhạc, sẽ tận dụng những vật liệu tự nhiên, những phế phẩm xung quanh nhà như chai nhựa, lon, xốp..., nhà bạn nào có gì thì gom lại, sau đó lên mạng tìm ý tưởng rồi cùng nhau tham khảo. Trung bình mỗi món như cây đàn hoặc chiếc trống nhóm chỉ mất từ 30-40 phút để hoàn thiện. Trong một lần soạn bài đứng lớp, nhóm chúng em sáng tạo những bộ trang phục được tái chế bằng áo mưa cũ, thêm dây ruy băng và hoa giả chỉ bằng những thứ đơn giản tưởng chừng như vứt đi, cho ra những bộ cánh rất đẹp, mình nhìn còn thích”.
Chọn ngành mình thích và học bằng đam mê, có ý thức trong học tập, phát huy được sở trường là những gì mà mỗi tân sinh viên nên xác định trước khi chọn trường, chọn ngành để theo. Nó không những củng cố thêm lòng yêu nghề, nhiệt huyết mà còn giúp sinh viên có việc làm ổn định khi ra trường./.
Tình Nhi