Hạn hán, xâm nhập mặn và lún sụt ngày càng khốc liệt, cùng với đó là triều cường, nước biển dâng gia tăng; mưa bão xảy ra bất thường, diễn biến phức tạp... Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu (BÐKH) đã và đang tiếp tục tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Ðã đến lúc mọi hoạt động của con người cần phải thuận theo thiên nhiên để phát triển bền vững.
Để từng bước giúp người dân thích ứng với BÐKH, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng như Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã có nhiều chương trình, chiến lược, kế hoạch và những dự án cụ thể từng bước đi vào thực tế... để người dân có thể chuyển đổi sinh kế phù hợp, nâng cao giá trị trong sản xuất, tiến tới sự phát triển bền vững.
Tôn trọng và phục hồi đặc điểm tự nhiên của vùng rừng U Minh Hạ là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động kinh doanh của Ðiểm Du lịch sinh thái Cà Mau - ECO (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời). Tất cả hoạt động và dịch vụ nơi đây được triển khai theo hướng thuận theo các điều kiện tự nhiên rừng U Minh. Bà Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau - ECO), cho biết: "Ðể bảo vệ nguồn lợi cá đồng, ngay từ ban đầu, chúng tôi cho triển khai nạo vét kênh mương giữ nước mùa khô. Trong quá trình hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hoá chất, thậm chí cả đèn cao áp. Hệ thực vật ven ao, dưới hồ đều được giữ tự nhiên để tạo điều kiện cho con cá đồng phát triển tốt nhất”.
Tận dụng điều kiện tự nhiên của hệ sinh thái rừng tràm để khai thác, cung cấp các dịch vụ du lịch là điểm nhấn trong chiến lược phát triển lâu dài của Ðiểm Du lịch sinh thái Cà Mau - ECO.
Tập trung khai thác thế mạnh mà điều kiện tự nhiên dưới tán rừng tràm mang lại để tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách, cũng là cách Ðiểm Du lịch sinh thái Hương Tràm (Ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh) đã và đang tiếp tục đầu tư. Ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc Ðiểm Du lịch sinh thái Hương Tràm, cho biết: "Dưới tán rừng tràm có rất nhiều sản phẩm có thể phục vụ du khách. Do đó, chúng tôi đầu tư các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đều gắn liền với cây tràm và nét đặc trưng trong đời sống sản xuất, văn hoá của vùng đất rừng U Minh".
Giữ được rừng, giữ được môi trường tự nhiên dưới tán rừng nhưng lại mang về giá trị kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, là điểm chung của 2 điểm du lịch trên, cũng là hướng đi đã và đang được tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư. Chính nhờ sự thuận thiên mà nhiều vùng, nhiều vụ mùa, người dân nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã từng bước vượt qua thách thức đến từ thiên tai.
Nền nông nghiệp của tỉnh đang từng bước hình thành từng vùng, tiểu vùng theo hướng chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giúp nâng hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng BÐKH. Diện tích, sản lượng tôm nuôi siêu thâm canh tăng, vùng nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế được mở rộng; khai thác hải sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ; cây lúa phát triển theo hướng hữu cơ, lúa sạch có chứng nhận; bước đầu đã phát triển được chăn nuôi heo tập trung... là những kết quả nổi bật có thể điểm qua.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, ngành đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng các khu nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn theo điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái. Ðồng thời, tiếp tục đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá các nhà máy chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm đầu mối của tỉnh.
Trồng rừng thâm canh gỗ lớn và khai thác lợi thế du lịch trên hệ sinh thái rừng tràm là một trong những định hướng mang tính đột phá ở khu vực vùng sinh thái ngọt, lợ U Minh Hạ.
Có thể thấy, thời gian qua, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang được định hình phù hợp theo đặc thù tự nhiên của từng vùng. Nơi có hệ sinh thái ngọt, lợ (mùa mặn, mùa ngọt) của vùng Bắc Cà Mau, được tổ chức sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn ở huyện Trần Văn Thời; từng bước xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu lúa sinh thái, hữu cơ ở huyện Thới Bình; trồng rừng thâm canh gỗ lớn và khai thác lợi thế du lịch trên hệ sinh thái rừng tràm, ở khu vực U Minh Hạ... Hay vùng Nam Cà Mau phát triển mạnh nuôi thuỷ sản thâm canh, siêu thâm canh gắn với đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Năm Căn, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển; kết hợp sản xuất lâm nghiệp với nuôi trồng thuỷ sản và du lịch sinh thái... Riêng vùng ven biển, tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh nuôi ven biển, trên bãi bồi, nuôi cá lồng bè ven đảo gắn với dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Nông nghiệp vẫn là 1 trong 3 trục kinh tế chính của tỉnh. Theo đó, với nhiều nỗ lực trong đầu tư đã giúp ngành nông nghiệp chuyển dần theo hướng phù hợp hơn, hài hoà với điều kiện tự nhiên vốn có. Tuy nhiên, dưới tác động của BÐKH, cùng với đặc thù là không có nguồn nước ngọt bổ sung phục vụ sản xuất đã tạo ra không ít khó khăn vào mùa khô, nhất là những năm nắng nóng gay gắt như hiện nay.
Lúa hàng hoá chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn, là sản phẩm nông nghiệp chủ đạo theo định hướng phát triển nông nghiệp ở huyện Trần Văn Thời.
Ðể kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển và ngày một thích ứng với BÐKH, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. “Tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt các dự án, công trình thích ứng BÐKH, hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất... và cả nỗ lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, từ đường bộ, đường thuỷ đến hàng không để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp...”, ông Vũ cho biết thêm.
Có thể nói, Cà Mau đang nỗ lực khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù của địa phương để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tiến nhanh đến mục tiêu "Nông nghiệp sinh thái, bền vững; nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”./.
Nguyễn Phú