Hướng đến nền hành chính phục vụ, tỉnh Cà Mau đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo bước phát triển đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðáng nói là, tỉnh đã vận hành hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không phụ thuộc địa giới hành chính. Ðây là tiền đề quan trọng góp phần hiện đại hoá nền hành chính, nâng cao sự hài lòng, tin tưởng của Nhân dân.
Cà Mau thí điểm giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính từ tháng 7/2020. Khi ấy, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh thí điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả 52 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Cái Nước, Thới Bình và TP Cà Mau. Từ hiệu quả mang lại, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 959/QÐ-UBND, ngày 14/5/2024, công bố triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC và phê duyệt quy trình nội bộ thực hiện TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh đối với 5 TTHC, thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ðến nay, việc giải quyết TTHC phi địa giới được mở rộng cho tất cả các huyện, TP Cà Mau với 83 thủ tục, thuộc các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, giáo dục và đào tạo, văn hoá - thông tin, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đăng ký kinh doanh, tư pháp - hộ tịch... Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, cho biết: "Thông thường, khi có đầy đủ điều kiện cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu mới thực hiện giải quyết TTHC phi địa giới. Tuy nhiên, Cà Mau đã mạnh dạn thí điểm, vừa thực hiện mô hình vừa tạo lập cơ sở dữ liệu, hướng tới đảm bảo người dân thuận lợi thực hiện tất cả các loại TTHC không phụ thuộc địa giới, dần hình thành những công dân số, doanh nghiệp số".
Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh đang triển khai tiếp nhận 83 TTHC thuộc nhiều lĩnh vực cho tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Giải quyết TTHC phi địa giới hành chính được hiểu đầy đủ là việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh để thực hiện một số TTHC của cấp huyện và ngược lại (thay vì trước đây phải về địa phương, nơi thường trú để làm thủ tục). Quy trình và thời gian trả kết quả không thay đổi so với trước đây, tạo thuận tiện và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
Vừa hoàn thành thủ tục lý lịch tư pháp để chuyển công tác, ông Nguyễn Quốc Khánh, Khóm 6, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: "Như trước đây, tôi phải ra tận TP Cà Mau, đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp mới có thể thực hiện được thủ tục này. Còn giờ, tôi đến bộ phận một cửa huyện, được hướng dẫn gửi hồ sơ qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC và được hẹn thời gian nhận kết quả nhanh gọn. Tôi thấy quy trình giải quyết TTHC theo kiểu phi địa giới rất thuận lợi, tôi ở huyện vẫn có thể gửi cơ quan cấp tỉnh giải quyết, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại".
Hiện nay, việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo hướng phi địa giới chủ yếu áp dụng cho các dịch vụ công trực tuyến một phần, do một bộ phận người dân chưa sử dụng điện thoại thông minh, chưa rành thao tác trên môi trường điện tử. Vì thế, trước mắt người dân thực hiện song song hình thức trực tuyến và cung cấp một số thành phần hồ sơ giấy. Về lâu dài, khi đã hình thành được cơ sở dữ liệu, mô hình phi địa giới sẽ tiếp nhận hình thức trực tuyến, hướng tới xây dựng chính quyền thông minh trong tương lai.
Công chức Bộ phận Một cửa huyện Ðầm Dơi hướng dẫn người dân quét căn cước công dân và nhận diện khuôn mặt, nhằm hình thành cơ sở dữ liệu cho từng cá nhân.
Năm 2023, huyện Ðầm Dơi có chỉ số CCHC đứng đầu bảng xếp hạng các huyện, thành phố. Huyện xác định việc giải quyết TTHC phi địa giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bà Mai Ngọc Mới, Phó chánh Văn phòng HÐND-UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện xử lý hơn 260 hồ sơ phi địa giới hành chính. Khi thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ phi địa giới hành chính, đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thúc đẩy phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan hành chính. Ðây còn là giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa.
Ông Hồ Chí Linh cho biết, để vận hành hiệu quả việc giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn địa điểm giải quyết TTHC phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả quản lý Nhà nước. Mục tiêu quan trọng hướng tới là số hoá hồ sơ, hình thành cơ sở dữ liệu, để từng người dân đều có hồ sơ điện tử, khi thực hiện TTHC được thuận lợi, nhanh chóng, minh bạch.
Việc giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính là một xu thế tất yếu trong thời đại hành chính số. Ðó là một trong những giải pháp quan trọng để Cà Mau giữ vững thành tích dẫn đầu cả nước về Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và TTHC, tạo thuận lợi trong môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số TTHC cấp tỉnh./.
Mộng Thường