(CMO) Chiều 18/8, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, các địa phương tiếp tục chú trọng phát triển hệ thống giáo dục vùng sâu, vùng xã, biên giới và hải đảo. Đẩy mạnh phong trào học tập, xã hội học tập và dòng họ học tập suốt đời để nâng cao trình độ hiểu biết cho mọi người.
"Ngành giáo dục và đào tạo phải thực sự quyết liệt trong đổi mới quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GD&ĐT phải đúng là bộ quản lý Nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn, bền vững hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau có Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân.
Năm học vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo đã vượt lên nhiều khó khăn đạt được nhiều kết quả tích cực. Một trong những điểm nhấn là đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hoá, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Bộ đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2022-2023... Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các Quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).
Bên cạnh đó, mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyện; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, tạo thuận lợi học tập của học sinh, sinh viên.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân kiến nghị, Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư chương trình “Sóng và máy tính cho em” ở những địa bàn khó khăn; Thông tư 06 quy định vị trí việc làm cho giáo dục mầm non chưa có vị trí phục vụ, bảo vệ, y tế,…nên tỉnh gặp khó trong sắp xếp. Bên cạnh đó, Thông tư 16 về khung vị trí việc làm đối với giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học hệ số 1.2/giáo viên/lớp (dạy 1 buổi/ngày) và hệ số 1.5 (dạy 2 buổi/ngày) nếu áp vào Chương trình giáo dục phổ thông mới thì tỉnh gặp khó, không đảm bảo số lượng giáo viên.
Thời gian qua, Cà Mau luôn quan tâm hỗ trợ, thực hiện nhiều hoạt động tiếp sức học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Ảnh: Băng Thanh
Về Nghị định 116 quy định đặt hàng đào tạo, tỉnh Cà Mau đang triển khai thực hiện nhưng khi tuyển dụng thì thực hiện theo Nghị định 115 (thi tuyển và xét tuyển). Do đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị cần có quy định đồng bộ 2 chính sách nêu trên. Mặc khác, Trung ương cần có chương trình kiên cố hoá trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ để giáo viên được yên tâm, gắn bó với Cà Mau trong lĩnh vực giáo dục.
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực năm học mới với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Về một số nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tăng giờ, tăng tiết dạy môn giáo dục công dân, củng cố kiến thức cho học sinh. Cùng với đó, các địa phương tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung cho thật tốt; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học, biên soạn sách giáo khoa…/.
Trung Đỉnh