ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 14-1-25 21:05:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Báo Cà Mau Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Mất ngủ, lo âu, rối loạn cảm xúc, giảm khả năng tập trung... là những dấu hiệu điển hình của hội chứng này. Ðiều đáng lo ngại là những tác động tiêu cực đó ngày càng trở nên phổ biến nhưng lại ít được chú ý, bởi nhiều người vẫn xem công nghệ như một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.

Em H.T.H, học sinh tại một trường THPT trên địa bàn tỉnh, thật thà chia sẻ: “Sáng nào em cũng bắt đầu ngày mới bằng việc mở điện thoại kiểm tra tin nhắn, xem mạng xã hội. Cứ thế, em nằm lướt Facebook, TikTok. Lúc nào rảnh, dù chỉ một chút thôi, là tay em lại vô thức cầm điện thoại. Có những hôm em lướt TikTok tới 2-3 giờ sáng. Em biết hôm sau sẽ mệt, nhưng mà không dừng lại được. Ban đầu em thấy kiệt sức, nhưng giờ thành thói quen luôn rồi, bây giờ mà bắt em bỏ điện thoại hay không cho mở máy tính trong một ngày chắc em không chịu nổi”.

Không chỉ các em học sinh, sinh viên, ngay cả những người đã đi làm cũng rơi vào vòng xoáy phụ thuộc vào màn hình. Anh Nguyễn Quốc Việt (Phường 5, TP Cà Mau), nhân viên văn phòng, cho biết: “Nhiều lúc tôi thấy điện thoại như là một phần cơ thể mình luôn, không rời được. Ðang làm việc mà cứ vài phút lại mở điện thoại ra kiểm tra mạng xã hội, dù chẳng có việc gì cần thiết cả”.

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1 trong 7 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ tâm thần, phổ biến nhất là lo âu, trầm cảm và rối loạn hành vi. Một tỷ lệ đáng kể các trường hợp này bắt đầu trước 14 tuổi và hơn một nửa xuất hiện trước 18 tuổi. Việc sử dụng thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính, nếu không được kiểm soát, có thể gây mất ngủ, căng thẳng kéo dài và ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và mối quan hệ xã hội.

Sự phụ thuộc vào điện thoại trong giờ học khiến học sinh mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và dễ dẫn đến các vấn đề về sức khoẻ tâm lý.  (Ảnh minh hoạ)

Sự phụ thuộc vào điện thoại trong giờ học khiến học sinh mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và dễ dẫn đến các vấn đề về sức khoẻ tâm lý. (Ảnh minh hoạ)

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Nguyễn Trọng Nhân, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho rằng: “Hội chứng màn hình xanh không phải là một căn bệnh riêng lẻ mà là tập hợp các vấn đề tâm lý, phát sinh từ việc sử dụng công nghệ thiếu kiểm soát. Các biểu hiện phổ biến bao gồm rối loạn giấc ngủ, lo âu, giảm khả năng tập trung và rối loạn cảm xúc. Ðặc biệt, ánh sáng xanh từ màn hình có khả năng ức chế việc sản sinh melatonin - hormone giúp điều hoà giấc ngủ. Khi tiếp xúc với ánh sáng này trong thời gian dài, cơ thể sẽ khó chìm vào giấc ngủ sâu, dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài. Ðiều này lý giải tại sao nhiều bạn trẻ thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi vào mỗi buổi sáng.

Chị Lê Ngọc Hân, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: “Không chỉ có vấn đề về tâm lý, việc ngồi lâu trước màn hình còn dẫn đến hàng loạt vấn đề thể chất nghiêm trọng. Các bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng nhiều, họ thường xuyên gặp phải triệu chứng đau cổ, vai, lưng, thậm chí là tình trạng thoái hoá khớp. Chưa kể, việc ít vận động còn làm tăng nguy cơ béo phì và suy giảm thị lực. Hiện nay, bệnh viện chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp điều trị cho nhóm đối tượng này, điều này cho thấy mức độ tác hại của việc lạm dụng công nghệ”.

Cô Trần Ngọc Trân, giáo viên Trường THPT Tân Ðức (xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi), không khỏi lo lắng: “Nhiều học sinh bây giờ khó tập trung trong giờ học, các em đang học bài mà cứ liếc nhìn điện thoại, thậm chí có em còn kiểm tra tin nhắn ngay giữa giờ học. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Tôi nhắc nhở nhiều lần mà các em vẫn chưa thay đổi”. Theo cô Trân, thói quen gắn liền với điện thoại không chỉ khiến học sinh giảm khả năng tiếp thu kiến thức mà còn tạo ra một vòng luẩn quẩn, càng sử dụng nhiều các em càng dễ bị xao nhãng, kéo theo sự sa sút cả trong học tập lẫn đời sống tinh thần.

Sống trong thời đại số, công nghệ là không thể thiếu, nhưng thay vì để nó điều khiển, hãy học cách biến công nghệ trở thành công cụ phục vụ cuộc sống của bạn. Và hơn ai hết, các bạn trẻ là những người đang xây dựng tương lai của mình, cần học cách làm chủ công nghệ để bảo vệ sức khoẻ thể chất và tinh thần, xây dựng một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.


Một số biện pháp để điều chỉnh thói quen phụ thuộc vào màn hình, theo khuyến cáo củaWHO:

Thứ nhất, hãy đặt ra thời gian sử dụng hợp lý. Thay vì dành hàng giờ liền cho màn hình, hãy thử áp dụng nguyên tắc “20-20-20”, cứ mỗi 20 phút nhìn vào màn hình, hãy rời mắt khỏi nó và nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6 m) trong 20 giây để thư giãn.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động ngoài trời. Việc tham gia thể thao hoặc các hoạt động cộng đồng không chỉ giúp cân bằng tâm lý mà còn cải thiện thể chất.

Thứ ba, cần có sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Các bậc phụ huynh nên tạo ra những giờ “không công nghệ” trong gia đình để khuyến khích con trẻ tham gia các hoạt động thực tế. Các trường học có thể tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng thiết bị điện tử và cách sử dụng chúng một cách lành mạnh.


 

Việt Mỹ

 

Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sáng nay (9/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau.

Họp đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, sáng nay (8/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tổ chức họp triển khai công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Can thiệp sớm trẻ chậm nói

"Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...", Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Ðồng hành can thiệp sớm trẻ có vấn đề phát triển

Ở nước ngoài, các gia đình có trẻ gặp vấn đề về phát triển rất quan tâm và nhiệt tình tham gia các nhóm hỗ trợ để thay đổi năng lượng của bản thân, muốn được cung cấp năng lượng tích cực cũng như những kiến thức hữu ích nhằm giúp trẻ nhỏ điều trị bệnh, hoà nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với văn hoá Á Ðông như ở Việt Nam nói chung và các tỉnh xa xôi như Cà Mau nói riêng, vấn đề này khá nhạy cảm, khiến các bậc phụ huynh khó thể mở lòng chia sẻ. Nếu cha mẹ không vững vàng thì việc điều trị bệnh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Tổ chức phi lợi nhuận "Sống cùng tự kỷ" đã kết hợp với Tổ chức phi lợi nhuận "Y học cộng đồng" tổ chức nhóm tương trợ phụ huynh, dành cho gia đình của trẻ có vấn đề về phát triển.

Hướng tới phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, vào chiều 3/1/2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, mặc dù bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, trong năm 2024 kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 cũng được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng sốt giá.

Chủ động tầm soát lao trong cộng đồng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 về số người mắc bệnh lao. Sau 2 năm Chương trình Phòng, chống lao quốc gia gián đoạn vì dịch Covid-19, số lượng người bệnh trong cộng đồng đang có xu hướng tăng cao. Phòng, chống lao từ thế bị động sang chủ động chính là giải pháp cấp thiết mà ngành y tế Cà Mau nỗ lực thực hiện để đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Bệnh phát ban dạng sởi tăng đột biến

Những ngày gần đây, số ca mắc bệnh phát ban dạng sởi trên địa bàn huyện Cái Nước tăng đột biến, mỗi ngày đều có trẻ nhập viện điều trị nội trú, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát bệnh trong cộng đồng và trường học. Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ.

Phục hồi chức năng - Tăng niềm tin

Trong xu thế phát triển của phục hồi chức năng (PHCN) hiện đại, việc vận hành mô hình PHCN đa chuyên ngành đang được nhiều cơ sở y tế cả nước áp dụng, bao gồm các chuyên ngành: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu. Năm 2024, Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau đã áp dụng rộng rãi mô hình này.

Tập huấn kỹ năng chăm sóc tại nhà cho nạn nhân da cam

Sáng ngày 23/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh phối hợp Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam tổ chức Lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc tại nhà cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) năm 2024.