ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 02:48:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tìm nguyên nhân tụt hạng Chỉ số PAPI

Báo Cà Mau Theo kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023, tỉnh Cà Mau thuộc nhóm thấp nhất, với 40,10 điểm, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc so với năm 2022, đứng thứ 12 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là lần sụt giảm mạnh của tỉnh đối với chỉ số này.

Chỉ số PAPI được xác định theo 8 chỉ số nội dung, với 28 nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu chính. Theo đó, tỉnh có 2/8 chỉ số nội dung cải thiện điểm; 6/8 chỉ số nội dung tụt giảm điểm so với năm 2022.

Biểu đồ 8 chỉ số nội dung PAPI năm 2023 so với cùng kỳ.

Trong kết quả 8 chỉ số nội dung, đáng chú ý là chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” thuộc nhóm thấp nhất, đạt 3,80/10 điểm, đứng vị trí 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số nội dung thành phần “Tri thức công dân - sự hiểu biết về vị trí lãnh đạo" đạt 24,84%; tiêu chí “Tỷ lệ người dân có cơ hội tham gia vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đoàn thể” đạt 10,50%.

Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” đứng thứ hạng 58/63 tỉnh, thành, giảm 24 bậc so với năm 2022. Trong đó, chỉ số thành phần đạt thấp nhất là "Tiếp cận thông tin". Cụ thể, tỷ lệ người trả lời cho biết đã tìm kiếm thông tin về chính sách, pháp luật từ chính quyền địa phương đạt 9,98%; tỷ lệ người trả lời cho biết đã nhận được thông tin chính sách, pháp luật từ chính quyền địa phương chỉ đạt 8,11%. Ðặc biệt, đối với nội dung "Công khai danh sách hộ nghèo", có tới 55,4% người cho rằng có những hộ thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo. Cũng ở chỉ số này, theo khảo sát, chỉ có 15,85% người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương.

Qua kết quả cũng cho thấy, chỉ số giảm bậc nhiều nhất trong 8 chỉ số nội dung là Chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, giảm tới 38 bậc so với năm 2022, đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân được chỉ ra rằng, tất cả 3 chỉ số thành phần, gồm: Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền; Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; Tiếp cận dịch vụ tư pháp, đều được người dân đánh giá chưa cao.

Bên cạnh đó, đáng ghi nhận là Chỉ số nội dung “Quản trị môi trường” tăng 7 bậc, thuộc nhóm trung bình cao, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, nội dung "Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; Chất lượng không khí" tăng điểm, song nội dung "Chất lượng nước" lại được đánh giá chưa cao.

Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” được xếp trong nhóm trung bình thấp, đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố, giảm 22 bậc. (Ảnh: Giải quyết TTHC đất đai tại Bộ phận Một cửa UBND TP Cà Mau).

Nêu lên nguyên nhân, một số khó khăn, hạn chế về kết quả Chỉ số PAPI, bà Lê Thị Kim Chung, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh, cho biết: “Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt các nội dung về đánh giá, đo lường các chỉ số nội dung thành phần. Công tác tuyên truyền, thông tin về Chỉ số PAPI đến người dân chưa thực hiện tốt; sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định ở cấp cơ sở chưa cao".

Bà Dương Thu Hiền, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông tin, tại tỉnh Cà Mau, Chỉ số PAPI thực hiện khảo sát 246 người dân trên địa bàn TP Cà Mau và huyện Thới Bình, huyện Trần Văn Thời. Theo đó, mỗi huyện chọn 2 xã, phường; mỗi xã, phường chọn 2 ấp, khóm; mỗi ấp, khóm chọn 25 người khảo sát bằng những câu hỏi trực tiếp. Qua nắm tình hình, nội dung khảo sát xoay quanh vấn đề quy chế dân chủ khóm, ấp; lĩnh vực bầu cử; cách thức đi làm giấy khai sinh, khai tử; khám sức khoẻ tại bệnh viện công/tư nhân; thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND các cấp, thái độ công chức...

Qua đó, bà Hiền đánh giá, chỉ số này chưa mang tính bao quát; có những câu hỏi mang tầm cao, người dân khó hiểu hết được... Với số lượng này chưa thể đánh giá tổng thể, toàn diện của một tỉnh. Cần có sự kiến nghị nâng cao hiệu quả chất lượng khảo sát.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ðức Tiến, Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HÐND tỉnh: “Chúng ta cần nhìn nhận lại kết quả này. Bởi, các tỉnh, thành cả nước đều thực hiện, lấy số lượng khảo sát tương tự như Cà Mau, đều mang tính đại diện chung. Ðồng ý là có những câu hỏi ở đây rơi vào những người dân không trực tiếp tham gia thì bản thân họ không trả lời được, nên cho ra kết quả không như mong muốn. Tuy nhiên, có những câu hỏi sẽ rơi vào tất cả người dân, nhất là đội ngũ trí thức. Do đó, khi phân tích chỉ số này cần có sự phân loại ra, xem rơi vào nhóm nào để có sự điều chỉnh, giải pháp cho phù hợp".

“Việc lập danh sách, việc phối hợp là do chúng ta thực hiện. Do đó, sắp tới, ngoài giải pháp chung, cũng xác định xem những đối tượng nào tác động vào những vấn đề này để cải thiện”, ông Tiến nói thêm.

Với sự tụt hạng sâu Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương, các ngành có liên quan rà soát, đánh giá lại nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến giảm chỉ số này; xác định đâu là vấn đề cần kiến nghị đơn vị khảo sát, đâu là vấn đề cần nhìn nhận, chấn chỉnh.

“Rõ ràng, sự phối hợp đầu vào chưa chặt chẽ. Vấn đề này đã khảo sát nhiều năm, các nội dung câu hỏi khảo sát cũng cơ bản. Do đó, cần lựa chọn đối tượng phù hợp, có sự hiểu biết. Trước khi chọn lựa cần nói rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc khảo sát để dân hiểu, nắm bắt mức độ ảnh hưởng việc khảo sát cũng như tính chất quan trọng của cuộc khảo sát này”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo, các đơn vị, địa phương cần phải có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh ngay các vấn đề dân đã phản ánh trong cuộc khảo sát. Nhất là việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách; trong cấp quyền sử dụng đất; lĩnh vực công chứng; môi trường; quản trị điện tử... để cải thiện tốt hơn các chỉ số nội dung./.

 

Hồng Nhung

 

Công tác hộ tịch ngày càng nâng chất

Toàn tỉnh có 111 công chức làm công tác hộ tịch. Ðể thực hiện tốt công tác đăng ký hộ tịch, tỉnh đã quan tâm đầu tư, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn, như mỗi công chức làm công tác hộ tịch được bố trí 1 bộ máy vi tính, máy in, máy quét (scan), toàn bộ đều được kết nối Internet.

Tạo sự hài lòng cho người dân

Với mục tiêu, phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, việc triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Ðề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại những tiện ích lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm thay đổi căn bản nền hành chính thủ công sang môi trường điện tử hiện đại, tạo được sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Cải tiến, sáng tạo để phục vụ Nhân dân tốt hơn

“Công việc nhiều hơn, thiết bị và công nghệ được đầu tư hiện đại, con người làm việc được tinh gọn, theo đó cần thay đổi nhận thức, phương pháp làm việc, có nhiều cải tiến, sáng tạo… để việc thực thi nhiệm vụ được đảm bảo vì mục tiêu phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn”, ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, trưởng Đoàn công tác của HĐND tỉnh giám sát cải cách hành chính về hộ tịch tại huyện U Minh, sáng 01/11, nhấn mạnh.

Xoá rào cản giữa chính quyền và người dân

Với quyết tâm hướng về người dân để cải thiện Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC), chính quyền các cấp trong tỉnh chủ động triển khai nhiều mô hình, sáng kiến phù hợp, đã mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), góp phần loại bỏ rào cản giữa công dân với chính quyền địa phương, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Ðiển hình như xã Khánh An, huyện U Minh.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân tin tưởng và hài lòng

Tiếp tục chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đối với công tác Cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ngày 31/10, đồng chí Lê Thị Nhung, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Năm Căn về công tác này.

Cần đổi mới và cải tiến hơn trong cải cách hành chính lĩnh vực hộ tịch

“Chuyển đổi số trên các lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, đi sâu vào đời sống xã hội, trong đó có cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt trên lĩnh vực hộ tịch. Đã qua, chúng ta đã có nhiều chuyển biến, phần nào đã tạo được sự tin tưởng, hài lòng của người dân, nhưng theo yêu cầu phát triển công nghệ số, trước thực tiễn xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa, có thêm nhiều cải tiến, đổi mới…”, ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế (HĐND tỉnh), trưởng đoàn công tác HĐND tỉnh, nêu tại buổi khảo sát của HĐND tỉnh về CCHC trên lĩnh vực hộ tịch ở huyện Thới Bình, sáng 31/10. 

Cần giải pháp, sáng kiến tạo đột phá

Ðoàn kiểm tra Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh năm 2024 vừa kiểm tra công tác CCHC tại Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ghi nhận kết quả đạt được và góp ý, chỉ ra nhiều vấn đề cụ thể để công tác này tại các đơn vị đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tạo nền tảng cho chính quyền số

Quyết liệt, kịp thời, thông suốt, là quyết tâm của TP Cà Mau trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Ðến nay, địa phương đã hoàn thành 20/23 nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch năm, đạt 87%. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh áp dụng những giải pháp, sáng kiến mới nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện CCHC, phát triển chính quyền điện tử - nền tảng vững chắc hướng tới chính quyền số.

Khánh Hội nâng chất lượng phục vụ

Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) được xã Khánh Hội, huyện U Minh, tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện trên các nội dung về cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính, cải cách tài chính công, hiện đại hoá nền hành chính Nhà nước. Ðặc biệt, xã luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhất là thực hiện rà soát, đơn giản hoá TTHC và nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chú trọng mức độ hài lòng

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không ngừng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và đạt hiệu quả cao. Từ đó, giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.