(CMO) Với những đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy, sau 1 học kỳ đưa vào sử dụng chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, qua ghi nhận, một số trường trên địa bàn tỉnh đạt được những tín hiệu khả quan.
Năm học 2020-2021, toàn ngành giáo dục nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Tạm gác lại những tranh cãi, băn khoăn xung quanh các bộ sách và những khó khăn ban đầu, phải thẳng thắn nhìn nhận, sau hơn 1 học kỳ bắt nhịp cùng chương trình mới, những cải cách về nội dung một số bộ sách đưa vào sử dụng được nhiều giáo viên đánh giá cao.
Biến khó khăn thành động lực
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là thời điểm triển khai bộ sách, năm học 2020-2021, ngành giáo dục cả nước phải đối mặt với những ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Việc đến trường của học sinh bị gián đoạn trong thời gian dài, đặc biệt ở khối lớp 1, các em mất đi 1 tuần đệm để rèn luyện nền nếp như những năm học trước đây. Thế nên, bên cạnh việc thích nghi với bộ sách mới, trong năm học này, chuyện ổn định trường lớp cũng khiến các thầy cô vô cùng vất vả.
Trường Tiểu học Trần Thới 1 (huyện Cái Nước) với đặc thù là trường vùng sâu, đến thời điểm này, thầy Lê Thanh Tịnh (hiệu trưởng nhà trường) vẫn vô cùng trăn trở về vấn đề thiếu SGK và thiết bị dạy học cho khối lớp 1: “Thời gian đầu năm học, việc tiếp cận mua sách cho học sinh rất khó khăn, đa phần phụ huynh đều nhờ nhà trường đặt giúp, đến khi đặt mua được thì đơn vị cung cấp sách lại giao không đủ số lượng, trường phải photo sách cho các em học. Thiết bị dạy học cho lớp 1 đến nay vẫn chưa có, bắt buộc học kỳ vừa qua giáo viên phải dạy “chay”".
Giờ lên lớp của học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Trần Thới 1, huyện Cái Nước. |
Lựa chọn bộ sách lớp 1 “Cùng học để phát triển năng lực” làm sách chủ đạo để giảng dạy, nhờ làm tốt các khâu chuẩn bị từ đầu năm học, công tác triển khai giảng dạy bộ sách mới tại trường đang được thực hiện khá thuận lợi.
Cô giáo Ðặng Mộng Thuỳ, Trường Tiểu học Trần Thới 1, chia sẻ: “Ban đầu việc phải lựa chọn nhiều bộ sách khiến chúng tôi thực sự hoang mang. Ðể khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học, ban giám hiệu nhà trường chủ động tổ chức các cuộc thi làm thiết bị dạy học. Mỗi giáo viên chúng tôi cũng trực tiếp liên hệ với các phụ huynh hướng dẫn tài liệu trên các trang mạng để ôn luyện thêm cho các em sau mỗi giờ lên lớp”.
Hiện Trường Tiểu học Trần Thới 1 có 3 lớp 1, tổng số 80 học sinh. Ðiều kiện gia đình mỗi em mỗi khác, nhưng phần lớn cha mẹ đều đi làm xa, các em ở với ông bà. Chuyện kèm học ở nhà để các em vững kiến thức khi lên lớp cũng là vấn đề khiến nhiều thầy cô trăn trở.
Ðể đảm bảo chất lượng của chương trình, học sinh khối lớp 1 được bố trí đảm bảo 100% học 2 buổi/ngày, có 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc.
Theo các giáo viên trực tiếp giảng dạy, chương trình năm nay khá hay và tăng số tiết luyện đọc, luyện viết. “Với nội dung bài học phong phú, không đi theo lối mòn, trình bày đẹp mắt, bộ sách mà nhà trường lựa chọn cũng nhận được sự đồng tình cao từ phụ huynh. Bằng tất cả mọi nỗ lực, cùng tâm huyết của thầy cô, chúng tôi cố gắng biến những điểm khó thành nội lực, chủ động tiếp cận chương trình mới, khắc phục bất cập từ học kỳ I để phấn đấu hoàn thành tốt học kỳ II”, thầy Lê Thanh Tịnh cho biết thêm.
Các em học sinh háo hức sử dụng đồ dùng trực quan trong giờ học. |
Những phản hồi tích cực
Mặc dù còn nhiều băn khoăn, nhưng sau thời gian đưa bộ sách lớp 1 áp dụng vào dạy và học, những phản hồi tích cực từ chính thầy cô trực tiếp đứng lớp giảng dạy được xem như tín hiệu đáng mừng.
“Ðây là một bộ sách hay”, đó là lời khẳng định chung của các thầy cô giáo sau khi trải qua một học kỳ giảng dạy cho học sinh. Ðặc biệt, hoạt động trải nghiệm là một trong những nội dung bắt buộc trong chương trình học. Ðây được xem là một trong những điểm mới mà theo nhiều thầy cô đánh giá, qua mỗi tiết học học sinh hứng thú hơn. Phương pháp giảng dạy cũng được đổi mới theo hướng mở rộng, phân hoá học sinh.
“Tôi cảm thấy nội dung bài học rất phong phú, không đi theo lối mòn, phù hợp với từng vùng miền. Nội dung sách không còn bắt các em phải học vẹt, học thuộc lòng”, cô Ðặng Mộng Thuỳ cho biết.
Ðối với môn Tiếng Việt, nhiều giáo viên cho rằng việc tổ chức tiết dạy được thực hiện khá linh hoạt. Hoạt động trao đổi, giao lưu giữa thầy và trò diễn ra thường xuyên, giúp học sinh lĩnh hội bài giảng nhanh hơn.
Cô Nguyễn Cẩm Trúc, giáo viên Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2 (huyện Cái Nước) chia sẻ: “Ðối với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chúng tôi không yêu cầu các em đọc tốt, viết đẹp, quan trọng dạy tới đâu học sinh học tốt đến đó, riêng với môn Tiếng Việt chúng tôi thấy phấn khởi khi các em biết đọc, biết viết nhanh”.
Tương tự, ở các môn học khác, để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và hứng thú với bài giảng, ngoài nghe giảng trực tiếp, một số tiết học còn được tổ chức bằng hình thức thảo luận và làm bài tập nhóm khá sôi nổi.
Thầy Trương Văn Ây, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn sẽ thống nhất sử dụng 1 bộ sách cho toàn tỉnh, để việc tập huấn chuyên môn được dễ dàng hơn, đồng thời sẽ đảm bảo được trang thiết bị dạy và học”.
Hiện nay, huyện Cái Nước đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, cơ bản đảm bảo về phòng học cho hoạt động giáo dục lớp 1. Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Cái Nước Trần Quốc Trí cho biết: “Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh thì việc đảm bảo cơ sở vật chất, đầu tư, bổ sung trang thiết bị dạy và học được huyện tập trung thực hiện”./.
Hữu Nghĩa