(CMO) Phía sau những kết quả tích cực của ngành giáo dục Cà Mau trong quá trình sáp nhập, tinh gọn mạng lưới trường lớp, vẫn còn đó những lo toan. Đó là những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nhưng lượng học sinh trên lớp đông hơn nhiều so với quy định. Đó là tỷ lệ chưa cân xứng của 6,38% số trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo dạy bán trú. Vẫn còn đó nhiều trường tiểu học chưa thể đảm bảo giảng dạy 2 buổi/ngày.
Theo các văn bản hiện hành, sĩ số lớp học ở cấp tiểu học được quy định không quá 35 học sinh. Thế nhưng hiện tại, mức sĩ số bình quân ở cấp tiểu học tại Cà Mau là hơn 40 em/lớp, thậm chí có nhiều trường đến 50 em/lớp (địa bàn TP Cà Mau). Thực tế này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chất lượng dạy và học.
Lớp học quá đông
Chưa đầy 2 năm thực hiện chủ trương xoá điểm trường lẻ, tinh gọn trường lớp học, nhiều ngôi trường tiểu học “danh tiếng” ở Cà Mau phải hứng chịu cảnh tăng sĩ số lớp học cao hơn gấp nhiều lần so với quy định.
Hiện có trường tiểu học có đến 7 lớp sĩ số học sinh đông vượt ngưỡng tới 50 em/lớp, còn lại trung bình trên 40 em/lớp, tập trung chủ yếu địa bàn TP Cà Mau. Do sĩ số cao hơn quy định và quy chuẩn phòng học nên nhiều trường phải kê thêm các dãy bàn học đến sát bục giảng, làm thu hẹp khoảng cách từ bàn học đến bảng, không đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, thực trạng này còn ảnh hưởng lớn đến nhiều chuẩn khác như ánh sáng, không gian, bàn học...
Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Tấn Nguyên cho biết: “Hiện nay, học sinh một số điểm trường, lớp học sĩ số cao hơn so với quy định là do ảnh hưởng của việc xoá các điểm trường lẻ, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Ông Nguyên còn cho biết thêm, hiện nay, trường có sĩ số học sinh nhiều nhất từ 52-53 em/lớp, gồm các trường: Tiểu học Nguyễn Tạo (Phường 2), Tiểu học Phan Ngọc Hiển (Phường 2), Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Phường 5) và Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8). Bên cạnh đó, vẫn còn trường có sĩ số học sinh thấp như: Tiểu học Khánh Hải, Tiểu học Khánh Bình Đông và Tiểu học Lợi An, thuộc huyện Trần Văn Thời. Các trường này có lớp chỉ 13 em.
Như vậy, sự bùng nổ sĩ số chủ yếu chỉ diễn ra ở khu vực đô thị. Lý giải vấn đề này, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Cà Mau Lê Minh Trí cho hay: “Sau xoá điểm lẻ, sắp xếp lại trường, lớp học, tỷ lệ bình quân học sinh tiểu học trên lớp của thành phố đạt yêu cầu 33 học sinh/lớp. Tuy nhiên, đó là cách tính chia trung bình cộng. Nếu xét ra từng trường, lớp cụ thể thì có nơi trường ít lớp, lớp ít học sinh (dưới 33 em), nhưng cũng có lớp đông học sinh (vượt 33 em). Thậm chí có trường sĩ số lớp học trên 50 em. Vấn đề này đang đặt ra khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục địa phương”.
Sĩ số cao nên phòng học rất chật chội, bàn học sinh phải kê lên tận bục giảng. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi). |
Nhiều lãnh đạo nhà trường ở TP Cà Mau không khỏi băn khoăn: Vẫn là cơ sở vật chất xây dựng trước đây, hầu như không có gì thay đổi so với khoảng thời gian trước và sau thực hiện chủ trương tinh gọn trường, lớp học. Nhưng giờ thì sĩ số học sinh trên lớp tăng lên nhiều lần so với trước.
Điểm nghẽn của phát triển chất lượng
Lý giải về những điểm trường sĩ số học sinh tăng đến 50 em/lớp, ông Lê Minh Trí cho hay: “Đó là những điểm trường “nóng”, ở địa bàn ít trường tiểu học và do ảnh hưởng của tăng dân số cơ học, hoặc do trường đang nâng cấp, sửa chữa...”.
Lớp đông, trong khi quản lý lớp cũng chỉ 1 giáo viên; Giờ học trên lớp cũng chỉ 45 phút và mỗi tuần cũng 35 tiết theo quy định. Do đó, việc kiểm tra bài cũ, kiểm tra bài tập của học sinh rất khó khăn, gây sức ép không nhỏ đối với giáo viên.
Thậm chí, có giáo viên vì muốn chất lượng của lớp duy trì và đảm bảo kiểm tra được bài của tất cả học sinh nên đã bàn cùng phụ huynh đưa con em đến lớp sớm hơn giờ quy định. Việc xem vở học sinh, kiểm tra bài đôi khi giáo viên còn “sáng kiến” để học sinh kiểm tra chéo lẫn nhau rồi báo cáo giáo viên chủ nhiệm.
2 trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Phường 5) và Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8) là những trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nhưng sĩ số học sinh cũng cao hơn so quy định. Theo cách tính của ngành giáo dục và lãnh đạo trường, sĩ số trung bình của 2 trường này hơn 40 em/lớp. Vẫn còn tồn tại những lớp sĩ số 47-50 học sinh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Phường 5) Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Nguyên nhân sĩ số đông ngoài các tác động khách quan về dân số, địa bàn tuyển sinh, còn thêm áp lực chuyển trường, chọn lớp của phụ huynh vào đầu mỗi năm học. Chính vì thế, hiện nhà trường tuy tổ chức giảng dạy tốt nhưng vẫn chưa đảm bảo về chuẩn quy định. Ngay cả chuẩn quốc gia mức độ 1 đã đạt từ năm 2014 nhưng giờ kiểm tra lại chưa chắc đảm bảo”.
Ở Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8) cũng vậy, Hiệu trưởng Nguyễn Kim Hợi chia sẻ: “Cơ số học sinh tăng trong một lớp học còn do phụ huynh chọn lớp cho con. Chính vì trường thực hiện bán trú có chất lượng nên từ đầu năm học, phụ huynh đăng ký cho con mình vào học các lớp bán trú. Nhưng sau khi năm học bắt đầu khoảng hơn 1 tháng thì có sự xáo trộn. Nhiều phụ huynh xin chuyển lớp cho con vì lý do trẻ không quen ăn, nghỉ theo thời gian bán trú… Lý do này buộc nhà trường phải điều chỉnh. Và khi điều chỉnh theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh thì những lớp không bán trú có hiện tượng tăng sĩ số”.
"Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu là một trong những ngôi trường có quy mô, chất lượng đứng đầu ngành giáo dục thành phố và cấp tiểu học của tỉnh Cà Mau. Mục tiêu hướng đến chuẩn quốc gia mức độ 2 của nhà trường đã đề ra từ lâu, nhưng đến nay vì áp lực sĩ số vẫn chưa đạt được. Trường chỉ có thể đạt khi kiểm soát được sĩ số học sinh”, thầy Hợi trần tình./.
Phong Phú
Bài 2: thêm phòng học, “tháo” điểm nghẽn