(CMO) Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện U Minh Nguyễn Hữu Luân cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực từ xã hội để đầu tư sự nghiệp giáo dục. Đến nay, hệ thống mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ từ bậc mầm non đến THCS.
Việc sắp xếp trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện là chủ trương lớn của Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện U Minh, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ cấu hệ thống trường lớp theo hướng tinh gọn, tập trung, xoá các điểm trường nhỏ, gần các trường khác trong cùng đơn vị xã, thị trấn, xoá dần các điểm lẻ, gom học sinh về học ở các điểm trường chính để thụ hưởng các điều kiện học tập tốt hơn.
Từng bước ổn định trường lớp
Thầy Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trịnh Minh Hưởng, xã Nguyễn Phích, chia sẻ, điểm trường Kinh 93 có 2 lớp với 23 học sinh của 2 khối lớp 3 và 5, bình quân mỗi lớp không quá 12 học sinh. Từ đó, trong năm học 2019-2020 đã ghép về Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Khánh Lâm. Đồng thời, điểm trường Kinh 31 có 2 lớp với 21 học sinh sẽ chuyển đến Trường Tiểu học Huỳnh Quảng, xã Nguyễn Phích. Bước đầu việc sắp xếp, ghép các điểm lẻ gặp rất nhiều khó khăn đến từ các bậc phụ huynh, nguyên nhân là quãng đường từ các điểm trường cũ đến các điểm ghép khoảng 4-5 cây số. Tuy nhiên, qua sự tuyên truyền, vận động, phân tích của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ.
Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Khánh Hội tiến đến đạt chuẩn quốc gia năm 2020. |
Ông Nguyễn Hữu Luân thông tin: "Dự kiến trong năm học mới 2020-2021, huyện tiếp tục xoá Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên gần 400 học sinh, với 12 lớp học, ghép vào Trường Tiểu học Thái Văn Lung, tại thị trấn U Minh (2 trường cách nhau khoảng 1.200 m). Sau khi ghép, Trường Thái Văn Lung có gần 1.000 học sinh. Về cơ sở vật chất, UBND huyện đầu tư trên 5 tỷ đồng, đang triển khai xây dựng mới thêm 6 phòng học, 3 phòng chức năng, khu nhà vệ sinh giáo viên, hệ thống phòng cháy chữa cháy nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của trường.
Khi triển khai sắp xếp ghép trường, có nhiều phụ huynh và giáo viên chưa đồng tình theo phương án sáp nhập Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên vào Trường Tiểu học Thái Văn Lung. Trước tình hình trên, UBND thị trấn phối hợp với Phòng GD&ĐT, các ngành, đoàn thể tổ chức tiếp xúc với phụ huynh và giáo viên, phân tích rõ chủ trương sáp nhập trường lớp. Hơn nữa, khoảng cách từ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên với chợ tự tiêu, tự sản chừng 100 m, không đảm bảo điều kiện an toàn về vệ sinh môi trường, mỹ quan trường học. Qua phân tích, đến nay các phụ huynh đều đồng tình cao.
Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự cho biết: "Để thực hiện tốt công tác sắp xếp trường lớp, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, chi bộ, trưởng ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, tinh gọn trường lớp. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn cấp trên đầu tư xây dựng công trình lộ nông thôn, các tuyến có nhiều học sinh thuộc điểm lẻ gom về điểm chính mà hiện nay điều kiện đi lại còn khó khăn. Đối với học sinh khó khăn, học sinh nghèo, vận động các cấp, các ngành, nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp để các em an tâm đến trường.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba cho biết: "Việc ghép điểm lẻ, đưa học sinh về điểm trung tâm, nơi có môi trường giáo dục tốt hơn là nhu cầu cần thiết. Huyện đang xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể qua từng năm. Xoá các điểm lẻ phải đảm bảo theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện địa lý của địa phương. Việc sắp xếp lại trường lớp, giáo viên huyện U Minh cố gắng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để đưa chất lượng giáo dục huyện nhà phát triển".
Tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Ông Nguyễn Hữu Luân cho biết: "Theo kế hoạch, năm 2020 huyện tập trung đầu tư xây dựng Trường Mầm non Bông Hồng và Trường THCS Lý Tự Trọng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Qua rà soát, đến thời điểm này 2 trường đạt gần 95% chuẩn quốc gia. Hiện nay, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện đấu thầu mua sắm thêm thiết bị 3 phòng bộ môn Trường THCS Lý Tự Trọng và xây dựng bếp ăn Trường Mầm non Bông Hồng. Dự kiến hoàn thành cuối năm nay để góp phần hoàn thành tiêu chí trường học, tiến đến xây dựng xã Khánh Hội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
"Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu đầu tư xây dựng, đến nay, huyện U Minh có 26/42 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 62% số trường. Hiện nay, huyện tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại các trường đạt chuẩn sau 5 năm. Phấn đấu khoảng 15% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 ở các cấp học; duy trì nâng cao tiêu chuẩn về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục; đầu tư 1 trường THPT trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tiêu chí huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới vào năm 2025", Trưởng phòng GD&ĐT huyện U Minh Trần Hoàng Lạc cho biết./.
Trọng Nguyễn