“Có cái chết hoá thành bất tử” Lời thơ Tố Hữu vẫn còn mãi với dân tộc Việt Nam mỗi khi nhắc đến những anh hùng, liệt sĩ. Máu những người con yêu của dân tộc không những tô thắm màu cờ Tổ quốc mà còn lưu chảy trong huyết quản biết bao thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhiều tháng qua, vợ chồng bà Phạm Thị Hồng Thê, Phường 1, TP Cà Mau, đại diện gia đình, tất bật lo việc xây dựng bức tượng anh trai ruột thứ ba là Liệt sĩ - Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Chí Hiền tại ngôi trường mang tên ông nơi quê nhà.
Bia tưởng niệm Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Chí Hiền tại Trường THCS Phạm Chí Hiền, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời. (Ảnh gia đình cung cấp). |
Phạm Chí Hiền sinh năm 1945, tại xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Song thân là ông Phạm Công Chánh (Ba Chánh) và bà Trần Thị Xứng. Thời điểm 1958-1960, Mỹ - Diệm điên cuồng tàn sát đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta. Chúng lê máy chém đến Cả Giữa, Khánh Bình Ðông chặt đầu anh Vệ và ông Ba Thợ. Chúng mổ bụng sống đồng chí Hai Tê tại vàm Lung Thuộc, mặc cho nạn nhân giãy giụa, la hét. Tại Chi khu Rạch Ráng, chúng đập đầu, hành quyết tế cờ 18 đồng bào, cán bộ ta. Tên Nguyễn Văn Bảy, Quận trưởng sông Ông Ðốc dẫn lính càn vào ấp Dà Dong, Tăng Mốc giết một lúc 27 người. Phẫn nộ trước hành động man rợ của quân thù, ngày 8/10/1959, hơn 700 đồng bào các xã trong huyện Trần Văn Thời đấu tranh trực diện tại Chi khu Rạch Ráng. Ðịch bắt chị Danh Thị Tươi đánh đập tàn nhẫn rồi cột vào ô bo chạy đến Ông Tự cho đến chết để thị uy. Tại quận sông Ông Ðốc trong vòng mấy tháng có gần 200 người bị địch sát hại. Ðảng bộ xã Khánh Bình Ðông lúc đình chiến có gần 300 đảng viên, thời điểm này chỉ còn hơn 50 đồng chí! (1).
Trước tình hình nêu trên, hàng loạt thanh niên các xã của huyện Trần Văn Thời vào rừng tổ chức vũ trang chiến đấu chống địch, trong đó có Phạm Chí Hiền. Dù tuổi còn rất trẻ nhưng ông vẫn xin vào đội du kích xã, do đồng chí Trần Văn Chư (Sáu Tiễn) phụ trách.
Ðến năm 1963, ông theo người cậu ruột là ông Trần Hùng Hải (Bảy Liêm), lên công tác tại Ban Cơ yếu Vô tuyến điện (VTÐ) Tây Nam Bộ, chuyên sửa chữa, lắp ráp nhiều bộ điện đài cung cấp cho chiến trường và tu sửa máy, chuyển điện sang cơ yếu; quay Ragono (quay đầu bò). Phục vụ Tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân 1968 dù phải làm việc suốt 24/24, thiếu ăn, mất ngủ, ông vẫn hăng say hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong trận quân Mỹ và chư hầu bao vây cụm điện đài của ta tại Kinh Ngang, Búng Tàu, Cần Thơ, ông cùng 2 đồng đội xung phong phá trùng vây mang điện đài 15W và đưa 20 cán bộ VTÐ về đến cơ quan an toàn trước nỗi vui mừng, xúc động của lãnh đạo và anh em trong cơ quan.
Ngày 6/1/1969, trong trận địch mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, ông được phân công cùng tổ cảnh giới bảo vệ cụm Ðiện đài và xưởng Vô tuyến điện Khu uỷ khu Tây Nam Bộ, tại kinh 19, Sông Trẹm, huyện Thới Bình, trong đó có trên 30 người gồm cán bộ và 12 thương binh. 13 giờ cùng ngày, 1 phi đội 5 trực thăng quần đảo và ném trái khói màu ngay xưởng và cơ quan. Dù ở cách xa 300 m, ông thét to: “Phải cứu xưởng, cứu thương binh!” và giương khẩu K44 liên tục nhả đạn vào quân thù. Hai chiếc trực thăng bốc cháy rơi cách trận địa 500 m. Ba chiếc còn lại phóng pháo, bắn phá cả khu vực. Ông chống trả quyết liệt với địch và anh dũng hy sinh. Viên đạn cuối cùng trong nòng súng, ông chưa kịp siết cò!
Trước sự hy sinh oanh liệt của ông, Ðảng uỷ Văn phòng Khu uỷ quyết định truy tặng bằng khen, nội dung ghi rõ: “Cơ quan Văn phòng Khu uỷ lần đầu tiên có một đồng chí hy sinh với tấm gương dũng cảm, xuất sắc nhất!”.
Văn phòng Khu uỷ phát động học tập tấm gương phi thường đặc biệt của ông và ngày 15/1/1969, tổ chức truy nạp đảng viên chính thức đối với ông. Ngày 30/1/2011, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 164 truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân với thành tích: tham gia đánh 45 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 105 tên, bức rút 3 đồn địch, bắn cháy 2 trực thăng. Riêng ông trực tiếp chiến đấu 20 trận, gài 100 hầm chông các loại, 50 quả mìn, lựu đạn và loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên địch, bắt sống 5 tên, bắn rơi 2 trực thăng. Ðây là danh hiệu duy nhất ngành Thông tin Vô tuyến điện Tây Nam Bộ. Cuối năm 2011, ngôi Trường Trung học cơ sở xã Khánh Bình Ðông được vinh dự mang tên ông…
Ðể xin được thủ tục xây dựng tượng Anh hùng liệt sĩ Phạm Chí Hiền trị giá hơn 100 triệu đồng, vợ chồng bà Phạm Thị Hồng Thê phải nhiều lần hoàn thành thủ tục và nhờ một doanh nghiệp ngoài Ðà Nẵng khởi công. Tượng đã tạc xong ngoài Ðà Nẵng, bục đã xây xong tại Trường THCS Phạm Chí Hiền, xã Khánh Bình Ðông, nhưng do dịch Covid kéo dài, mấy tháng nay không có chuyến xe nào từ Ðà Nẵng vào Cà Mau nên tâm nguyện của gia đình chưa hoàn thành.
Sự kiện trên đây giúp chúng ta hiểu thêm sự hy sinh và tấm lòng của người Cà Mau, hiểu thêm ý nghĩa của ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ðời đời những con người vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc ngã xuống sẽ không hề phôi pha trong tiềm thức dân tộc.
(1) Lịch sử Ðảng bộ Khánh Bình Ðông, trang 63
Trường Sơn Ðông