(CMO) Quyết định số 743/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tổ chức bán trú thuộc hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025 (Đề án 743), đã mở hướng đi mới cho tổ chức bán trú, đáp ứng mong mỏi của phụ huynh học sinh, từng bước nâng chất toàn diện nền giáo dục tỉnh nhà.
Qua giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, việc thực hiện tổ chức bán trú các trường thuộc hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tích cực; Mạng lưới trường lớp bán trú ngày càng được mở rộng, cơ bản đáp ứng phần nào nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Trong điều kiện thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, xoá điểm lẻ, các trường bán trú đã góp phần duy trì sĩ số học sinh, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học.
Đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội khảo sát tại Trường Mầm non Sơn Ca, xã Khánh An, huyện U Minh. |
Số lượng trường thực hiện bán trú tăng dần qua từng năm học, năm học 2018 -2019, giáo dục mầm non có 103 trường tổ chức bán trú, giáo dục phổ thông có 16 trường. Tuy nhiên, việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh về tổ chức bán trú còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Một số nội dung của Đề án 743 chưa phù hợp, nhất là nguồn kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh, các huyện, TP Cà Mau chưa có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về cơ chế tài chính phục vụ tổ chức bán trú ở các trường công lập. Các trường mầm non còn lúng túng trong vận động phụ huynh học sinh đóng góp các khoản kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, tiền ăn của học sinh, bồi dưỡng cho công tác quản lý, chăm sóc của giáo viên, nhân viên thực hiện bán trú. Đối với cấp tiểu học, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nên các trường tổ chức bán trú vận dụng theo những quy định của cấp học mầm non, do đó mỗi trường làm một kiểu, không thống nhất. Các khoản thu, bồi dưỡng cho công tác quản lý, chăm sóc của giáo viên, nhân viên thực hiện bán trú tại các trường cũng khác nhau.
Khó khăn của các trường hiện nay là thiếu kinh phí xây dựng các phòng chức năng phục vụ tổ chức bán trú, trong khi nhu cầu rất bức thiết. Trường Mầm non Hương Tràm, Phường 5, TP Cà Mau, trước đây đã có kế hoạch nâng cấp, xây mới thêm phòng chức năng để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, sau đó có chủ trương chuyển nhượng khu đất này cho Vincom nên dừng lại đến nay không thực hiện được, vì vậy trường hoạt động rất khó khăn; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Phường 5 và Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, Phường 2, TP Cà Mau, đã có quỹ đất nhưng chưa có kinh phí xây dựng, chưa xây được phòng ngủ, nhà bếp; Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, Phường 9, TP Cà Mau xuống cấp, diện tích chật hẹp; Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái, xã Khánh An, huyện U Minh tận dụng phòng chức năng làm phòng ngủ, dẫn đến thiếu điều kiện công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia...
Một khó khăn nữa của các trường là thiếu giáo viên, nhân viên, chế độ, chính sách chưa thoả đáng. Hiện nay, số lượng người làm việc tại các trường chưa đủ theo quy định, do đó các trường ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, theo năm học, hợp đồng thời vụ kể cả đối với giáo viên, hết thời hạn lại tiếp tục ký hợp đồng mới (cùng một người). Theo lý giải của các trường thì năm học chỉ có 9 tháng, nên ký hợp đồng trong vòng 9 tháng, 3 tháng (hè) còn lại không hợp đồng, không trả lương. Nhiều hợp đồng lao động thời vụ có thoả thuận về mức lương nhưng không theo quy định mức lương tối thiểu vùng, mà lại theo mức lương của hệ số (Nấu ăn: 1,0; Bảo vệ: 1,5; Giáo viên: 1,86).
Quy định về mức lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học rất bất hợp lý. Theo Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14//9/2015; Số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, giáo viên mới vào nghề được tính là giáo viên hạng IV, mức lương khởi điểm là 1,86, cho dù đã tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, các ngành, nghề khác nếu tốt nghiệp đại học thì lương khởi điểm là 2,34. Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành giáo viên mầm non mỗi ngày làm việc từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút để đón, trả trẻ, trông trẻ buổi trưa, vượt số giờ quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGD&ĐT ngày 25/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng nào khác.
Có thể thấy rằng, việc tổ chức bán trú vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là điều kiện tổ chức bán trú và các cơ chế chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất và chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên… Vì vậy, thời gian tới rất cần một kế hoạch cụ thể và chi tiết về tổ chức bán trú. Đồng thời, ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách cụ thể về vấn đề này, nhất là cơ chế, chính sách xã hội hoá, tạo điều kiện cho các trường hoạt động và tạo cơ chế thoáng để mở rộng mạng lưới trường bán trú đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời gian tới./.
Khả Thanh