(CMO) Ngày 19/12/1946 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại trong cuộc chiến giữ nước của dân tộc. Ðó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chống lại cuộc xăm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng của Ðảng và Nhân dân ta.
Tháng 8/1945, mới 15 tuổi, Ðảng đã lãnh đạo toàn dân tộc tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình (Hà Nội), Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam châu Á, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Giành độc lập đã khó, giữ được độc lập càng khó hơn gấp bội. Bởi, bọn đế quốc thực dân và bọn phản động đâu dễ để Ðảng và Nhân dân ta thuận lợi xây dựng đất nước. Chúng rắp tâm xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Ở miền Bắc, hàng trăm ngàn quân Tưởng trên danh nghĩa Ðồng minh tràn vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật, mang theo các đảng phái phản động hòng xoá bỏ chính quyền cách mạng còn non trẻ của ta. Ở miền Nam, quân Pháp được sự hậu thuẫn của quân đội Anh, chúng liên tục gây hấn, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Chúng quyết tâm một lần nữa đặt ách đô hộ lên đất nước ta.
Ðứng trước những nhiệm vụ lịch sử hết sức nặng nề, thù trong giặc ngoài quyết liệt chống phá. Miền Bắc thì nạn đói đang hoành hành dữ dội, hơn 90% dân số cả nước mù chữ, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Ðảng lường trước sẽ khó tránh khỏi cuộc chiến tranh với thực dân Pháp một lần nữa, nên đã tích cực chuẩn bị mọi mặt. Khẩn trương xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền các cấp, lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất nhằm giải quyết nạn đói; mở các lớp bình dân học vụ để chống mù chữ cho đồng bào. Bên cạnh đó, cả nước ráo riết chuẩn bị mọi điều kiện kháng chiến cứu quốc song song với tăng cường hoạt động ngoại giao để vừa tranh thủ sự công nhận của quốc tế, vừa kéo dài thời gian chuẩn bị kháng chiến. Bằng chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, được sự ủng hộ, đóng góp sức người, sức của của các tầng lớp Nhân dân trong cả nước, chúng ta đã đuổi được đội quân ô hợp của Tưởng Giới Thạch về nước và ký với thực dân Pháp các hiệp định, tạm ước, nhằm kéo dài thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến chống Pháp lần thứ hai, theo dự đoán sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.
Ngày 23/9/1945, chưa đầy một tháng sau ngày thành lập nước, trước sự khiêu khích, ngang ngược của kẻ thù, Nhân dân Nam Bộ đã phải nổ súng chặn bước xâm lăng của thực dân Pháp, chính thức bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp lần thứ hai.
Ngày 19/12/1946, trước tình thế không thể cứu vãn được, do sự kiên quyết phát động cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp, đêm 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo “Lời kêu gọi toàn quốc quốc kháng chiến”, và công bố trên sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam ngay sáng hôm sau.
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến tại các cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu |
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hịch cứu nước, là tiếng gọi của non sông, là lời thề “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn dân tộc. Cả nước cùng đứng lên, quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để Tổ quốc trường tồn cùng dân tộc, để xứng danh con Lạc, cháu Hồng. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thôi thúc toàn dân tộc nhất tề nổi dậy, đồng tâm hiệp lực dưới ngọn cờ của Ðảng, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, “máu trộn bùn non, gan không nản, chí không mòn” đã đem lại cho Việt Nam một chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, chấn động năm châu, buộc bọn thực dân phải cay đắng ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận sự chiến thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam lại bước sang một giai đoạn mới: miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc để miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vẫn còn vang vọng. Một lần nữa dân tộc Việt Nam cùng cả thế giới đang bước vào một cuộc chiến mới cũng không kém phần gian khó, hy sinh với một kẻ địch vô hình. Sự lãnh đạo kỳ quyết củaTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã khơi dậy trong toàn dân tộc một tinh thần “chống dịch như chống giặc” để chống lại căn bệnh thế kỷ.
Hào khí 75 năm toàn quốc kháng chiến vẫn đang toả sáng, đã và đang là niềm tin để dân tộc ta tiếp tục chiến thắng tất cả kẻ thù. Ðó là phẩm chất, là trí tuệ, là bản lĩnh của một dân tộc với bốn ngàn năm văn hiến!./.
Huỳnh Châu (tổng hợp)