(CMO) Sáng ngày 18/5, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành trong cả nước, nhằm sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (trái), cùng Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chủ trì điểm cầu Cà Mau. |
Tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Cà Mau, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chỉ trì.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ 2 để chuẩn bị cho công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; là cuộc tổng rà soát, chuẩn bị tốt cho ngày hội non sông; ngày trọng đại và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tất cả phải tập trung toàn lực, làm sao để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân”.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, bầu lấy 500 đại biểu.
Về bầu cử HĐND các cấp: cấp tỉnh có tổng số đại biểu bầu theo luật định là 3.726 người, tổng số người ứng cử là 6.199 người; cấp huyện có tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 22.952 người, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người; cấp xã tổng số đại biểu bầu theo luật định là 242.312 người, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người.
Theo thống kê, toàn quốc sẽ có 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Đến ngày 3/5/2021, các tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, ứng cử đại biểu HĐND các cấp theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ luật định.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, theo Ban Chỉ đạo Hội đồng Bầu cử quốc gia, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có phương án xử lý, bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện được thực hiện quyền bầu cử.
Tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc các biện pháp phong toả, không thể tổ chức hình thức tập trung để tiếp xúc cử tri (TXCT) thì linh hoạt tổ chức các hoạt động TXCT trực tuyến, vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… đảm bảo tất cả các đại biểu ứng cử đều TXCT đủ số lượt theo luật định.
Tính đến 17h ngày 14/5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp. Qua nghiên cứu, tiểu ban đã chuyển các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đa phần các nội dung đơn thư có liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã; trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng…
15 tỉnh sẽ có một số khu vực, địa bàn tiến hành bỏ phiếu sớm. Tính đến thời điểm này, đã có 3 tỉnh đã có khu vực bỏ phiếu sớm.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương là lao động đi và đến khá đông, khó rà soát cũng như lập danh sách cử tri; đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng người về từ vùng dịch không khai báo y tế trung thực; người dân còn chủ quan; một số nơi còn chưa xây dựng phương án bảo vệ khu vực bỏ phiếu, hòm phiếu và đặc biệt là chưa có phương án phòng chống dịch Covid-19 khi có cử tri bị sốt hoặc phương án bỏ phiếu trong trường hợp cách ly.
Uỷ ban Bầu cử Trung ương chỉ đạo các uỷ ban bầu cử của 63 tỉnh, thành thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; hoàn thành các hội nghị TXCT và công tác vận động bầu cử; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào nội dung tiểu sử các ứng cử viên; nguyên tắc, quá trình bầu cử; tập huấn cụ thể, sâu sát cho các tổ chức bầu cử, nhất là tổ bầu cử.
Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương đặc biệt khó khăn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử; bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.
Rà soát lại phương án bảo vệ an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử; giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ; kiên quyết không để các thế lực thù địch phản động, lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử./.
Phú Hữu