(CMO) Ngày 19/4/1963, bộ phận đánh tàu của tỉnh Cà Mau do đồng chí Bảy Tuấn chỉ huy đã bố trí phía Rạch Bần (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) đánh chiếc tàu sắt (phum) của giặc từ tiểu khu An Xuyên (Cà Mau) chạy đi, phát lương cho quân bảo an nguỵ đóng ở đồn vàm Sông Ðốc.
Minh hoạ: MT |
Lúc 13 giờ cùng ngày, khi chiếc tàu này chạy trở về, liền bị ta chặn đánh bằng vũ khí tự tạo - đạn Bê-ta. Chiếc tàu sắt trúng đạn bị xé toang và chìm giữa dòng - phía dưới Rạch Bần 100 m. Bọn giặc đi trên tàu đã bị diệt, 3 tên còn sống tấp lên bờ phía xã Trần Hợi - đối diện Rạch Bần, đoạn chìm tàu.
Ngay lập tức, hơn 100 lực lượng du kích và dân công Ấp 1 (gồm Kinh Tư và Sáu Thước) xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, được huy động, triển khai tổ chức bao vây khu vực bên bờ Bắc Sông Ðốc, từ vàm kinh Sáu Thước lên tới kinh Sú Mên. Bị ta tập trung bao ví, trong 3 tên còn sống sót, có 2 tên chạy vuột khỏi vòng vây, một tên mò về tới quận Sông Ông Ðốc ở Chi khu Rạch Ráng, một tên nằm ém trong đám lá sát mé sông. Còn lại 1 tên đang bị ta bao vây chặt, hắn chính là trung uý Tám - thuộc công an Nam Phần, người vùng trên mới đổi xuống nên không biết đường tẩu thoát về quận.
Trong lúc lực lượng ta bao vây, phát hiện lần theo dấu giặc, tiến sát đến gần, đã bị tên công an Tám bắn hy sinh 2 chiến sĩ du kích - người ở xóm đầu kinh Sáu Thước vàm. Ðó là anh Nguyễn Văn Ngoạt, năm đó 18 tuổi, bị trúng đạn do tên Tám bắn lúc 15 giờ chiều, được ta chở đưa xuống Quân y khu Tây Nam Bộ (mật danh là K50) đóng ở kinh Ba Tĩnh (xã Khánh Hưng B) và đã hy sinh vào tối cùng ngày 19/4/1963 (nhằm ngày 26 tháng 3 năm Quý Mão); chú Nguyễn Văn Phước (Năm Phước) năm đó 36 tuổi, đã hy sinh tại chỗ ngoài rừng lá bờ Sông Ðốc vào lúc 17 giờ chiều ngày 19/4/1963.
Ngày sau, một đoàn tàu giặc trên 10 chiếc chạy xuống chi viện, hà hơi tìm kiếm đồng bọn, nhất là tên trung uý công an Tám. Nhưng chúng không sao tìm được tên sĩ quan cấp uý này, chỉ có tên giặc ém trong đám lá sát mé sông mừng húm nhào ra ngoắt tàu đã bị bọn giặc trên đoàn tàu hốt hoảng bắn chết gục sát mé sông.
Chiều ngày thứ ba, tên trung uý công an Tám lội vô xóm tìm kiếm chủ ấp… Hắn vô ngay nhà chú Chín Mít ở đầu kinh Sáu Thước vàm, hỏi xin cơm. Năm đó, chú Chín Mít 37 tuổi, dáng người vạm vỡ, thấy hắn có súng nên chú điềm tĩnh nói:
- Tôi là dân. Ðể tôi đưa ông đến nhà chủ ấp ăn cơm dễ hơn!
Chú sáng kiến nghĩ ra như vậy, chứ thực ra ở đây là vùng giải phóng, không có tay chủ ấp nào. Tên Tám ngoan ngoãn xuống xuồng. Chú Chín Mít chở hắn đến nhà chú Ba Ðàng là anh em bạn cột chèo, cách đó khoảng 100 m. Tên Tám cởi áo gói khẩu súng ngắn để dưới mũi xuồng, bước theo chú Chín Mít lên nhà. Khi tên Tám vừa lọt vào trong nhà, chú Ba Ðàng kịp hỏi:
- Cây súng mầy đâu?
Tên Tám giật mình quay ra, định chạy trở xuống bến đậu xuồng để lấy khẩu súng, liền bị 2 chú Chín Mít và Ba Ðàng nhào tới ôm vật hắn. Năm đó, tên Tám gần 30 tuổi, trắng trẻo, tốt người. Hắn nhịn đói khát 3 ngày nhưng sức chống cự còn rất mạnh. Cô Ba Níu, vợ chú Ba Ðàng cũng nhảy vào tiếp vật, bắt trói tên giặc lúc 19 giờ tối ngày 21/4/1963 và giải thẳng vô kinh Sáu Thước, đoạn hàng cồng. Ta thu khẩu súng ngắn Ru-lô “Xăng-chen đầu bạc” của tên Tám, còm nguyên 19 viên đạn, gồm 6 viên trong “trái khế” khẩu súng và 13 viên đạn rời.
Ông Trần Văn Hiệp (Chín Ðường) ở ngã tư Chín Rỗ (qua đời năm 2012) hồi đó là một trong những cán bộ lãnh đạo Xã uỷ Trần Hợi, trực tiếp hỏi cung tên trung uý công an Tám… Cho đến nay có người còn nhớ hắn chỉ lập luận rằng “chủ nghĩa ai nấy thờ…”. Ông Chín Ðường cho biết, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đến thời điểm đó, qua khai thác nhiều tên giặc đã bị ta bắt chưa gặp trường hợp nào như tên công an Tám này…
Sự kiện đánh chìm tàu giặc và bắt sống tên công an Tám đã được tác giả Hoả Tiễn, tức Nhà báo Nguyễn Mai viết thành bài vè sinh động từng chi tiết… Gần 60 năm trôi qua, số thanh thiếu niên ở kinh Sáu Thước thời đó, nay đều có sui gia, có cháu nội, cháu ngoại, cháu cố, nhưng nhiều người vẫn còn nhớ, còn thuộc bài vè đầy hấp dẫn này:
Trận đánh tàu sắt/ Chìm tại Rạch Bần/ Cả mấy chục thằng/ Ði chầu bà thuỷ/ Bảy tên cốt quỷ/ Không chịu theo luôn/ Mới nhảy ra chuồn/ Chém vè mé lá/ Bị ta truy nã/ Tóm cổ năm tên/ Hai sừ nằm êm/ Nhưng còn sống sót/ Ðêm ngày đói khát/ Muỗi cắn thấy bà/ Miệng khóc, cẳng bò/ Ra bờ nhóng đón/ Thấy bồ nó xuống/ Mừng húm mừng hum/ Bụng khoái, chân run/ Cổ la, tay ngoắt/ Ghé đây gấp gấp/ Tàu sắt rụng rồi/ Tao muốn đứt hơi/ Trời ơi, ghé gấp!/ Như bầy chết nhát/ Chúng núp hầm tàu/ Bắn súng ào ào/ Ðạn hao cả giạ/ Sừ ta trên lá/ Mê quá nhào lăn/ Le lưỡi, nhăn răng/ Cười bằng tiếng Mỹ/ Hi hi, hí hí…/ Có ông bạn uý/ Ém kỹ trong rừng/ Giấu súng vào lưng/ Mò đường ra xóm/ Co ro cóm róm/ Gặp bác nông dân/ Bộ hắn chắc ăn/ Cho rằng người tốt/ Chuyện khai ráo bốc/ Chuyện chết chẳng chừa/ Rồi mượn đưa đò/ Về đồn Rạch Ráng…/ Bác trai bảo hắn/ Lột cái áo vàng/ Gói súng nghi trang/ Khỏi nhà một lát/ Bác bèn nói gạt/ Ði mượn cặp chèo/ Bác gái cũng theo/ Rủ thêm anh nữa/ Ba người xúm vật/ Ạch ạch è è/ Bà ghị ông đè/ Lấy dây trói quắp/ Y run lập cập/ Tái mặt khai rằng/ Lính kính Nam Phần/ Trưởng công an quận/ Thằng này cững cựng/ Không chịu cười khì/ Khóc giọng Hoa Kỳ/ Hi hi, hí hí…
Nguyễn Minh