Tranh bút sắt là thể loại nghệ thuật đặc biệt trong hội hoạ, đặc trưng bởi việc sử dụng bút sắt (trong khi đó thường là bút chì, bút mực hoặc các dụng cụ bút màu để tạo ra những đường nét sắc sảo và chi tiết). Những tác phẩm tranh bút sắt thường tập trung vào các yếu tố như trắng, đen và đệm màu, tạo ra chiều sâu và tính chân thực đặc biệt.
Sau triển lãm thành công tranh bút sắt lần thứ nhất vào tháng 3, tháng 10 vừa qua, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm lần thứ hai, với chủ đề “Triển lãm bút sắt và bút sắt điểm màu”, tại Phòng Trưng bày Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, với 175 tranh và ký hoạ của 69 tác giả được trưng bày. Ðây là minh chứng rõ nét nhất về chất lượng, sự yêu thích của các hoạ sĩ đối với chất liệu bút sắt.
Cắt băng khai mạc “Triển lãm bút sắt và bút sắt điểm màu” tại Phòng Trưng bày Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Tại triển lãm, Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân - Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhận định: “Nhiều hoạ sĩ thành công trong tranh bút sắt cho thấy không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành một tác phẩm đẹp mà còn là khả năng tiến xa hơn, phát triển kỹ thuật và sáng tạo. Sau mỗi thành công, họ luôn có khát khao khám phá thêm các khía cạnh mới của tranh bút sắt, thử nghiệm với các phong cách và phương pháp mới để nâng cao tay nghề, đem lại những tác phẩm ấn tượng hơn”.
Việc Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm tranh bút sắt là cơ hội để giới thiệu rộng rãi những tác phẩm nghệ thuật này. Triển lãm không chỉ giúp công chúng hiểu rõ hơn về kỹ thuật vẽ tranh bút sắt mà còn tạo ấn tượng mạnh mẽ về sự khéo léo và tinh tế của các hoạ sĩ trong việc sử dụng phương pháp để tái hiện sống động hình ảnh về cuộc sống xung quanh.
Không gian trưng bày “Triển lãm bút sắt và bút sắt điểm màu”. (Ảnh Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cung cấp).
“Triển lãm bút sắt và bút sắt điểm màu” tại Phòng Trưng bày Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều người đến xem.
Các tác phẩm thể hiện rất nhiều chủ đề khác nhau, từ chân dung, phong cảnh, cho đến cảnh vật đời sống, mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị và đầy cảm hứng. Tranh bút sắt nổi bật với những đường nét mảnh mai, rõ ràng, thường được vẽ rất tỉ mỉ. Hình tượng trong tranh có thể là những chi tiết nhỏ như nếp nhăn trên gương mặt, sợi tóc, hay những cánh hoa.
Tranh bút sắt thường sử dụng các hiệu ứng ánh sáng, bóng đổ để tạo chiều sâu và sự sinh động cho bức tranh. Người xem sẽ thấy rõ sự tương phản giữa các vùng sáng và tối, giúp hình ảnh trở nên nổi bật, chân thực hơn.
Tác phẩm“Múa lân”, chất liệu bút sắt đệm màu của tác giả Lý Cao Tấn.(Ảnh chụp lại).
Tác phẩm "Hòn Ðá Bạc", chất liệu bút sắt đệm màu nước của tác giả Dư Minh Chiến.
Tác phẩm “Ðất Mũi”, chất liệu bút sắt - màu nước của tác giả Lý Cao Tấn.
Hoạ sĩ Lý Cao Tấn cho biết: “Chất liệu bút sắt rất gọn nhẹ, chỉ đơn giản hai sắc độ đen - trắng có đặc điểm ngôn ngữ tạo hình riêng biệt, nhưng hiệu quả nghệ thuật rất đa dạng, diễn đạt biểu cảm nhiều đề tài, khả năng diễn tả chi tiết rất cao, đường nét gợi lên nhiều cảm giác khác nhau trong một tác phẩm nghệ thuật rất thú vị”.
Theo nhận định của giới chuyên môn, yếu tố quan trọng cho sự thành công của hoạ sĩ là về kỹ thuật vẽ bút sắt, đặc biệt là khả năng tạo ra đường nét sắc sảo, chi tiết chính xác. Ðể thành công, họ cần rèn luyện không ngừng và khả năng kiểm soát các công cụ vẽ một cách tuyệt vời. Một số hoạ sĩ có thể cảm thấy tự hào khi đạt được mức độ tinh xảo trong việc biểu đạt ánh sáng, bóng đổ và kết cấu qua những đường nét bút sắt, đặc biệt khi tác phẩm của họ có thể tái hiện gần như sống động các chi tiết nhỏ nhất.
Ngoài kỹ thuật, một yếu tố khác cũng quan trọng là khả năng truyền tải cảm xúc thông qua tranh bút sắt. Dù ít sử dụng màu sắc, tranh bút sắt có thể tạo cảm giác mạnh mẽ về tình cảm, không gian và thời gian. Các hoạ sĩ khi thành công thường nhận định rằng, tranh bút sắt của họ không chỉ mang tính mô phỏng mà còn có sức sống, tạo sự kết nối giữa người xem và tác phẩm.
Hoàng Vũ