ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-10-24 11:01:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trên dòng Tam Giang huyền thoại

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng anh Phan Thanh Giào, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Giang, huyện Năm Căn và các chú cựu chiến binh, thương binh trên địa bàn thăm lại chiến trường xưa - nơi diễn ra những trận đánh tàu lịch sử trên sông Tam Giang huyền thoại cách đây hơn 50 năm.

Tính đến nay, trận đánh tàu lịch sử trên sông Tam Giang đã đi vào ký ức trên 50 năm, nhưng hào khí ấy luôn dâng trào trong trái tim của những người con quê hương. Hơn 24 “dũng sĩ đánh tàu” năm xưa ở xã Tam Giang, huyện Năm Căn, hiện chỉ còn khoảng 7 người. Các chú nay tuổi đã cao, sức khoẻ hạn chế, nhưng khi gặp, tôi vẫn cảm nhận khí chất “anh hùng” hiện hữu qua ánh mắt, cử chỉ và lời kể của các chú. Gặp lại đồng đội năm xưa, các chú mừng rơm rớm nước mắt rồi nắm tay, ôm chặt đồng đội, kề tai: “Bọn mình may mắn vì còn được tương ngộ hôm nay”…

Buổi chiều 1/7, trên chiếc vỏ máy composite, chúng tôi cùng anh Giào và chú Chung Quang Thắm, thương binh 3/4, chú Huỳnh Chí Nguyện và chú Tăng Ngọc Điện, đều là thương binh 4/4, chạy dọc theo con sông Tam Giang mênh mông, gió lộng tứ bề. Chú Chung Quang Thắm ngồi mũi chỉ đường và lần lượt qua lời kể của các chú dẫn chúng tôi “thâm nhập” về miền ký ức hào hùng năm xưa…

Chú Chung Quang Thắm, thương binh 3/4 (ngồi mũi vỏ), kế đến là chú Tăng Ngọc Điện và chú Huỳnh Chí Nguyện, đều là thương binh 4/4, cùng kể và nhớ lại trận đánh tàu tiêu diệt 38 tên địch tại vàm kênh Ông Phén năm 1969.

Vỏ máy chạy được một đỗi, chú Thắm giơ tay cao ra hiệu dừng lại tại đầu vàm kênh Ông Phén. Chú Thắm bảo, ngày xưa 2 bên bờ cũng toàn cây mắm, biền lá như vậy, chúng che chở, giúp các chú ngụy trang, ẩn nấp an toàn, chờ cơ hội bắn, tiêu diệt quân thù. Cũng chính nơi này vào năm 1969, Đội Du kích Kênh 17 đã phục kích bắn chìm tàu, tiêu diệt 38 tên địch. Ở trận này, người anh và em trai của chú Chung Quang Thắm là ông Chung Văn Uẩn và ông Chung Văn Những cùng 3 đồng chí khác được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Nguỵ”. Đội Du kích Kênh 17 cũng được tuyên dương bởi tinh thần quả cảm, sáng tạo, đoán và phục kích đúng ý định và nơi địch đổ quân.

Chú Thắm tự hào bởi cả 3 anh em của chú đều tham gia cách mạng từ rất sớm và đã lập nhiều chiến công. Riêng chú Thắm, năm 1966, từ những ngày đầu tham gia cách mạng, chú được chọn vào Đội Săn tàu huyện Duyên Hải. Chú Thắm từng tham gia nhiều trận đánh lớn và cùng đồng đội lập nhiều chiến công, như đánh phá 2 tiểu pháo hạm (mỗi chiếc dài 120 m) tại cửa Bồ Đề; cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên địch tại Kênh 3, Vàm Đầm; tập kích tiêu diệt 2 chiếc cao tốc của địch đang tuần tra tại cửa Bồ Đề năm 1971; cùng Đội săn tàu bắn chìm chiếc tiểu pháo hạm tại ngã tư Tam Giang ngày 17/5/1972.

Tham gia nhiều trận đánh lớn và lập nhiều chiến công, cả chú Thắm và người anh trai 2 lần bị thương, hiện là thương binh 3/4, riêng người em út của chú đã hy sinh trong thời chiến, nên câu chuyện về những trận đánh tàu trên sông Tam Giang đã trở thành “ký ức đặc biệt” trong tâm thức của thương binh Chung Quang Thắm. Thời điểm ấy, đất trời như hiểu được lòng người, mây đen giăng tứ phía, kéo theo mưa dông như tâm trạng các chú đang giận dữ, căm thù giặc tột độ, cùng nỗi đau thương tột cùng vì đã không ít người thân, đồng đội thân yêu đã ngã xuống ở nơi này...

Để tránh mưa, vỏ máy của chúng tôi tiếp tục di chuyển nhanh về ngã ba sông Tam Giang, hướng ra cửa biển Bồ Đề để cả đoàn cùng đến tham quan Bia Di tích lịch sử cấp tỉnh, địa điểm ghi nhớ chiến công trận đánh tàu trên sông Tam Giang tại vàm rạch Chủ Mưu, năm 1970. Nơi đây, chú Tăng Ngọc Điện, thương binh 4/4, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp Kênh 17, chia sẻ: “Ngày xưa, nghe tiếng “ting ting ting” tín hiệu riêng thông báo để biết rằng tàu sắp vô bến (Đoàn tàu không số từ Bắc chuyển vào tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam - PV), khi ấy đơn vị trong tâm thế sẵn sàng để bảo vệ đoàn tàu của ta cập bến an toàn, đồng thời ngăn chặn tàu địch để chúng ít và không có cơ hội ngăn đường tiếp tế cho quân ta. Tôi đã từng tham gia trên 100 trận đánh tàu, đồng trực tiếp tham gia trận đánh tàu trên sông Tam Giang tại vàm rạch Chủ Mưu năm 1970, cùng đồng đội bắn chìm 228 tàu, chiếc tàu dài 120 m và tiêu diệt cả đại đội với 70-80 tên địch. Thời đó, biết rằng điều kiện rất khó khăn, dầm mưa dãi nắng, trầm mình trong rừng, dưới sông ngày này qua tháng nọ nhưng tâm thế luôn hăng say, sẵn sàng chiến đấu. Phương tiện đánh địch cũng còn hạn chế, nhất là những đêm tối trời, rất khó ngắm mục tiêu, anh em mới có sáng kiến bắt con đom đóm gắn vào đầu ngắm để định hướng ngắm bắn mục tiêu, ấy vậy mà hàng trăm xác tàu đã bỏ mạng trên con sông huyền thoại này”.

Di tích lịch sử cấp tỉnh Trận đánh tàu trên sông Tam Giang tại vàm rạch Chủ Mưu, năm 1970, được đặt gần ngã ba sông Tam Giang, trổ ra cửa biển Bồ Đề, nay trở thành “địa chỉ đỏ” để địa phương giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Phấn chấn khi nghe đồng đội kể chuyện thành tích đánh tàu, chú Huỳnh Chí Nguyện, sinh năm 1953, thương binh 4/4, tham gia đơn vị 962 năm 1970, hào sảng kể: “Riêng tôi thì ấn tượng nhất khi cùng đồng đội tham gia ở trận đánh năm 1971 tại vàm Cái Nước, đánh chìm chiếc hạm đội lớn nhất của địch dài trên 150 m và tiêu diệt trên 70 tên địch. Trận đánh này, phía ta huy động 2 đại đội khoảng 40 lực lượng, chia lực lượng 2 bên sông, ẩn nấp dưới lùm mắm, dừa nước, chờ tàu địch đi qua có lệnh của chỉ huy là đồng loạt tung hoả lực. Đặc biệt, hoả lực tập trung bắn phần lườn tàu (phần từ mặt nước xuống đáy tàu), hoả lực công phá tàu, nước dẫn vào tàu dẫn đến chiếc hạm đội to xác bị nhấn chìm nhanh chóng dưới dòng Tam Giang”.

Trầm giọng, chú Huỳnh Chí Nguyện xúc động nhớ: “Tuy nhiên, trận này cũng đã lấy đi của ta 6 đồng đội ưu tú và nhiều đồng chí bị thương. Thời điểm đó, chúng tôi phải gạt nhanh nước mắt, biến đau thương thành sức mạnh, nhân lên lòng căm thù, ý chí quyết tâm nhắm thẳng quân thù mà bắn, giành lại cuộc sống hoà bình, ấm no cho dân tộc”.

Cách nay hơn 50 năm, ở tuổi 15, 17, chú Thắm, chú Nguyện, chú Điện đã xung phong ra trận, không ngại gian khổ ngày đêm trầm mình trong rừng, dưới lòng sông Tam Giang phá nước, đột kích, đánh tàu… cùng đồng chí, đồng đội làm nên những trang sử vẻ vang cho quê hương, dân tộc. Nay về thăm lại chiến trường xưa, trên con sông Tam Giang đã đi vào huyền thoại với những điều “nhất”: sông dài nhất, sâu nhất, xảy ra nhiều trận đánh đáng nhớ trong lịch sử - đã góp phần khơi nguồn ký ức, gợi cho các chú nhiều kỷ niệm một thời cách mạng hào hùng, chất chứa cả nỗi niềm, xúc động về sự mất mát, hy sinh của anh em, đồng đội…

“Đảng bộ và Nhân dân xã Tam Giang rất vinh dự, tự hào khi được Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh trận đánh tàu trên sông Tam Giang (tại vàm rạch Chủ Mưu - năm 1970), năm 2016. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” để chúng tôi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ noi theo ra sức hiến kế xây dựng quê hương ngày càng mạnh giàu”, anh Phan Thanh Giào bày tỏ.

Con sông Tam Giang ngày nay hiền hoà, lòng sông ôm trọn phù sa, sản sinh tôm cá để nuôi nấng, bảo bọc những người con quê hương. Ven bờ vẫn những hàng mắm lấn bãi bồi giữ đất, cùng những cụm dừa nước, tàu lá che nghiêng xưa từng che chắn, bảo vệ bộ đội. Xa xa là những dãy hàng đáy căng mình giữa dòng nước chảy, đón bắt cá, tôm giúp cho đời sống người dân thêm sung túc; có cả xóm hầm than ven sông nghi ngút khói, toả mùi khói than đước đặc trưng ở miệt rừng ngập mặn. Đoạn ngã ba sông Tam Giang, trổ ra cửa Bồ Đề mênh mông, rộng lớn, xuồng ghe tấp nập ra vào đánh bắt cá tôm. Say mê những câu chuyện kể chiến công xưa của thế hệ cha chú, tôi bỗng nhớ và ngân nga câu hát: “Nghe gió reo trên Tam Giang/Ngời bao chiến công xưa oanh liệt...” (lời bài hát “Trên quê hương Minh Hải”) - thật sự rất đỗi tự hào, thêm yêu quê hương và thành kính tri ân những anh hùng đã ngã xuống cho sự bình yên, hạnh phúc hôm nay./.

 

Loan Phương

 

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ánh thép U Minh

Tôi thực sự ngỡ ngàng, xúc động và cảm phục khi lần đầu tiên đến Khu Du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau (ECO), ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Làng rừng là sự kiện độc đáo của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau trước ngày Ðồng khởi 1960, thế kỷ XX. Làng rừng thể hiện tinh thần quật khởi, là thái độ bất khuất trước quân thù tàn bạo với ý chí “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”. Nơi đây đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia.