(CMO) Dự án Làng tái định cư ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, do Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ tài trợ, thực hiện từ năm 2003-2013. Sau 10 năm kể từ khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, khu tái định cư Hố Gùi được đầu tư xây dựng bài bản, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, đời sống hơn 300 hộ dân nơi đây hiện vẫn còn không ít khó khăn khi bà con chủ yếu vẫn mưu sinh bằng nghề biển nhiều vất vả.
Trước, ở đây chỉ có khoảng 280 hộ, nhưng theo thời gian, con cái của các hộ dân lớn lên, rồi lập gia đình, nên số hộ từ đó cũng tăng lên. Diện tích đất mỗi hộ nhận được ngang 9 m, dài 30 m, nên hộ nào con đông thì chen chúc nhau cất nhà tạm để sinh sống. Hộ có điều kiện thì xây cất mới trên chính diện tích đó, cũng có hộ đến nay nhà xuống cấp vẫn chưa sửa chữa lần nào”, ông Vũ Hùng Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Ðông, cho biết.
Không thể phủ nhận rằng, dự án đã phần nào giúp bà con vùng ven cửa biển Hố Gùi an cư, lạc nghiệp, giúp họ có ngôi nhà khang trang, kiên cố mà có lẽ nhiều người từng nghĩ rằng cả đời họ không bao giờ có được. Ðan xen với những ngôi nhà được cất theo khuôn mẫu từ dự án, còn xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà kiểu mới, khang trang và kiên cố hơn.
Ông Thịnh chia sẻ: “Năm 2010, ở khu tái định cư này có đến 150 hộ nghèo, chiếm hơn 50% số hộ thời điểm đó. Ðến nay chỉ còn 33 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo. Từ đó cho thấy, đời sống người dân đang từng bước khởi sắc”.
Một điểm chung là các hộ dân vẫn theo nghề biển. Theo lời chị Ngô Bảo Châu, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, các gia đình đều rất chí thú làm ăn, chồng đi biển thì vợ ở nhà tìm nhiều công việc làm thêm để tăng thu nhập, như vá lưới, làm khô… Khu tái định cư thành lập được 2 tổ hợp tác (THT) do phụ nữ làm chủ, là THT làm khô và THT làm mắm cá sơn. Sản phẩm do các chị làm ra không đủ cung cho thị trường.
Dù mùa cào thường thua lỗ nhưng ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt.
Theo ghi nhận, lý do cung không đủ cầu là vì ở đây đa phần các hộ dân đánh bắt nhỏ lẻ, theo mùa nên các THT cũng làm theo mùa. Ðến mùa ruốc thì làm mắm ruốc, mắm chao; mùa cá sơn thì làm mắm cá sơn; mùa cá chim thì làm mắm cá chim. Khô cũng vậy, không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào nên nhiều khi có khách hàng mua nhưng không có hàng để bán.
“Ðược đánh giá là ngon, sạch, an tâm cho người tiêu dùng, nhưng sản phẩm khô và mắm ở xã Tam Giang Ðông không đăng ký sản phẩm OCOP được vì nguồn nguyên liệu đầu vào biến động, không liên tục”, ông Thịnh trần tình.
Bên cạnh niềm vui, những hộ dân nơi đây hiện có chung sự lo lắng: giá nhiên liệu ngày một tăng nhưng giá sản phẩm đánh bắt được thì không tăng, có khi lại giảm. Chính điều này đã làm cho một bộ phận người dân trong khu tái định cư phải neo ghe, vì có làm cũng không đủ bù lỗ. Chưa kể đến thời tiết diễn biến bất thường, có khi vừa ra tới biển phải quay trở vào bờ.
Như hộ chị Nguyễn Thuý Hằng, hành nghề khai thác thuỷ sản, chỉ có một phương tiện nhưng gia đình chị đánh bắt theo mùa, hết mùa te thì tới mùa cào, biển động thì vào bờ đóng đáy. Thời gian trước thu nhập ổn định, nhưng gần đây thì liên tục thất mùa.
Chị Hằng cho biết: “Hôm trước, mua 2 triệu đồng tiền dầu nhưng đánh không được bao nhiêu, trừ chi phí và tiền trả bạn ghe thì lỗ chứ không có lời. Giờ nhiên liệu tăng, giá muối cũng tăng nhưng giá sản phẩm các vựa mua vào lại rẻ, có khi còn sụt phân nửa, bấp bênh lắm”.
Chị Nguyễn Thuý Hằng chuẩn bị ngư cụ cho chuyến khai thác biển.
Theo ghi nhận từ các hộ dân nơi đây, cào thất hơn te rất nhiều. Nhiên liệu dùng cho cào gấp 2 lần so với te, nhưng bắt buộc phải ra biển đánh bắt chứ không neo ghe được. Nguồn tài nguyên gần bờ dần cạn kiệt nên cuộc sống của ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ phần nào khó khăn hơn.
Ðời sống của người dân tại làng biển Hố Gùi đa phần bám vào biển. Ðã gọi là sống nhờ biển nên họ không biết làm gì để kiếm sống ở trên bờ. Như hộ của chị Trần Thị Tý, chồng chị theo ghe biển đánh bắt xa bờ khoảng 60 ngày mới vào đất liền. Chị cho biết: "Con nước nào trúng thì được 8-9 triệu đồng, thất thì vài triệu đồng. Vài triệu đồng thì thấm vào đâu khi gia đình tới 4 miệng ăn và người cha già nay đau mai ốm. Nhưng nếu không theo ghe ra biển đánh bắt thì không biết mưu sinh bằng nghề gì trên đất liền".
Không riêng gì chồng chị Tý, nhiều ngư dân nơi đây cũng thế. Khi tài nguyên gần bờ cạn dần thì những phương tiện nhỏ đành lui về sau, cất vào ụ. Những chủ ghe nhỏ phải đi làm ngư phủ cho các ghe lớn hơn để tìm kế mưu sinh cho gia đình.
Hố Gùi là cửa biển nhỏ nhưng ngư dân ở đây vẫn khát khao được vươn ra khơi. Họ muốn thử sức, tìm nguồn lợi thuỷ sản dồi dào để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðược vậy, ngư dân không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn phát huy giá trị truyền thống bám biển của người Cà Mau, góp phần cùng với Nhà nước bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc./.
Kim Cương