Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau áp dụng nhiều phần mềm thiết thực và hiện đại để hỗ trợ và phát triển các tính năng tìm việc, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… cho người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) một cách nhanh chóng và minh bạch.
Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang áp dụng phần mềm BHTN. Phần mềm này được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2023. Hiện tại, theo tính năng phần mềm có được, sẽ tiếp nhận hồ sơ BHTN trực tuyến 100%. Thông qua phần mềm để chia sẻ các thủ tục lên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với tính năng quản lý của phần mềm này, quá trình thực hiện hồ sơ BHTN của các chuyên viên dễ dàng hơn, lộ trình được tự động hoá và nhắc nhở liên tục. Chẳng hạn, người nhận BHTN trong 6 tháng, trên hệ thống vào hàng tháng, NLĐ này sẽ được nhắc để đến Trung tâm trình báo một lần. Trên hệ thống sẽ có robot chat box, đúng ngày giờ sẽ thông qua số điện thoại của NLĐ mà mình thiết lập để nhắn cho đối phương thời gian lịch hẹn đến Trung tâm thông báo tình trạng việc làm. Nếu không dùng hệ thống này thì bắt buộc nhân viên Trung tâm phải gọi điện nhắc nhở giúp NLĐ khỏi mất quyền lợi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tham quan quầy của Trung tâm Dịch vị việc làm trong khuôn khổ Ngày hội Chuyển đổi số năm 2024.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Nếu không có phần mềm mà phải tính toán bằng tay, xác suất tính toán sẽ sai sót nhiều. Mỗi một hồ sơ BHTN sẽ có một mức hưởng trợ cấp thất nghiệp khác nhau. Mặc dù tỷ lệ phần trăm đã được quy định nhưng mình phải áp dụng công thức, tuỳ vào mức tiền lương của NLĐ hưởng, tiền hưởng cao hay thấp cũng tuỳ mức đóng BHTN”.
Bên cạnh đó, từ năm 2020 Trung tâm áp dụng phần mềm quản lý lao động trên địa bàn tỉnh, do nhu cầu quản lý nguồn lao động trong tỉnh gồm nhiều thành phần và nhiều nội dung. "Những năm trước đó Trung tâm chưa quản lý chặt chẽ, vì hàng năm số NLĐ ra khỏi tỉnh bao nhiêu, rời khỏi tỉnh bao nhiêu… đơn vị không dự báo được một cách chính xác, mà do số liệu từ địa phương báo lên. Ví dụ, một năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho mỗi một huyện tổ chức giới thiệu việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Đến thời điểm cuối năm, huyện cảm thấy chỉ tiêu không đạt, là tự đôn lên để đạt; họ báo cáo không trung thực, Trung tâm chưa chắc biết. Dựa trên thực tế này, Trung tâm đã có kiến nghị UBND tỉnh và Sở Thông tin - Truyền thông về một phần mềm cho đơn vị để quản lý chặt chẽ, và được chấp nhận. Tôi tiến hành xây dựng từ năm 2019 và đến tháng 5/2020 triển khai. Từ thời điểm đó đến nay, số lượng giải quyết việc làm được cập nhật hàng ngày trên hệ thống từ xã, huyện…, không cần báo. Biểu mẫu sẽ xuất ra hết", bà Thoảng cho biết.
Phần mềm bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2023. Theo đó, sẽ tiếp nhận hồ sơ thất nghiệp trực tuyến 100%.
Bà Thoảng cho biết thêm: “Ví dụ tháng này quy định ngày 15 hàng tháng sẽ báo cáo số liệu giải quyết việc làm của tháng. Trước đây, chúng tôi phải điện thoại nhắc nhở gửi báo cáo. Còn bây giờ, vào đúng thời điểm báo cáo, chúng tôi chỉ cần lên phần mềm xuất báo cáo tháng ra là đầy đủ, minh bạch. Các huyện mỗi ngày có bao nhiêu hồ sơ, chỉ việc nhập vào phần mềm để Trung tâm quản lý. Khi lao động thất nghiệp trở về, chúng tôi chỉ cần nhập hồ sơ thất nghiệp vào phần mềm BHTN và đối chiếu lại sẽ biết năm nay có bao nhiêu lao động đi trong năm và bao nhiêu lao động quay về nhận BHTN. Thông thường các DN sẽ đào thải lao động lớn tuổi, không có tay nghề khoảng 40 tuổi trở lên. Khi nắm được số liệu này, chúng tôi sẽ có giải pháp để tư vấn giới thiệu việc làm cho đối tượng này. Song song đó, chúng tôi cũng có những đề xuất dự án vay vốn giải quyết việc làm tại địa phương để ưu tiên cho những đối tượng thất nghiệp này nhằm giúp họ duy trì đảm bảo cuộc sống”.
Đặc biệt, trên phần mềm quản lý lao động sẽ có kho, hay còn gọi là tính năng “Việc tìm người, người tìm việc”. Đó là một ngân hàng việc làm. Trung tâm phát triển hai phần mềm BHTN và phần mềm quản lý lao động liên thông với nhau trên một app. Khi check code, NLĐ có thể vào xem những thông tin tuyển dụng của Trung tâm khai thác được trong tỉnh và ngoài nước. Nếu khả năng NLĐ phù hợp và đáp ứng được nhu cầu công việc mà Trung tâm đang tuyển, NLĐ có thể trực tiếp để lại thông tin của bản thân trên app. Lập tức, Trung tâm sẽ kết nối thông tin cho NLĐ và DN để phỏng vấn trực tuyến, hoặc trực tiếp tuỳ theo yêu cầu. Sau khi phỏng vấn, nếu NLĐ chấp nhận mức lương thoả thuận đó, hoặc DN cảm thấy NLĐ đảm bảo yêu cầu thì Trung tâm sẽ hướng dẫn nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến và chuyển nhanh đến DN. Khi NLĐ đã ký được hợp đồng lao động thì chỉ việc đi làm. Nhờ phần mềm này, NLĐ sẽ giảm được tình trạng đi đến những nơi xin việc hay đi đến Trung tâm để tìm hiểu thông tin, tiết kiệm thời gian, công sức.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, kiểm tra công việc trên các phần mềm của trung tâm.
Dữ liệu trên "Việc tìm người, người tìm việc" cũng biến động liên tục. Năm nay, trong dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm làm một cuộc khảo sát lao động ở lại địa phương có nhu cầu muốn tìm kiếm việc làm, khảo sát bằng phiếu hoặc điều tra viên thu thập thông tin qua app. App cấp tài khoản đều cho các cán bộ xã, ấp để người có nhu cầu tìm việc được cập nhật ngay. Đặc biệt, đối với đối tượng học sinh lớp 12 đang có xu hướng việc làm thế nào, cũng sẽ được cập nhật vào dữ liệu phát triển việc làm tiềm năng, để tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, có kế hoạch thực hiện cơ chế cho vay vốn với đối tượng lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài…
Bà Thoảng khẳng định: “Hàng ngày, Trung tâm khai thác được những đơn hàng sẽ đăng tải lên các trang thông tin điện tử của Trung tâm để NLĐ có đăng ký thì chúng tôi lấy dữ liệu vào. Giống như mình đặt một mạng lưới, có thông tin từ NLĐ hay DN đều được chúng tôi gom vào. Còn trường hợp DN đăng ký trực tiếp thì tôi đăng trực tiếp lên đó để quản lý”.
Mỗi năm, kinh phí phát triển các phần mềm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được xin từ ngân sách tỉnh. Thế nên, kinh phí khởi tạo ban đầu chỉ là 640 triệu đồng. Hàng năm, Trung tâm sẽ tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là chủ đầu tư sẽ xin thêm từ 300-500 triệu đồng để phát triển thêm các tính năng để quản lý các phần mềm tại Trung tâm. Dự kiến năm nay bên Sở sẽ xin thêm kinh phí để làm thêm phần phân tích dự báo thị trường lao động.
Lam Khánh