ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 07:33:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trồng cây, gieo chữ đầu xuân…

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày đầu năm mới, chúng tôi xuôi về miệt Năm Căn, mảnh đất của nhiều kỳ vọng lớn lao. Chỉ nói riêng về lĩnh vực giáo dục, đây có thể coi là điểm sáng, là ngọn cờ tiên phong trong đổi mới và nâng chất giáo dục của tỉnh nhà. Đón chúng tôi, những thầy cô từ khắp mọi vùng miền, không về quê ăn tết.

Thầy Mai Trọng Bào, quê Nam Định, Hiệu trưởng Trường THCS Hàng Vịnh, tâm sự: “Giờ mình coi Năm Căn cũng là quê hương, ăn nhiều cái tết trong này mình cảm thấy trọn vẹn lắm. Chỉ thỉnh thoảng nhớ chút lạnh, chút lất phất mưa phùn ngoài Bắc”. Vậy rồi câu chuyện đầu xuân của chúng tôi ngoài công việc “gieo chữ”, còn là chuyện trồng cây, một thứ tưởng chừng chẳng liên quan đến giáo dục, song lại là nét chấm phá duyên dáng và tươi mới của xứ sở này.

Nghịch lý bê tông hoá

Từ câu chuyện kể của ông Hứa Trọng Nhơn, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Năm Căn, gợi lên biết bao ký ức về giáo dục nông thôn Cà Mau một thời gian khó.

Ông Nhơn tâm sự, hồi nhỏ đi học trường làng, bùn lầy, cách trở đò giang, quanh năm chỉ có lội bộ tới trường. Những ngôi trường cây lá tạm bợ ngày xưa làm ông thấy thương hơn những thầy cô từ miền ngoài vào bám trụ, dạy học ở nơi sơn cùng, thuỷ tận này. Là người con Hàng Vịnh, ông Nhơn nay làm công tác quản lý giáo dục nên cảm nhận rõ hơn ai hết điều ấy: “Không có những thầy cô từ miền Bắc, miền Trung tăng cường vào đây, chắc quê hương mình nhiều người còn… dốt chữ”.

Vậy rồi ông Nhơn giới thiệu vị Phó hiệu trưởng trường THCS Hàng Vịnh đầy kính mến: “Đây, thầy Trịnh Đình Hoài, quê Quảng Trị, cũng là thầy dạy của mình”. Có lẽ làm nghề giáo, hạnh phúc nhất là khi học trò của mình thành đạt, còn thật sự kính trọng thầy cũ, trường xưa. Thầy Hoài nhắc nhớ: “Hồi tôi về, toàn bộ các trường học ở Hàng Vịnh đều lụp xụp, tạm bợ, học sinh đi học vất vả trăm bề. Cũng may, đất này là đất hiếu học, tôi có may mắn là được nhìn thấy nhiều em trưởng thành, có đóng góp cho sự phát triển chung của quê hương”.

Vườn hoa bên mô hình bản đồ Việt Nam của thầy trò trường THCS Hàng Vịnh thật sự tạo điểm nhấn riêng có, đáng tự hào của ngôi trường nông thôn Năm Căn.

Trong muôn bề thiếu thốn, ước ao cháy bỏng nhất khi đó là có một ngôi trường đàng hoàng, một bãi sân khô ráo để học sinh vui chơi thoải mái. Cùng với đà phát triển giáo dục, những ngôi trường mới khang trang, sân chơi bằng bê tông sạch sẽ cũng phủ khắp Năm Căn. Nhiều nơi hăm hở xây dựng sao cho thật bề thế, sân bê tông phải rộng thênh thang cho thoả niềm ao ước. Nhưng hình như vẫn còn thiếu một cái gì đó rất quan trọng để trường học phân biệt với những không gian khác. Thầy Bào quả quyết, đó là những bóng cây xanh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi viết về tuổi học trò lại chạm đến trái tim hàng triệu người bởi hình ảnh thân thuộc: “Một lớp học bâng khuâng màu xanh rũ/ Sân trường đêm, rụng xuống trái bàng đêm”. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ đã nói về sự tương đồng của sự nghiệp trồng người với chuyện trồng cây.

Huyện Năm Căn đã có 24/31 trường đạt chuẩn quốc gia, và thật tình cờ, những trăn trở lớn nhất của các trường không đơn thuần là đầu tư cơ sở vật chất mà là tạo được một không gian giáo dục thân thiện. Và cây xanh là một trong những đòi hỏi bức thiết. Ông Nhơn nhận định, với khí hậu, thổ nhưỡng của Năm Căn, việc trồng, chăm sóc và tạo ra không gian xanh không hề đơn giản. Nước mặn quanh năm, lại có những mùa thuỷ triều lên rất cao, nhiều trường học tốn kém kinh phí mua cây về trồng, chăm sóc chu đáo, nhưng càng ngày càng “xuống củ hủ”, rồi chết hết.

Tới những mùa nắng đổ lửa ở Năm Căn, thầy cô bỗng nhận ra bê tông hoá đang thực sự làm con chữ thêm “oi bức” và học sinh cũng chẳng thể vui đùa, thư giãn với khoảng không gian khô cháy, đơn điệu. Bỗng nhiên, cây xanh lại trở nên quan trọng như bất cứ công việc giáo dục nào. Học sinh cần được hít thở, vui đùa, học tập trong một không khí thân thiện hơn, xanh mát hơn. Vậy là tất cả các trường học, thầy cô giáo, phụ huynh và chính các em học sinh phát động cao trào trồng cây, coi như một cách khắc phục triệt để nghịch lý bê tông hoá.

Bên thư viện xanh, học sinh Trường THCS Hàng Vịnh say mê học tập, trau dồi kiến thức, tạo ra môi trường giáo dục hết sức thân thiện, trong lành.

Những ngôi trường tiên phong

Dù là những trường học ở vùng nông thôn xa, song Trường THCS Hàng Vịnh và THCS Hiệp Tùng bỗng trở thành tấm gương sáng cho các trường học khác về việc xây dựng môi trường thân thiện, rợp bóng cây xanh. Bước chân vào Trường THCS Hàng Vịnh, thật ngạc nhiên, chúng tôi thấy cả những nét phóng khoáng, táo bạo nhưng vô cùng quy củ nơi đây. Không gian ấy gợi nhớ đến những ngôi trường đại học mà chúng tôi từng biết. Trường có hòn non bộ, có vườn hoa, có mô hình bản đồ Việt Nam. Nổi bật hơn hết là không gian thư viện cây xanh, nơi học sinh tập trung rất đông và thích thú. Thầy Bào khẳng định: “Các anh khỏi cần phải dàn dựng làm gì, chút nữa các em có giờ giải lao đọc sách, góc thư viện xanh sẽ kín hết các chỗ”.

Không hề nói quá, chúng tôi ghi hình, phỏng vấn các em trong sự nền nếp, tràn đầy hứng khởi. Em Huỳnh Lê Trí Nhân, lớp 9C, chia sẻ: “Học ở dưới bóng cây rất thích, lại mát mẻ nên tiếp thu nhanh hơn”. Ngạc nhiên hơn, khi hết tiết, các em học sinh lại hào hứng xách cặp vở chuyển sang những phòng học chức năng cho môn khác.

Thầy Bào cho biết: “Từ ý tưởng đến nay là cả quá trình”. Mình ít kinh phí, nhờ có những phụ huynh sẵn sàng cho cây, bỏ cả công sức, vậy là cùng nhau đào gốc, vận chuyển bằng ghe xuồng về trường, chăm sóc, giữ gìn hết mực. Ở trường thì cắt cử người chăm sóc, tưới cây hàng ngày. Học sinh các khối đều có lịch chăm sóc cây tại trường".

Cứ thế, những bóng xanh dần phủ khắp không gian ngôi trường. Cũng từ đây, học sinh thêm gắn bó, yêu mến ngôi trường. Các em đi học xa cũng có nơi ngồi chờ tới giờ học mà vẫn có thể yên tâm ôn bài, vui chơi cùng bè bạn. Thành tích của nhà trường khởi sắc qua từng năm. trường THCS Hàng Vịnh tự hào là trường đã đạt chuẩn kiểm định giáo dục mức độ 2, một đích đến không dễ gì đạt được.

Hôm về viết bài chào mừng trường THCS Hiệp Tùng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2018, chúng tôi cứ tấm tắc khen hoài không gian xanh trường đã xây dựng được. Thầy Nguyễn Văn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Trường tiên phong trong việc xây dựng hàng rào, cổng trường bằng cây xanh, được cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh xuống tham quan, đánh giá tích cực”.

Từ hàng mắm ở ven sông, trên bờ là hàng rào dâm bụt, tất cả đều rất Năm Căn, rất Cà Mau mà lại toát lên được nét duyên dáng, xanh mát. Bên trong không gian nhà trường là những cây xanh phủ bóng, sừng sững biểu tượng của Trường Sa thân yêu. Học sinh nơi đây dù là ở vùng nông thôn, song có được một khoảng trời quá lý tưởng để học hành, mơ ước.

Hàng rào cổng trường bằng cây xanh là mô hình trường THCS Hiệp Tùng đã tiên phong xây dựng và đang được phát động nhân rộng toàn huyện Năm Căn.

Về thăm lại trường ngày đầu xuân, ngồi bên hàng ghế đá cùng các em học sinh nói về ngôi trường thân yêu của mình, mỗi em một ý khác nhau, song tựu trung lại đều hết sức tự hào. Tất nhiên, để tạo dựng được công trình cây xanh như hiện nay, thầy cô, phụ huynh và học sinh nơi đây đã tốn biết bao công sức, tâm tình. Thầy Tài nói, dù không có điều kiện về trang thiết bị bằng nơi khác, nhưng các em học sinh nơi đây lại có được không khí học hành rất thân thiện. Đây cũng là yếu tố giúp nhà trường gặt hái nhiều thành tích nổi trội trong những năm gần đây.

Nói vui với ông Nhơn, chắc khỏi cần nói thêm về thành tích của 2 trường này, bởi phòng đã có lựa chọn hết rồi. Ông Nhơn chỉ cười rồi nhẩm tính: “Trong nay mai cũng phải nhân rộng mô hình cây xanh, nhất là hàng rào cây xanh cho các trường trong toàn huyện. Mình mà chạy theo bê tông hoá, chỉ chăm chú vào cơ sở vật chất thuần tuý, đôi khi cũng chưa thật hay, phải không mấy anh nhà báo?”. Ừ thì đó là một gợi mở, một sự ngạc nhiên thú vị không chỉ dành cho chúng tôi. Cà Mau mình thiếu gì những ngôi trường đang “khát” bóng cây xanh./.

Phạm Hải Nguyên

Khơi gợi niềm tự hào, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Giáo dục truyền thống trong học đường được các trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Theo đó, hằng năm, các trường đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục thực tiễn như: văn hoá, văn nghệ ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; hành trình về nguồn, kết nạp Ðảng, Ðoàn, Hội, Ðội tại các khu di tích lịch sử cách mạng; tri ân, đền ơn đáp nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia; đồng thời lồng ghép nội dung này vào chương trình giảng dạy.

Tiếng lòng từ thầy của những... người thầy

Công việc giảng dạy của những người thầy được ví như đưa đò tri thức. Cứ mỗi chuyến đò cập bến là đong đầy niềm vui lẫn trăn trở khôn nguôi. Thầm lặng chèo đò, chở những mảnh ghép tri thức vun đắp cuộc đời, đến khi nghỉ hưu, rời xa tiếng trống trường, những nhà giáo ấy vẫn cứ dõi theo công việc giảng dạy của thế hệ sau, về những bước phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà, lẫn niềm xúc động bồi hồi mỗi khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.

Trao 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh

Ngày 16/11, tại trường THCS Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), Đoàn khối Dân chính đảng phối hợp trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trao tặng 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh trong chương trình Nâng bước đến trường.

Gặp gỡ hai thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), cho biết, nhà trường vừa đón nhận niềm vui có hai em học sinh của trường là thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm. Cụ thể, em Nguyễn Hải Ðăng, thủ khoa ngành Sư phạm Toán học tại Trường Ðại học Cần Thơ và em Bùi Hải An, thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử - Ðịa lý tại Trường Ðại học Sài Gòn.

Nâng chất giáo dục mầm non

Huyện Ngọc Hiển có 8 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với tổng số hơn 1.600 trẻ theo học. Những năm qua, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, sân chơi cho trẻ theo hướng ngày càng chuẩn hoá, đáp ứng điều kiện chăm sóc, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường.

Gương sáng cô giáo Trần Hồng Măng

Những năm qua, Chi uỷ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên, thị trấn U Minh, huyện U Minh luôn quan tâm chỉ đạo đảng viên trong trường nghiêm túc thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là một trong những phong trào thi đua thiết thực từng năm học. Quá trình thực hiện, trong Chi bộ đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, cô giáo Trần Hồng Măng là một trong số đó.

Học để thoát nghèo

Cái nghèo đeo bám gia cảnh khiến giấc mơ nối dài con đường học tập của những bạn trẻ này không hề dễ dàng. Biến khó khăn thành động lực phấn đấu, hành trang bước vào đời là sự cố gắng không ngừng, cùng những vòng tay nhân ái luôn che chở - tất cả đã tạo nên sức mạnh để các bạn bước tiếp trên hành trình chinh phục tri thức.

Giáo dục sức khoẻ giới tính trong học đường

Nhằm thực hiện công tác giáo dục sức khoẻ giới tính trong lứa tuổi vị thành niên, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp, cung cấp kiến thức về vấn đề giới tính cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.